Điều ít biết về bộ phim hoạt hình đầu tiên được sản xuất cho trẻ em Việt Nam

(Dân trí) - Theo tư liệu từ Công ty TNHH MTV Hãng phim hoạt hình Việt Nam thì bộ phim đầu tiên của ngành hoạt hình Việt Nam là một xuất phẩm thuộc thể loại đồ họa với nhan đề “Đáng đời thằng Cáo”. Phim được thực hiện trong vài tháng cuối năm 1959, có độ dài 300m.

Vào năm 1959, nhóm hoạ sỹ gồm: Lê Minh Hiền, Trương Qua, Hồ Quảng của Xưởng phim hoạt họa Việt Nam (nay là Công ty TNHH MTV Hãng phim Hoạt hình Việt Nam ) đã bắt tay thực hiện bộ phim hoạt hình đầu tiên của Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Phim được chuyển thể từ câu chuyện “Con cáo và tổ ong”. Phim mang tựa đề “Đáng đời thằng Cáo”, có độ dài 10 phút.

Trước thời gian này, tất cả các nhà điện ảnh Việt Nam đều chưa từng quen biết công việc vẽ phim và cũng không có nổi một dây chuyền sản xuất phim hoạt hình . Bộ phim đã được trao tặng giải thưởng Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai (1973). Hoạ sỹ Hồ Quảng và Trương Qua nhận giải đồng hạng: Họa sĩ xuất sắc nhất.

Cảnh Cáo tìm đến nhà của Gà để lừa Gà ra ngoài ăn thịt trong phim Đáng đời thắng Cáo. Ảnh: TL.
Cảnh Cáo tìm đến nhà của Gà để lừa Gà ra ngoài ăn thịt trong phim "Đáng đời thắng Cáo". Ảnh: TL.

“Đáng đời thằng Cáo” kể về tình bạn khăng khít của Gấu và Gà. Gấu và Gà sống trong một khu rừng, rất thương yêu và quan tâm lẫn nhau. Một lần, trong lúc Gà đang ngủ thì bị một tên Cáo gian ác tìm đến lừa ăn thịt. Gấu lúc đó đang chặt cây trong rừng, nghe tiếng kêu cứu của bạn mình liền vội chạy đi tìm bạn nhưng không thấy bạn Gà của mình đâu.

Nghĩ là bạn Gà của mình đã bị Cáo ăn thịt nên Gấu rủ các bạn Ong về nhà mình ở cùng cho vui. Tên Cáo gian ác lại tìm đến ngôi nhà của Gà khi xưa để thực hiện mục đích ăn thị Gà cho bằng được. Không ngờ, khi chui vào nhà Cáo liền bị đàn Ong đốt cho đau điếng. Tên Cáo gian ác tháo chạy nhưng không ngờ bị Gấu đuổi kịp, nện cho một gậy rơi tõm xuống suối. Cuối cùng, Gấu đã tìm lại được Gà. Cả Gấu, Gà và Ong đã về sống chung một nhà, vui hát bên nhau.

Cốt truyện phim đồng thoại giản dị, kịch bản có cấu trúc chặt chẽ theo logic phát triển khách quan của tình tiết và nhân vật, chứa đựng những đặc thù của thể loại phim hoạt họa.

Theo nhìn nhận của các nhà làm phim thì các nhân vật trong phim này gần như chuyển động liên tục trong mọi tình huống cho thấy rằng số lượng hình vẽ để tạo ra chuyển động cho phim này là rất nhiều. Tất cả các hình vẽ trong các khung hình trong phim đều có sự nhất quán. Đặc biệt, các nhân vật được vẽ hết sức đơn giản nhưng lại có rất nhiều các chuyển động hết sức phức tạp. Ví dụ: Cáo với thân hình cực kỳ uyển chuyển; Gấu có rất nhiều chi tiết mà họa sĩ phải xử lý về mặt phối cảnh và tạo khối khi nhân vật quay đầu qua các hướng khác nhau ở tốc độ thấp; Gà có rất nhiều đường cong mạnh tương phản với đôi chân thẳng gầy, đuôi gà được tạo thành một mảng lớn mang tính tương phản so với đầu gà... Tất cả tạo nên một sự bắt mắt và hài hòa rất tuyệt đối.

Ở Việt Nam trước đây, nếu sản xuất một bộ phim truyện có độ dài trung bình, chiếu trên màn ảnh rộng khoảng một tiếng rưỡi (nghĩa là phim phải dài 2100m đến 2500m) thì ít nhất cần thời gian từ 8 đến 12 tháng. Trong khi đó, nếu sản xuất một phim hoạt hình hoặc búp bê có độ dài chừng một đến hai cuộn (tức là 280m đến 500m cũng phải mất từ 8 đến 12 tháng. Như vậy, quỹ thời gian để làm một bộ phim hoạt hình tương đương với quỹ thời gian làm một phim truyện vừa. Làm phim hoạt hình là công việc đòi hỏi các đức tính công phu, tỉ mỉ, kiên nhẫn rất cao.

Vào tháng 4/2012, NSND Trương Qua đã trao tặng những hiện vật - tư liệu điện ảnh quý giá của hoạt hình Việt Nam cho Trung tâm Nghiên cứu và Lưu Trữ Điện ảnh Việt Nam tại TP. HCM. Trong số các hiện vật - tư liệu được trao tặng có chiếc máy quay của Đức 8 ly AK8 - chiếc máy đã quay bộ phim hoạt hình đầu tiên “Đáng đời thằng cáo”.

Ảnh NSND Trương Qua tặng hiện vật, trong đó có máy quay từng quay phim hoạt hình Đáng đời thằng Cáo. Ảnh: TL.
Ảnh NSND Trương Qua tặng hiện vật, trong đó có máy quay từng quay phim hoạt hình "Đáng đời thằng Cáo". Ảnh: TL.

Có thể nói, bộ phim “Đáng đời thằng Cáo” ra đời đã đặt cột mốc đáng nhớ cho con đường phát triển của hoạt hình Việt Nam. Từ đó đến nay, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn để cho ra đời hơn 600 bộ phim hoạt hình được thế hệ trẻ đón nhận.

Đã từng có thời điểm, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong việc sản xuất phim hoạt hình tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung. Sau bộ phim hoạt hình “Đáng đời thằng Cáo”, là hàng loạt những bộ phim đạt giải cao trong nước và quốc tế như: “Mèo con” - giải Bạc tại LHP Rumani 1966, bằng khen tại LHP ở Đức năm 1967; “Chuyện Ông Gióng” với giải Vàng tại LHP ở Đức năm 1971, bằng khen tại LHP Matxcova 1971… Tuy nhiên, đến thời điểm này, phim hoạt hình Việt Nam đang hoàn toàn mất chỗ đứng và trở lên lạ lẫm với chính trẻ em Việt Nam.

Tính đến thời điểm này, cả nước có hai đơn vị nhà nước chuyên sản xuất phim hoạt hình là Công ty TNHH MTV Hãng phim hoạt hình Việt Nam và Xưởng sản xuất phim hoạt hình thuộc Hãng phim truyền hình Việt Nam (VFC). Tư nhân có hai hãng là B&C Areka, Dolfilm nhưng số phim làm ra còn quá khiêm tốn so với nhu cầu của khán giả.

Mỗi năm Hãng phim hoạt hình Việt Nam cho “ra lò” khoảng 10-15 tác phẩm và thường xuyên được đem đi “tranh tài” ở các kỳ LHP trong nước và trên thế giới. Thế nhưng một điều bất thường là rất ít hoặc hiếm bộ phim hoạt hình nào được đến tay khán giả nhí Việt vì phải đắp chiếu, cất kho.

Hà Tùng Long