Vào ngày 1/8, Đình cổ Thân Nhơn (xã Thân Cửu Nghĩa, Huyện Châu Thành, Tỉnh Tiền Giang), đã diễn ra Lễ hội kỳ yên long trọng và Lễ nhận bằng Di tích Văn hóa cấp tỉnh.
Ngôi đình cổ này nằm ở vị trí quan trọng cửa ngõ miền Tây Nam Bộ, xây dựng cách đây gần 200 năm. Được vua Tự Đức ban 2 sắc phong thần vào năm 1853 bao gồm sắc Đại Càn Quốc Gia Nam Hải và sắc phong Thành Hoàng Bổn Cảnh. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đình từng là nơi diễn ra các nghi thức cúng kính tri ân tiền nhân khai hoang mở cõi và tạ ơn chư thần hộ quốc an dân.
Hai sắc phong thần của Vua Tự Đức từ năm 1853 vẫn được lưu giữ cho đến hiện tại.
Còn có Mũ Đường Cân thờ vua trong đình - bảo vật hiếm thấy ở các đình khác.
Trước năm 1975, đình từng là căn cứ cách mạng trong hai thời kỳ kháng chiến và đã bị chiến tranh tàn phá nặng nề, sau ngày giải phóng miền Nam từng được sử dụng một phần để làm lớp học tạm thời trong lúc xây dựng lại trường Trung học cơ sở Thân Cửu Nghĩa A.
Mặc dù hằng năm các vị trưởng lão của Làng Thân Nhơn vẫn tề tựu về cúng hội Kỳ yên, nhưng do thời gian gần 200 năm đã làm đình xuống cấp trầm trọng.
Đình hầu như bị hỏng hoàn toàn. Số cột hầu như đã bị mục rỗng, nền đền bị thủng lỗ chỗ, nhiều vị trí trơ đất lồi lõm.
Mái ngói cũng bị đổ nát gần như hoàn toàn... Khó có thể tin được, một ngôi đình cổ đầy dấu ấn lịch sử trở thành nơi hoang phế như thế này.
Ông Nguyễn Văn Vấn, Đại diện Ban khánh tiết đình cổ Thân Nhơn từng ngậm ngùi khi nói về ngôi đình cổ này: “Xin để đình làng trở về nét trang nghiêm vốn có, đừng để đình làng điêu tàn theo quy luật của thời gian”.
Đình cổ Thân Nhơn gần 200 tuổi đổ nát được cấp Di tích Văn hóa sau 5 năm phục dựng
Cách đây 5 năm (27/7/2015), Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Tỉnh Tiền Giang kết hợp cùng ban khánh tiết đình cổ Thân Nhơn đã tổ chức chương trình văn hóa - văn nghệ kêu gọi sự ủng hộ của bà con để trùng tu lại ngôi đình.
Từ đó đến nay, ngôi đình đã được phục dựng từng phần. Khi trùng tu, những vật liệu trong đình còn sử dụng được như: gạch xưa bằng đất nung được giữ lại tiếp tục dùng, vừa tiết kiệm, vừa phần nào giữ được hồn cổ đình xưa.
Sau 5 năm ngôi đình đã phục dựng được cổng, chánh điện và vỏ ca - nơi diễn xướng Đại Bội và Hát Bội (không chỉ cho người sống xem mà còn cho thần linh xem). Những phần khác vẫn tiếp tục được quyên góp để xây dựng tiếp.
Lễ hội Kỳ yên năm nay được tổ chức long trọng với sự tham dự của chính quyền địa phương, Ban Khánh Tiết cùng đông đảo người dân trong vùng đến dự. Nghi thức cúng kính và phẩm vật cúng thần đã được các vị cao niên phân tích chi tiết như hoa huệ, hoa cúc, món mít, bánh xèo, heo quai, xôi nếp, rượu, trà… đều mang hàm ý giá trị văn hóa.
Ông Ngô Văn Cậy - trưởng ban khánh tiết đình Thân Nhơn xúc động khi đình được Sở Văn hóa Thể thao Tỉnh Tiền Giang trao tặng bằng chứng nhận Di tích văn hóa cấp tỉnh.
Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang - chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghiên cứu và Vinh danh Văn Hóa Nam Bộ - anh đã tham gia trong chương trình văn nghệ cách đây 5 năm để kêu gọi quyên góp tu sửa ngôi đình cổ. Trong chương trình Lễ hội Kỳ yên lần này, anh đã chia sẻ nhiều giá trị về đình làng, ý nghĩa và nguồn gốc của đình.
Ngoài phần lễ, chương trình còn có các tiết mục văn nghệ như múa Tứ Thiên Vương chúc phúc dân làng, Đình Thân Nhơn quê tôi, Thương cha một tấm lòng son, Em yêu người nghệ sĩ, Tri ân đức Tả quân Lê Văn Duyệt... qua phần biểu diễn của các nghệ sĩ Xuân Lan, Tú Quyên, Minh Hòa, Lý Trung Tín, Trọng Hiếu, tiến sĩ-nhạc sĩ Hải Phượng, nhạc sĩ Châu Minh Tâm…