Điều tiếc nuối của điệp viên Phạm Xuân Ẩn
Gs. Larry Berman, tác giả cuốn bestseller “Điệp viên hoàn hảo” chia sẻ những tiếc nuối và suy tư của huyền thoại tình báo Phạm Xuân Ẩn thời hậu chiến.
Không còn bí mật lớn nào cần che giấu
Nhà báo Việt Lâm: Chúng tôi nhận được một câu hỏi từ nhà báo Đỗ Hùng, dịch giả ấn bản thứ hai: Trong quá trình đọc và dịch cuốn sách của ông ra Tiếng Việt, tôi có cảm tưởng rằng ông còn rất nhiều điều bí mật chưa kể về Phạm Xuân Ẩn. Vậy kể từ khi ấn bản thứ hai ra mắt độc giả, ông có ý định tiết lộ những bí mật này không? Bí mật nào mà ông có thể tiết lộ ngay bây giờ?
Gs Larry Berman (cười): Đỗ Hùng là một phóng viên rất giỏi. Anh ấy không ngừng đặt ra các câu hỏi sắc sảo. Nhưng tôi có thể nói rằng không có bí mật nào cả. Có một hai chuyện mà Ẩn có chia sẻ với tôi nhưng tôi sẽ không bao giờ nói với bất kỳ ai. Bởi vì những chuyện này không phải bí mật gì ghê gớm cả mà nó mang tính cá nhân về một vài người. Chừng nào họ còn sống thì tôi không thể kể những câu chuyện đó được.
Nhưng có thể khẳng định những gì mà Phạm Xuân Ẩn có thể chia sẻ với tôi về những bí mật trong đời tình báo của ông ấy, tôi đã đưa cả vào trong ấn bản mới này. Và trong bộ phim sắp tới về Phạm Xuân Ẩn, chúng tôi cũng sẽ cố gắng bổ sung thêm một số tình tiết mới.
Việt Lâm: Có lẽ câu trả lời này của ông đã phần nào giải đáp cho thắc mắc của nhiều độc giả rằng liệu trong vài năm tới ông có ý định công bố một ấn bản cập nhật khác của cuốn sách với các chi tiết mới hay không?
Gs Larry Berman: Tôi nghĩ rằng những chi tiết mới không đủ để xuất bản một ấn bản cập nhật mới. Bản dịch lần này đã cập nhật rất nhiều tư liệu mới và góc nhìn mới rồi. Tôi đang cân nhắc về khả năng viết một cuốn sách về lưới tình báo H.63. Tư Cang (trưởng nhóm tình báo H.63) chẳng hạn, là một nhân vật rất thú vị, đúng không? Ông ấy đã bày tỏ sự hứng thú đối với đề án này. Chỉ có một vấn đề đối với tôi là Ẩn có thể nói tiếng Anh rất tốt, vì thế tôi có thể nói chuyện dễ dàng với ông ấy. Nhưng hầu hết các thành viên khác của H.63 không nói được tiếng Anh giỏi như Ẩn. Điều đó sẽ khó khăn hơn cho tôi vì tôi không nói được tiếng Việt. Vì thế, tôi vẫn đang nghĩ xem phải làm như thế nào.
Một lần nữa tôi muốn độc giả hiểu rằng tôi không còn bí mật lớn nào để che giấu. Tôi đã cố gắng đưa tất cả vào cuốn sách, trừ những điều riêng tư mà Ẩn chia sẻ với tôi, vốn không phải là những chuyện động trời gì.
Gs Larry Berman xem câu hỏi do độc giả gửi về. Ảnh: Lê Anh Dũng
Giằng xé nội tâm của một điệp viên huyền thoại
Việt Lâm: Khi đọc cuốn sách của ông, tôi có cảm nhận rất rõ là ông đã khắc họa nên một Phạm Xuân Ẩn sống rất thật trong vỏ bọc của mình. Tôi hiểu vì sao ông đã gọi đó là một cuộc đời hai mặt phi thường. Nhưng không ít độc giả vẫn lấy làm khó tin rằng làm sao mà một điệp viên có thể sống thật giữa những lời nói dối. Sau khi gặp gỡ ông Ẩn nhiều như vậy, ông nghĩ làm thế nào mà ông Ẩn làm được điều đó?
Gs Larry Berman: Câu hỏi này đã động đến điểm cốt lõi của Phạm Xuân Ẩn: đó là ông ấy đang che dấu một vai diễn trong nội tâm. Làm thế nào mà ông ấy làm được điều đó. Tôi và Ẩn đã trò chuyện rất nhiều về điều này. Để tồn tại, Ẩn phải trở thành mặt nạ của chính mình. Để thành công trong vai trò một điệp viên, ông ấy phải trở thành một nhà báo kỳ cựu. Và ông ấy đã hoàn toàn trở thành con người vỏ bọc đó bởi vì ông ấy đã không phạm phải một sơ xuất nào cả. Vậy đó, bằng cách trở thành con người đó và sống với cái mặt nạ đó trong suốt một thời gian dài, Ẩn đã là một điệp viên thành công.
Vấn đề là hậu quả xảy đến với Ẩn khi chiến tranh qua đi. Bởi vì lúc đó, Ẩn không còn phải làm một điệp viên nữa. Vậy lúc này ai là Phạm Xuân Ẩn? Ông ấy không biết bởi vì theo nhiều cách khác nhau, ông ấy đã sống trong vỏ bọc của mình và trở thành một người khác trong một thời gian quá dài. Ông ấy sẽ trở lại là ai đây? Nếu ông ấy phải trở lại con người trước kia của mình thì đó là một chàng thanh niên 25 tuổi, mà giờ ông ấy đã 50 rồi. Ẩn đã phải sống với điều đó trong suốt phần đời còn lại của mình.
Việt Lâm: Ông đã đề cập đến một phần quan trọng, đó là những gì ông Ẩn phải đối diện khi chiến tranh qua đi. Nhiều độc giả cũng tò mò muốn biết những suy nghĩ của ông Phạm Xuân Ẩn sau năm 1975. Ông ấy có chia sẻ với ông về điều gì mà ông ấy cảm thấy hối tiếc nhất trong đời mình không?
Gs. Larry Berman: Trong cuốn sách của mình, tôi đã thảo luận khá kỹ về hai câu hỏi này. Câu hỏi thứ nhất: “Ẩn có bàn luận với tôi về những suy tư của ông ấy về Việt Nam sau chiến tranh không?”. Câu trả lời là có. Và tôi không nghĩ có gì bí mật trong chuyện này, rằng ông Ẩn cảm thấy khá thất vọng. Ông ấy đã nghĩ rằng tiến trình hòa giải sẽ diễn ra nhanh chóng giữa Nam và Bắc, giữa Việt Nam và Mỹ. Rồi ông ấy nhận ra mình thật sự ngây thơ khi nghĩ vậy. Một thời gian dài, Ẩn cảm thấy lạc lõng trong cuộc sống mới.
Có một lần, tôi hỏi ông ấy rằng ông có cảm thấy hối tiếc vì đã quay về Việt Nam mà không ở lại Mỹ không. Ông ấy trả lời rằng ông ấy chưa bao giờ hối tiếc về điều đó. Trở về là nghĩa vụ và trách nhiệm của ông. Toi cũng hỏi rằng ông có tiếc là đã không rời Việt Nam cùng vợ con vào năm 1975 không. Ông ấy nói rằng ông ấy có tiếc nhưng ông ấy không thể bỏ lại mẹ mình. Lúc đó mẹ ông Ẩn đã già yếu và không thể ra đi cùng gia đình được. Đó là lý do cuối cùng chỉ có vợ và con ông đi thôi. Còn ông Ẩn phải chờ chỉ đạo từ Hà Nội về việc liệu ông ấy có nên sang Mỹ và tiếp tục nhiệm vụ, có lẽ là báo cáo những gì diễn ra ở Mỹ.
Ẩn không bao giờ hối tiếc về việc đã tham gia cách mạng hay về những gì mình đã làm. Ông ấy chỉ tiếc rằng giá như sau chiến tranh, mọi việc xảy đến với Việt Nam theo chiều hướng tốt đẹp hơn và tránh được những sai lầm mà sau này nhiều nhà lãnh đạo đã thừa nhận. Ông ấy đã nói rất nhiều với tôi về việc này.
Và Ẩn cũng rất buồn khi mình không có cơ hội trở lại thăm California và trường đại học mà ông ấy đã theo học. Khi tôi gặp Ẩn lần đầu, ông ấy mang theo một cái hộp, trong đó cất giữ tất cả những kỷ vật khi ông còn là một sinh viên ở California. Chiếc hộp này có vị trí riêng tư quan trọng nhất trong cuộc đời ông ấy. Bạn có thể hiểu được rằng, nó có ý nghĩa như thế nào đối với Ẩn. Tôi nghĩ có lẽ đó là tiếc nuối lớn nhất của ông về mặt cá nhân.
Việt Lâm: Những gì mà ông mô tả về Phạm Xuân Ẩn khiến cho tôi cảm nhận được khá rõ nỗi cô độc của một điệp viên. Tôi nghĩ có lẽ đó là cảnh ngộ chung của rất nhiều điệp viên. Tôi cũng cảm thấy dường như ông ấy là một con người chất chứa nhiều mâu thuẫn nội tại. Ông nghĩ sao về điều này?
Gs Larry Berman: Phạm Xuân Ẩn đã hoạt động trong vỏ bọc của một nhà báo, vì thế ông ấy đã được trải nghiệm cách thức làm báo theo kiểu Mỹ, sự tự do ngôn luận, khả năng nghĩ và viết theo một lối khác hẳn. Ẩn mong ước những điều đó sẽ đến với Việt Nam. Đó là giấc mơ của ông ấy. Khi chiến tranh qua đi, ông ấy nghĩ rằng người ta sẽ quay sang nói với ông ấy rằng: “Được rồi, những gì ông đã học rất hữu ích, vậy ông nghĩ gì về báo chí, về những cách thức tư duy mới đã giúp ông trở thành một tính cách thú vị và lôi cuốn như thế”. Nhưng rồi Ẩn cảm nhận được rằng không ai thực sự hứng thú với những điều đó cả. Ông ấy không thể thực hành những kỹ năng của mình. Ông ấy cũng không thể tiếp tục làm báo nữa. Ẩn cảm thấy rất mâu thuẫn và vì thế ông ấy phải im lặng.
Ý tôi là những gì đã xảy ra là vì Ẩn đã làm một cuộc đánh đổi. Tôi đã viết về điều này trong cuốn sách. Ông ấy chấp nhận im lặng. Đổi lại, chính phủ cho phép con trai cả của ông ấy được đi Mỹ du học ngành báo chí. Phạm Xuân Hoàng Ân giành được học bổng Fulbright và quay trở lại Việt Nam. Vậy là con trai ông đã có đủ mọi điều kiện để sống cuộc đời mà Ẩn không thể. Ngày hôm nay, con trai Phạm Xuân Ẩn đang sống trong giấc mơ đó. Hoàng Ân là một trong những người quan trọng của một nước Việt Nam mới, một người phát ngôn xuất sắc cho cả Việt Nam và Mỹ.
Việt Lâm: Tôi nghĩ thật may mắn khi giờ đây tất cả mọi người, trong đó có các nhà lãnh đạo có thể nhìn lại những ấu trĩ một thời với cái nhìn cởi mở. Nhờ thế, ông mới có thể viết về Phạm Xuân Ẩn theo góc nhìn đó và xuất bản cuốn sách ở Việt Nam.
Gs Larry Berman: Vâng, đó là một thay đổi lớn, một Việt Nam mới. Nếu là 10 năm trước, chắc cuốn sách này không thể xuất bản. Tôi cũng rất hy vọng một ngày nào đó, chúng ta có thể được đọc tất cả các báo cáo của Phạm Xuân Ẩn. Một số sử gia trẻ có thể viết sách và độc giả khi đọc sách của họ sẽ bảo rằng: ồ, tôi nhớ rằng nhiều năm trước ông Larry Berman cũng có viết sách về ông Ẩn. Nếu ông ấy được tiếp cận tất cả các báo cáo này, chắc ông ấy có thể viết một cuốn sách hay hơn.
Và tôi cũng muốn chia sẻ với khán giả sự hào hứng của mình khi tôi gặp nhà biên kịch cho 30 tập phim về ông Ẩn dựa trên cuốn sách này. Tôi nghĩ bộ phim này sẽ rất hấp dẫn bởi nó trung thành với cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn ở cấp độ cá nhân.
Sử gia Larry Berman. Ảnh: Lê Anh Dũng
Độc giả Khánh Duy hỏi: Còn điều gì mà ông thấy tiếc đã không hỏi ông Ẩn không?
Gs Larry Berman: Ồ, nếu nói về điều này thì phải mất 2 tiếng nữa để trả lời, bởi có rất nhiều điều tôi nuối tiếc đã không hỏi Ẩn. Bởi vì bây giờ tôi đã am hiểu nhiều chuyện hơn và lẽ ra tôi nên hỏi ông ấy kỹ hơn: Một số huân chương mà ông ấy được trao tặng mà tôi thậm chí không biết cho đến khi cuốn sách ra mắt. Tôi cũng muốn biết nhiều hơn về vai trò của Ẩn trong chiến dịch Lam Sơn 719, một chiến dịch quân sự rất quan trọng mà bây giờ chúng ta đã biết phần đóng góp của Ẩn. Giá mà tôi có thể hỏi ông ấy về báo cáo mà ông ấy đã viết. Tôi cũng muốn hỏi về một số vấn đề liên quan đến CIA.
Một bộ phim về tình yêu chứ không phải show lịch sử nhàm chán
Việt Lâm: Độc giả đang mong chờ bộ phim về Phạm Xuân Ẩn ra mắt năm sau. Chắc đây sẽ là một bộ phim hấp dẫn. Việt Nam cũng có nhiều bộ phim về lịch sử được nhà nước tài trợ, nhưng không lôi cuốn được nhiều khán giả đến rạp lắm. Là một tác giả viết lịch sử, ông nghĩ nhân tố nào sẽ khiến cho một bộ phim hay một cuốn sách lịch sử hấp dẫn đối với bạn đọc?
Gs Larry Berman: Tôi mừng vì bạn đã hỏi câu này. Bộ phim truyền hình này có 30 tập, được chế tác dựa trên cuốn sách của tôi. Vì vậy, nó không phải là phim tài liệu lịch sử. Nó là một bộ phim truyền hình nhiều tập, cho nên chất kịch tính đậm nét hơn nhiều. Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân có cách viết khác hẳn với các phim tài liệu lịch sử.
Bộ phim sẽ không xây dựng dựa theo trật tự tuyến tính như trong cuốn sách. Đó là một câu chuyện về một số phận, một tính cách và về tình yêu: tình yêu của Ẩn đối với đất nước, tình yêu với người bạn gái ở California, tình yêu đối với người vợ và gia đình, và cả tình yêu đối với giấc mơ của Phạm Xuân Ẩn. Hi vọng là bộ phim sẽ hấp dẫn người xem. Nhà sản xuất Cát Tiên Sa muốn làm một bộ phim kịch tính, chứ không phải là một show lịch sử nhàm chán.
Một bạn đọc gửi câu hỏi: Trong cuộc họp báo lần trước, ông đã hứa sẽ công bố các băng ghi âm các cuộc nói chuyện với Phạm Xuân Ẩn. Chúng tôi rất nóng lòng được nghe trực tiếp giọng ông ấy. Hi vọng trong tương lai ông sẽ sớm công bố các tài liệu này?
Gs Larry Berman: Vâng, dự định của tôi là sẽ công bố tất cả các băng ghi âm này. Tôi sẽ để mọi nhà nghiên cứu trên thế giới có thể tiếp cận với chúng. Việc công bố sẽ diễn ra trong thời gian rất ngắn sắp tới để mọi người có thể nghe được tiếng ông Ẩn bất kỳ lúc nào. Tôi rất hạnh phúc vì điều đó.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trò chuyện với Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn. Ảnh tư liệu
Việt Lâm: Thời gian không còn nhiều, xin hỏi ông một câu cuối cùng. Ông đã nói rằng cuốn sách không chỉ nói về nghề tình báo, mà hơn thế, ông muốn kể câu chuyện cuộc đời một điệp viên. Vậy còn thông điệp nào ông muốn chia sẻ với độc giả Việt Nam không?
Gs Larry Berman: Cuốn sách viết về nghề tình báo và về một nhà tình báo nhưng câu chuyện lớn hơn thế là về cuộc đời của một con người, về cách thức mà ông ấy đã đàm phán, các xung đột và thách thức của cuộc đời ấy và làm thế nào mà cuộc đời ấy trở nên phi thường. Bởi thế, đó là câu chuyện về lòng yêu nước, về sự tận tụy phục vụ quốc gia, về tình báo và hòa giải.
Tôi muốn cho các bạn xem bức ảnh này. Đây là bức ảnh chụp Ẩn và con trai ông ấy trên con tàu chiến Mỹ đầu tiên thăm cảng Sài Gòn kể từ khi chiến tranh kết thúc, vào năm 2003. Ẩn là khách VIP. Trong cuốn sách, Ẩn có nói rằng ông ấy có thể hạnh phúc mà nhắm mắt xuôi tay trong ngày hôm ấy bởi vì chiến tranh đã thực sự đi qua, và Việt Nam và Mỹ đang trên đường đi tới một tình bạn và sự hòa giải đích thực. Mọi thứ ông ấy đã làm đã đạt tới đỉnh cao và ngày hôm ấy.
Vâng, câu chuyện của Phạm Xuân Ẩn là câu chuyện của một điệp viên hoàn hảo, nhưng cũng là câu chuyện phi thường của một con người đã đi từ vị thế một điệp viên hàng đầu, một vị tướng, một người anh hùng trong cuộc cách mạng trở thành một trong những người quan trọng nhất đóng góp vào tiến trình hòa giải giữa hai đất nước cựu thù. Đó là một câu chuyện thật khó tin!
Việt Lâm: Để thay lời kết, chúng tôi muốn nhắc đến một slogan rất hay của NXB cuốn Điệp viên hoàn hảo, đó là: Ngày hôm qua không bao giờ chết. Sự quan tâm của rất nhiều người Việt Nam hôm nay đối với các nhân vật, câu chuyện của lịch sử đã minh chứng cho điều này. Mỗi người hôm nay khi tìm về các câu chuyện quá khứ cũng mong muốn tìm thấy những bài học, những gợi mở đáng suy ngẫm cho hôm nay và tương lai. Xin cảm ơn Gs. Larry Berman vì những chia sẻ của ông. Xin cảm ơn bạn đọc VietNamNet đã gửi câu hỏi tham gia và cảm ơn nhà báo Đỗ Ngân Phương đã phiên dịch chính xác và truyền cảm cho cuộc trò chuyện hôm nay.
Theo VietNamNet