Đình Đồng Lạc được gắn biển đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch
(Dân trí) - Ngày 4/1/2017, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội đã tổ chức lễ gắn biển đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho di tích đình Đồng Lạc nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể nhân dịp kỷ niệm 11 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam, đồng thời triển khai quyết định của Sở Du lịch Hà Nội.
Đình Đồng Lạc tại địa chỉ 38 Hàng Đào vốn là nơi thờ vọng thần Cao Sơn, Linh Lang, Bạch Mã. Đình cũng là nơi bán các sản phẩm yếm lụa từ thời Lê - thế kỷ thứ XVII. Dấu tích còn lại ở ngôi nhà này chính là hàng chữ Hán màu đen nổi bật trên nền vôi vàng đề “Đồng Lạc quyến yếm thị” - (ngôi đình của chợ bán yếm mang tên Đồng Lạc).
Tuy nhiên, trải qua nhiều biến động của lịch sử, ngôi Đình đã bị tàn phá nặng nề. Năm 1941, Đình được xây dựng lại với quy mô hai tầng, dùng để bán hàng và nhà ở.
Năm 1956, Đình lại được sử dụng làm cửa hàng bách hóa. Đến năm 2000, thành phố Hà Nội (Việt Nam) và thành phố Toulouse (Cộng hòa Pháp) đã chọn ngôi Đình để trùng tu, bảo tồn. Dấu vết còn lại của ngôi Đình là hai đầu dư mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn và tấm bia đá dựng năm Tự Đức - Bính Thìn (1856) trên đó ghi rõ: “Đình chợ có bán yếm lụa do hiệu chủ Nguyễn Công Trung và vợ là Nguyễn Thị Từ Thiết xây dựng từ thời Lê”.
Năm 2004, Đình Đồng Lạc được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di sản cấp Quốc gia, nơi giới thiệu kỹ thuật xây dựng truyền thống, kết hợp kỹ thuật tôn tạo hiện đại.
Ngày 4/1/2017, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội đã tổ chức lễ gắn biển đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho di tích đình Đồng Lạc nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể nhân dịp kỷ niệm 11 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam, đồng thời triển khai quyết định của Sở Du lịch Hà Nội.
Ban quản lý Phố cổ Hà Nội được UBND quận Hoàn Kiếm giao quản lý, phát huy giá trị di tích đình Đồng Lạc tại số 38 Hàng Đào, đồng thời phối hợp tổ chức trưng bày, giới thiệu những sản phẩm thủ công cao cấp kết tinh từ vốn sống phong phú và tay nghề tài khéo của những nghệ nhân xuất sắc của Việt Nam, như: sơn mài, Lãnh Mỹ A, giấy Dó, đồ thêu tay...
Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu: “Đình Đồng Lạc, tiếng Hán Việt “Đồng” là cùng nhau, là sum vầy, hội tụ; “Lạc” là an lạc, là hạnh phúc; Đình Đồng Lạc có nghĩa là nơi hội tụ để hưởng an lạc, hạnh phúc. Với ý nghĩa này hy vọng sự phối hợp trưng bày các sản phẩm truyền thống tại di tích cổ sẽ thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế, là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình tour khám phá văn hóa lịch sử Hà Nội của du khách trong nước và bạn bè quốc tế”.
Đình Đồng Lạc cũng hứa hẹn trở thành một địa điểm giao lưu văn hóa đối với những người yêu di sản. Từ tháng 1/2017, Không gian Văn hóa Hanoia tổ chức các buổi đàm đạo xoay quanh các câu chuyện về văn hóa và phong cách sống được thực hiện định kỳ hàng tháng, với khách mời là các học giả - nhà nghiên cứu- nghệ sĩ... uy tín.
Từ 13/1, Họa sĩ, nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Mạnh Đức sẽ trò chuyện về nhu cầu giao hòa, gắn kết mật thiết giữa thế giới hữu tình và thế giới tâm linh thiêng liêng của người Việt - qua chủ đề “Bàn thờ Ngày Tết và những bài khấn gia tiên”.
Ngày 9/2 PGS.TS Bùi Quang Thắng (chuyên gia nghiên cứu và phục dựng các lễ hội dân gian) sẽ trò chuyện về cách chơi hội ngày Xuân. Đi những lễ hội cầu danh, cầu lộc, cầu tài, cầu tình… trong cuộc sống hiện đại như thế nào cho đúng, cho vui.
Ngày 9/3 sẽ diễn ra cuộc trò chuyện giữa Họa sĩ Bùi Hữu Hùng và nhà Điêu khắc Đinh Công Đạt về nghệ thuật sơn mài trong cuộc sống đương đại. Cuộc trò chuyện sẽ cho thấy rõ hơn về nghệ thuật sơn mài - một niềm kiêu hãnh của nền thủ công tinh xảo Việt. Sơn mài đã bước vào không gian nghệ thuật và thế giới đồ dùng hạng sang bằng cách nào, để giữ được tinh hoa truyền thống, mà vẫn khớp nhịp với cảm hứng và thẩm mỹ sống đương đại?
Trong năm 2017, chuỗi chương trình Không gian Văn hóa Hanoia sẽ tổ chức định kỳ vào các chiều ngày thứ Sáu của tuần thứ hai trong mỗi tháng, tại địa điểm ngôi nhà di sản 38 Hàng Đào - Hà Nội.
Hà Tùng Long
Ảnh: QH.