Điệu múa chim công nổi tiếng bị chỉ trích gợi dục, phản cảm
(Dân trí) - Điệu múa chim công nổi tiếng của nữ nghệ sĩ Trung Quốc, Dương Lệ Bình, tiếp tục là tâm điểm chỉ trích của dư luận bởi biểu cảm, trang phục của nghệ sĩ.
Ngày 25/7, nữ nghệ sĩ nổi tiếng Trung Quốc - Dương Lệ Bình - là cái tên nóng trên truyền thông, mạng xã hội. Trong vở múa, nam diễn viên để trần nửa thân trên, chỉ dùng mảnh khố che thân dưới. Hình ảnh các nữ vũ công chạm vào bộ phận nhạy cảm của vũ công nam, bị lên án thậm tệ.
Ở cảnh khác, nữ diễn viên nằm trên mặt đất, nam diễn viên nửa thân trên để trần, nửa dưới chỉ mặc một chiếc quần lót màu da. Những hình ảnh này khiến khán giả theo dõi trực tiếp vở múa hay những khán giả xem qua trên mạng xã hội đều phản đối.
Theo Sohu, từ tháng 11/2022 đến nay, Dương Lệ Bình cùng đoàn nghệ sĩ đã lưu diễn vở Khổng tước tại nhiều địa điểm ở Trung Quốc, mỗi đêm diễn đều kín khán giả.
Tác phẩm do Dương Lệ Bình làm tổng biên đạo, dài hơn 2 tiếng, thể hiện thế giới kỳ diệu của chim công, qua đó biểu đạt tình yêu, tính cách, sự trưởng thành của con người. Vở múa gồm 4 phần: Xuân, Hạ, Thu và Đông, diễn viên chính là các nghệ sĩ trẻ, Dương Lệ Bình chỉ xuất hiện ở phần Đông.
Gần một năm nay, vở múa do Dương Lệ Bình biên đạo đối mặt với sự chỉ trích của công chúng. Tháng 4 vừa rồi, Tiêu Dung Hạo, một học trò của Dương Lệ Bình, đã đăng video múa cùng bạn diễn Dương Hàm lên trang cá nhân.
Trong video, Tiêu Dung Hạo và bạn nhảy khác giới áp sát phần thân trên. Nhiều khán giả đã để lại bình luận dưới clip và cho rằng, điệu nhảy có phần khiếm nhã. Trước phản ứng mạnh mẽ của dư luận, nghệ sĩ múa Tiêu Dung Hạo quyết định lên tiếng.
Theo Dung Hạo, ê kíp đã theo dõi đặc điểm, thói quen của loài chim công và thể hiện lại một cách nghệ thuật. Các diễn viên nhập tâm hóa thân thành loài chim công và không nghĩ mọi chuyện lại bị suy diễn đi xa đến vậy. Tiêu Dung Hạo cũng nhấn mạnh, múa là môn nghệ thuật sử dụng phần lớn hình thể nên việc va chạm hình thể là điều khó tránh khỏi.
Tháng 6 vừa rồi, có ý kiến cho rằng trang phục Dương Lệ Bình thiết kế cho diễn viên trong các vở múa của bà quá hở hang, trần trụi. Trước chỉ trích về trang phục, động tác của các nghệ sĩ, Dương Lệ Bình lên tiếng phản hồi.
"Khổng tước làng múa" Trung Quốc khẳng định bài biên đạo hay trang phục bà lựa chọn cho vũ công của mình đều mang dụng ý nghệ thuật riêng, không nhằm mục đích gợi dục như một số ý kiến bày tỏ trên mạng.
Dương Lệ Bình chia sẻ: "Các bạn phải xem để hiểu nội dung vở diễn mới đánh giá được thế nào là nghệ thuật, thế nào là khiếm nhã. Đừng vì một vài hình ảnh cắt ghép mà quy chụp.
Vũ công nam của tôi đóng vai chim công, hy sinh tất cả lông vũ trên người để đổi lấy tự do cho chim công nữ. Nghệ sĩ nam không mặc quá nhiều trang phục trên người vì cái anh ấy cần là biểu đạt nội tâm, cảm xúc qua ngôn ngữ hình thể".
Theo tờ Sina, giới hạn giữa phản cảm và nghệ thuật khá mong manh. Do vậy, quan điểm của khán giả dành cho điệu múa của Dương Lệ Bình rất đa dạng.
Một số khán giả phản đối việc Dương Lệ Bình không giới hạn tuổi khán giả theo dõi các vở diễn do bà làm biên đạo. Một số khác lại cho rằng, khán giả nên nhìn nhận vở múa chim công dưới con mắt nghệ thuật.
"Đây chính là nghệ thuật. Đường nét cơ thể vũ công nam rất đẹp và không nên bị nhìn dưới có mắt "phi nghệ thuật".
Các vũ công đã cống hiến hết mình cho phần trình diễn của họ. Mọi người không nên nhìn nhận mọi thứ quá phức tạp", một khán giả ủng hộ Dương Lệ Bình chia sẻ với Global Times.
Trong showbiz Hoa ngữ, Dương Lệ Bình là một cái tên đình đám. Nữ nghệ sĩ sinh năm 1958 nổi tiếng khắp thế giới nhờ điệu múa chim công. Bà còn tham gia diễn xuất và từng thể hiện nhân vật Mai Siêu Phong trong Anh hùng xạ điêu.
Tờ QQ đánh giá, bà là nghệ sĩ đạt thành tựu cao nhất trong lĩnh vực múa dân tộc của Trung Quốc. 10 năm nay, Dương Lệ Bình ít biểu diễn, lui về làm ở hậu trường, giảng dạy, đào tạo thế hệ mới.
Nhờ chăm chỉ luyện tập và theo đuổi đam mê múa, Dương Lệ Bình vẫn giữ được ngoại hình trẻ trung và quyến rũ dù đã bước qua tuổi 60. Dương Lệ Bình trải qua 2 đời chồng, không con cái và hiện sống độc thân để cống hiến cho nghệ thuật.