Nghệ An

Độc đáo cây đa “bảo vệ” cổng phủ trăm năm tuổi

(Dân trí) - Thời gian, mưa nắng đã “bào mòn” cổng phủ Tương thế nhưng, nhờ những rễ đa chằng chịt nâng đỡ, công trình kiến trúc cổ này vẫn hiên ngang soi bóng xuống dòng Nậm Nơn.

Độc đáo cây đa "ôm" cổng phủ trăm tuổi

 

Cổng phủ Tương (xã Xá Lượng, Tương Dương, Nghệ An) có từ bao giờ ngay cả người già nhất ở đây cũng không nhớ nổi. Chỉ biết rằng khi họ sinh ra, lớn lên trên mảnh đất từng là thủ phủ miền Tây Nghệ An này, cổng phủ Tương đã có ở đấy, như một minh chứng cho sự tồn tại của một thời quá khứ đã xa.

Thân, rễ cây đa bao bọc cổng phủ Tương tạo thành một công trình độc nhất vô nhị ở miền Tây Nghệ An.
Thân, rễ cây đa bao bọc cổng phủ Tương tạo thành một công trình độc nhất vô nhị ở miền Tây Nghệ An.

Ông Đậu Thế Mạo (SN 1943, xã Xá Lượng) tâm sự: “Khoảng năm 1952-1953 gì đó, tôi theo cha mẹ từ dưới xuôi lên đây đã thấy cái cổng phủ này rồi. Nghe các cụ cao niên kể lại, ngày xưa, khu vực hợp lưu giữa sông Nậm Mộ và Nậm Nơn thành khởi nguồn của dòng sông Lam là nơi đóng các trụ sở hành chính của khu vực miền Tây Nghệ An, trong đó có phủ Tương, đền Vạn, đền Rào. Vua Bảo Đại có lần cũng đã đến đây thăm. xưa kia, vùng đất trù phú này là nơi sinh sống của cư dân 3 nước, 14 tỉnh thành, bao gồm cả người Kinh, người Thái, Mông, Khơ - mú…, người Lào và cả người Hoa.

Cổng phủ Tương nhìn ra ngã ba hợp lưu giữa Sông Nậm Mộ và Nậm Nơn, nơi khởi nguồn của dòng sông Lam.
Cổng phủ Tương nhìn ra ngã ba hợp lưu giữa Sông Nậm Mộ và Nậm Nơn, nơi khởi nguồn của dòng sông Lam.

Khu vực Trường THCS Xá Lượng bây giờ trước là trụ sở phủ Tương, rộng lắm, có rất nhiều lính khố đỏ, khố xanh. Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, rồi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, chính quyền tay sai thất thế, bỏ chạy tứ tán, phủ Tương trở thành trụ sở của chính quyền cách mạng.

Thân, rễ đa bám chặt lấy cổng phủ.
Thân, rễ đa bám chặt lấy cổng phủ.

Khi cơ quan hành chính huyện chuyển xuống thị trấn Hòa Bình thì đây trở thành trụ sở bệnh viện huyện rồi trạm y tế xã. Sau này thì chuyển thành trường cấp 2. Trong quá trình cải tạo, xây dựng, các công trình đã bị phá bỏ, giờ chỉ còn cái cổng phủ kia. Không biết chính xác thời điểm xây dựng nhưng có lẽ nó cũng có cả trăm năm tuổi”.

Cổng phủ Tương trở thành cổng phụ của Trường THCS Xá Lượng (Tương Dương, Nghệ An)
Cổng phủ Tương trở thành cổng phụ của Trường THCS Xá Lượng (Tương Dương, Nghệ An)

Mưa gió, thời gian đã khiến cổng phủ bị hư hỏng, xuống cấp nhiều. Nhiều chỗ gạch vữa đã bị lở lói, bong tróc. Trên bề mặt cổng phủ không còn dấu tích nào thể hiện lịch sử ra đời của nó. Mặc dù vậy, cổng phủ Tương ngày xưa đã trở thành một kỳ quan có một không hai ở miền Tây Nghệ An. Toàn chiếc cổng phủ đã được bao phủ, nâng đỡ bởi một hệ thống chằng chịt của rễ, thân đa.

Dấu ấn thời gian in hằn trên công trình kiến trúc có một không hai.
Dấu ấn thời gian in hằn trên công trình kiến trúc có một không hai.

Cây đa cao lớn, rễ, thân men theo thành cổng, thậm chí “đục” thủng cả bức tường gạch. Những chiếc rễ lớn bao trùm cả cổng phủ, uốn lượn, hình thành một lớp bảo vệ chiếc cổng trước sự tác động của thời tiết. Hệ thống thân, rễ chằng chịt men theo cổng phủ nhưng đến chóp cổng lại “tụ” lại để bung ra tán lá rộng lớn như chiếc ô khổng lồ.

Trầm mặc, hùng vĩ và nhuốm màu sắc tâm linh trong ánh chiều tà của miền sơn cước.
Trầm mặc, hùng vĩ và nhuốm màu sắc tâm linh trong ánh chiều tà của miền sơn cước.

Cổng phủ hiện giờ cũng chính là cổng đi lại của các em học sinh khu vực nhà bán trú của trường. Từ sân trường đi xuống bậc đá cuối cùng khoảng gần 3m, những bậc đá lở lói, đất bị xói trôi, chỉ còn trơ lại những phiến đá đủ kích cỡ. Có chuyện kể rằng, khi rời đi, đám quan lại, số nhà giàu người Hoa đã chôn nhiều vàng bạc, châu báu ngay chân cổng hoặc giữa các bậc lên xuống. Bởi vậy, có thời điểm, nhiều nhóm người đã đến đây đào bới, gây hư hỏng cho công trình này.

Toàn cảnh vẻ đẹp ấn tượng về cây đa và cổng phủ Tương.
Toàn cảnh vẻ đẹp ấn tượng về cây đa và cổng phủ Tương.

Ông Vi Sắc Son - Trưởng phòng VHTT huyện Tương Dương cho biết: “Về lịch sử cụ thể của công trình cổng phủ Tương thì chưa có tư liệu nào ghi lại. Công trình này đã được đưa vào danh mục trùng tu, bảo vệ, tôn tạo tuy nhiên huyện lại chưa bố trí được nguồn nên cũng chưa có kế hoạch cụ thể. Hiện tại thì huyện đang giao cho Trường THCS Xá Lượng bảo vệ”.

Trong ánh chiều tà, giữa bảng lảng sương khói của miền rừng núi, cây đa - cổng phủ vẫn đứng uy nghi, trầm mặc dõi ra ngã ba sông - nơi bắt nguồn của dòng sông Lam, tạo nên một vẻ đẹp vừa hoang sơ, hùng vĩ vừa nhuốm màu tâm linh.

                                                                                           Hoàng Lam