Độc đáo bộ sách bằng vàng ròng quý hiếm bậc nhất Việt Nam

(Dân trí) - Bắt đầu từ sáng nay (31/3), Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) sẽ tiến hành trưng bày chuyên đề “Bảo vật hoàng cung” gồm 22 cuốn kim sách triều Nguyễn (1802 – 1945) bằng vàng ròng, bạc mạ vàng và 10 kim bảo liên quan. Đây được xem là những bảo vật quý hiếm bậc nhất Việt Nam.

Sách bằng vàng chạm khắc tinh xảo

Đây là lần đầu tiên, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiến hành trưng bày và giới thiệu một cách có hệ thống về kim sách triều Nguyễn cùng những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của bộ sưu tập. Mục đích của sự kiện này là nhằm cung cấp những dữ liệu để khách tham quan tìm hiểu, nghiên cứu về loại hình thư tịch đặc biệt cùng những vấn đề lịch sử, văn hóa thời Nguyễn, góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam.

Khách mời nghe thuyết minh viên của Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu về các bản kim sách trưng bày.
Khách mời nghe thuyết minh viên của Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu về các bản kim sách trưng bày.

Theo đại diện Bảo tàng Lịch sử quốc gia thì kim sách triều Nguyễn (1802 - 1945) là một loại thư tịch cổ đặc biệt, được làm từ các kim loại quý, dùng để ghi lại việc chính sự, lễ nghi triều đình như sự kiện các Hoàng đế lên ngôi, lập thái tử, hoàng hậu hoặc ghi công, phong tước và dâng, ban tôn hiệu, tôn thụy cho hoàng thân, quốc thích... Lời sách do đích thân các Hoàng đế hoặc các đại thần biên soạn và việc chế tạo được giao cho Hữu ty thuộc bộ Lễ thực hiện.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện đang lưu giữ bộ sưu tập kim sách triều Nguyễn bằng vàng và bạc mạ vàng, theo khổ chữ nhật đứng, bìa trang trí hình rồng 5 móng và hình phượng, gáy đóng 4 khuyên tròn. Sự ra đời, mục đích, nội dung của kim sách hầu hết được ghi chép trong các sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn như: “Đại Nam thực lục”, “Đại Nam liệt truyện”, “Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ”... Bởi vậy, mỗi quyển kim sách không những chứa đựng những thông tin giá trị về lịch sử, văn hóa triều đại mà còn là một di sản vô giá. Đáng chú ý, nhiều quyển kim sách trong sưu tập có kèm theo kim bảo được đúc trong cùng thời điểm, cùng sự kiện.

Cận cảnh bản kim sách bằng vàng và ấn bằng vàng của triều Nguyễn được trưng bày sáng 31/3.
Cận cảnh bản kim sách bằng vàng và ấn bằng vàng của triều Nguyễn được trưng bày sáng 31/3.

Nội dung kim sách bao gồm các chủ đề sau: Hoàng đế Gia Long truy dâng tôn hiệu, tôn thụy cho 9 chúa Nguyễn và 9 hoàng hậu thời Chúa Nguyễn; Các hoàng đề đời sau truy dâng tôn thụy cho các hoàng đế đời trước; Các hoàng đế lên ngôi, phong lập hoàng thái tử; Các hoàng đế dâng tôn hiệu cho các hoàng thái hậu, thái hoàng thái hậu, phong lập hoàng hậu, phi tần; Hoàng đế Tự Đức giáng chức Hoàng Quý phi xuống làm Trung phi; Kim sách “Đế hệ thi” của hoàng đế Minh Mệnh và kim sách nối tiếp “Đế hệ thi” của hoàng đế Thiệu Trị.

Do diện tích, không gian trưng bày có hạn, chỉ giới thiệu được một phần sưu tập, nên trưng bày phải đảm bảo yêu cầu lựa chọn hiện vật đáp ứng đầy đủ nội dung chủ đề kim sách. Những chủ đề có nhiều kim sách, sẽ lựa chọn hiện vật gắn với các nhân vật nổi tiếng, có nhiều công lao với vương triều và đất nước.

Vua Gia Long đúc 33 cuốn sách vàng

Từ nội dung sưu tập kim sách triều Nguyễn đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho thấy có trường hợp một hoàng đế dâng, ban nhiều kim sách cho nhiều người khác, hoặc một người nhận được nhiều kim sách từ nhiều hoàng đế tương ứng với nhiều tôn hiệu khác nhau. Chẳng hạn, số lượng kim sách do hoàng đế Gia Long cho đúc lên tới 33 cuốn.

Các bản kim sách không chỉ có giá trị lớn về kim tệ mà còn chứa đựng nhiều giá trị về văn hoá, lịch sử, xã hội...
Các bản kim sách không chỉ có giá trị lớn về kim tệ mà còn chứa đựng nhiều giá trị về văn hoá, lịch sử, xã hội...

Ngược lại, trường hợp Hoàng Thái hậu Tự Dụ, nhận được rất nhiều kim sách phong, dâng tôn hiệu từ lúc làm Quý phi cho tới khi làm Thái thái hoàng thái hậu và thụy hiệu sau khi bà mất. Mặt khác do mỗi kim sách là một văn bản độc lập, gắn với một sự kiện riêng lẻ của nhân vật được dâng, ban kim sách. Tên hiệu của một người ở mỗi kim sách cũng khác nhau.

Bởi vậy, ngoài việc trưng bày theo nội dung, thế thứ, trưng bày sử dụng cả giải pháp trưng bày theo nhân vật, để công chúng dễ hiểu, dễ liên kết các câu chuyện về một nhân vật qua nhiều kim sách khác nhau. Trường hợp Hoàng quý phi Vũ Thị Duyên bị Hoàng đế Tự Đức giáng làm Trung phi, sau đó lại được tôn làm Hoàng hậu và các đời sau tôn làm Hoàng thái hậu, Thái hoàng thái hậu. Nếu bày riêng rẽ theo nội dung chủ đề, khách tham quan không những sẽ khó hình dung những cuốn kim sách này là về một cùng nhân vật mà còn không biết được câu chuyện về quá trình dâng ban tôn hiệu đối với nhân vật này.

Tôn hiệu, thụy hiệu ghi trong kim sách rất dài, khó đọc và khó nhớ. Tuy nhiên để đảm bảo sự tôn trọng và tính trang trọng, chú thích hiện vật sẽ ghi đầy đủ tên hiệu, có chú thích thêm tên hiệu thường gọi tắt để khách tham quan dễ hiểu dễ nhớ.

Không gian trưng bày được bố trí hết sức khoa học và mỹ thuật.
Không gian trưng bày được bố trí hết sức khoa học và mỹ thuật.

Trong số các bản kim sách quý hiếm này, đáng chú ý là bộ kim sách Hoàng đế Gia Long truy dâng tôn hiệu, tôn thụy cho các chúa Nguyễn và hoàng hậu thời chúa Nguyễn. Hiện vật lựa chọn trưng bày gồm: kim sách dâng tôn hiệu cho chúa Nguyễn Hoàng, người đầu tiên vào lập nghiệp và xây dựng chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong, tạo tiền đề cho việc thành lập vương triều nhà Nguyễn sau này; chúa Nguyễn Phúc Chu, người có nhiều công lao trong công cuộc mở rộng lãnh thổ về phía Nam và chúa Nguyễn Phúc Khoát, ông nội của hoàng đế Gia Long, người đầu tiên xưng vương.

Kim sách Hoàng đế Gia Long ca tụng công đức và dâng tôn hiệu cho chúa Nguyễn Hoàng là Triệu Cơ Thùy Thống Khâm Minh Cung Ý Cẩn Nghĩa Đạt Lý Hiển Ứng Chiêu Hựu Diệu Linh Gia Dụ Hoàng đế, miếu hiệu là Thái Tổ. (Thái tổ Gia Dụ Hoàng đế).

Kim sách Hoàng đế Gia Long ca tụng công đức và dâng tôn hiệu cho chúa Nguyễn Phúc Chu là Anh Mô Hùng Lược Thánh Văn Tuyên Đạt Khoan Từ Nhân Thứ Hiếu Minh Hoàng đế, miếu hiệu là Hiển Tông (Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế) và Ấn vàng "Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa vĩnh trấn chi bảo", do chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc làm quốc bảo vào năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709). Đến đời Hoàng đế Gia Long (1802 - 1820) được chọn làm báu vật truyền ngôi của vương triều Nguyễn.

Nhiều khách đến tham quan đã không bỏ qua cơ hội chụp lại hình ảnh những cuốn kim sách quý hiếm.
Nhiều khách đến tham quan đã không bỏ qua cơ hội chụp lại hình ảnh những cuốn kim sách quý hiếm.

Kim sách Hoàng đế Gia Long ca tụng công đức và dâng tôn hiệu cho Tống Kính phi (vợ chúa Nguyễn Phúc Chu) là Từ Huệ Cung Thục Ý Đức Kính Mục Hiếu Minh Hoàng hậu (Từ Huệ Hiếu Minh Hoàng hậu); Kim sách Hoàng đế Gia Long ca tụng công đức và dâng tôn hiệu cho Hoàng tổ phụ (ông nội) là chúa Nguyễn Phúc Khoát làm Càn Cương Uy Đoán Thần Nghị Thánh Du Nhân Từ Duệ Trí Hiếu Vũ Hoàng đế, miếu hiệu là Thế Tông (Thế tông Hiếu Vũ Hoàng đế).

Theo nhiều chuyên gia nhận định, xét về giá trị kim tệ thì những bản kim sách và kim bảo này đều có giá triệu USD Mỹ. Xét về giá trị tinh thần thì đây là những bảo vật quý hiếm bậc nhất Việt Nam vì mỗi bản kim sách không chỉ chứa đựng lịch sử, văn hoá, xã hội triều Nguyễn mà còn thể hiện sự tài hoa của nghệ nhân trong việc chạm khắc trên kim loại quý.

Hà Tùng Long

Ảnh: Song Nguyên