Thanh Hóa:
Độc đáo khánh đá có tiếng ngân như tiếng chuông đồng
(Dân trí) - Du khách thập phương khi đến vãn cảnh chùa Long Cảm (huyện Hà Trung, Thanh Hóa) đều ấn tượng với cặp khánh đá có tiếng chuông ngân vang như chuông đồng. Nghe chuông khánh đá người ta thấy lòng bình an, thanh thản.
Tọa lạc trên sườn núi Ốc (hay còn gọi là Ốc Sơn, xã Hà Phong, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), chùa Long Cảm là một trong những ngôi chùa cổ nhất xứ Thanh. Với dáng vẻ nghiêm trang, tĩnh lặng nhưng cũng không kém phần nên thơ. Từ bao đời nay, nơi đây trở thành nơi tu hành của các Ni cô, đồng thời là điểm đến của du khách gần xa.
Sư thầy Thích Đàm Quang, người đã trụ trì tại chùa Long Cảm suốt 30 năm nay nên tường tận gốc tích về ngôi chùa cho biết, vào năm Thuận Thiên thứ 11 (1020), vua Lý Thái Tổ đi đánh Chiêm Thành, đến vùng phủ Quảng Hòa (huyện Hà Trung ngày nay) đã dừng chân trên sườn núi Ốc Sơn. Đêm đến, Vua nằm mộng thấy rồng vàng. Nghĩ là điềm lành, sau khi giành thắng lợi, về tới kinh đô, nhớ lại giấc mộng tại núi Ốc, vua đã cho dựng trên núi Ốc Sơn một ngôi chùa, lấy tên là Long Cảm (Long: rồng; Cảm: tạ ơn, trả ơn)…
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại thì trước kia, bao quanh núi Ốc là đồng ruộng mênh mông. Muốn đi lên chùa chỉ có phương tiện duy nhất là phải đi bằng thuyền qua con kênh nối từ đường lớn vào chân núi.
Bên trong chùa có tám pho tượng của tám vị tổ sư từng tu hành tại chùa, được coi là những tác phẩm nghệ thuật quý hiếm, tinh xảo. Cạnh đó là những di vật có tuổi đời hàng trăm năm, thậm chí ngót nghét nghìn năm, được cung tiến qua các lần trùng tu.
Trải qua gần 10 thế kỷ, Chùa vẫn tìm lại và lưu giữ được những “báu vật” vô giá như bốn cột đá ở hiên chùa chính, chân trụ đá còn nguyên vẹn, quả chuông cổ, mấy bức bia cổ, đặc biệt là đôi khánh đá cổ, nặng khoảng 300-400 kg.
Sư thầy trụ trì Thích Đàm Quang cho hay, ấn tượng nhất với phật tử và du khách bốn phương khi đến vãn cảnh chùa Long Cảm là cặp khánh đá cổ đặt ở sân chùa. Hai chiếc khánh rất lớn, nặng đến hàng chục người khiêng, cùng màu đá xanh xám, được treo ngay ngắn trên các trụ đá và đặt song song nhau.
Điểm khác của chúng là một chiếc có hoa văn chạm trổ hình đám mây, một chiếc đơn thuần là phiến đá lớn tạc hình bán nguyệt được làm phẳng. Căn cứ vào các thư tịch cổ và văn tự khắc trên đôi khánh đá, các nhà nghiên cứu lịch sử đều có chung nhận định, chúng không có chung nguồn gốc cũng như niên đại.
Theo sư thầy Thích Đàm Quang, chiếc khánh lớn có họa tiết hoa văn vốn không phải của nhà chùa. Trước đây nó ở trong ngôi chùa bên làng Thượng. Mấy chục năm trước, chùa Thượng bị đổ, nhiều đồ thờ bị vỡ hỏng, có người tiếc chiếc khánh quý bèn đem giấu xuống ao bèo để bảo quản. Sau này, người đó thuê người trục vớt lên, đem về chùa Long Cảm cung tiến nên nhà chùa treo bên cạnh chiếc khánh cổ ở sân. Còn chiếc khánh cổ của chùa Long Cảm, ngay cả sư thầy Thích Đàm Quang từng mấy chục năm làm trụ trì ở đây cũng không rõ có từ bao giờ.
“Không có cứ liệu rõ ràng nhưng thầy tin rằng khánh được đặt cùng lúc dựng chùa, tức là đã nghìn năm nay rồi. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, niên đại chiếc khánh cổ gần hơn, vào khoảng thời Hậu Lê, chừng 300-400 năm trước. Trông nó giản dị, mộc mạc, không có hoa văn, lại bị sứt một mảng to nơi thường dùng để gõ, có thể do sử dụng nhiều…” - thầy Đàm Quang nhận định.
Điểm khác biệt lớn nhất của hai chiếc khánh cổ còn nằm ở tiếng ngân vang. Sư thầy Thích Đàm Quang cho hay, với chiếc khánh đá cũ chỉ cần lấy tay vỗ vỗ sẽ phát ra những tiếng kêu trầm bổng ngân dài. Nếu dùng vồ gỗ gõ mạnh, nó ngân như tiếng chuông đồng, vang xa. Còn với chiếc khánh lớn mới được đưa về từ làng Thượng, dù gõ mạnh đến mấy cũng chỉ phát ra tiếng “lạch, cạch” trầm đục.
Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Bảo lý giải, sự khác nhau về âm thanh của đôi khánh cổ là do chất liệu đá. “Chiếc khánh không kêu có lẽ được chế tác từ khối đá xanh bình thường. Còn chiếc khánh kêu chắc chắn được chế tạo từ đá của núi Nhồi, không thể là đá ở bất cứ nơi nào khác”, ông Bảo nói.
Ông Bảo cho hay, núi Nhồi hiện nay thuộc phường An Hoạch (TP Thanh Hóa), cách chùa Long Cảm gần 30 km về phía nam. Núi có tên chữ là An Hoạch, bên trên có cụm tượng mẹ con nàng Vọng Phu. Thời Tiền Lê, núi từng là nơi sinh sống của rất nhiều người Lồi (nước Chiêm Thành xưa), nên còn gọi là núi Lồi, sau trại đi thành núi Nhồi. Đá núi Nhồi rất quý, nên từ hàng nghìn năm trước, người dân ở đây đã có nghề khai thác đá để làm khánh, bia, tạc tượng và nhiều vật dụng khác
Cũng theo sư thầy Thích Đàm Quang thì khánh là một trong những pháp khí cổ xưa của Phật giáo. Hiện nay, không còn nhiều chiếc khánh đá cổ như ở chùa Long Cảm. Âm thanh của khánh đá có tác dụng rất mầu nhiệm với người tu thiền. Các thiền sư một khi đã nhập định đến một cảnh giới nào đó thì trời long đất lở xung quanh, thân tâm của các vị ấy vẫn bất động. Nhưng chỉ với một tiếng khánh nhỏ vang lên cũng đủ làm cho các ngài thức giấc.
Nguyễn Thùy