Diễn viên Việt ngày càng dễ dãi?
Phim điện ảnh Việt Nam những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc cả về chất và lượng, nhưng số lượng những minh tinh, tài tử theo đúng nghĩa là “diễn viên điện ảnh” thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thời huy hoàng của màn bạc
Những năm 60, khi đất nước vẫn còn đang trong thời kỳ kháng chiến, điện ảnh Cách mạng Việt Nam đã sản sinh ra nhiều diễn viên điện ảnh xuất sắc. Thậm chí, chỉ với duy nhất một vai diễn, họ đã để lại những dấu ấn khó phai trong tâm trí khán giả như Trà Giang (Chị Tư Hậu), Thế Anh (Nổi Gió), Tố Uyên (Chim vành khuyên), Lan Hương (Em bé Hà Nội), Như Quỳnh (Đến hẹn lại lên)... Khi nhắc tới họ, nhiều người nghĩ ngay tới những nhân vật họ đã thể hiện trên màn bạc, như thể cả hai là một.
Tới những năm 1975, nền điện ảnh thương mại miền Nam tạo nên hai minh tinh màn bạc đúng nghĩa thời bấy giờ - Thẩm Thúy Hằng và Thanh Nga. Cả hai đều có nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành và nổi tiếng ở nhiều thị trường khác ngoài Việt Nam như Philippines, Thái Lan, Hong Kong, Nhật Bản… Có lẽ cũng nhờ họ mà khán giả Việt Nam mới biết tới khái niệm thế nào là một “minh tinh màn bạc”.
Giai đoạn phim “mỳ ăn liền” bùng nổ tại Việt Nam (cuối thập niên 80, đầu thập niên 90), một thế hệ diễn viên trở thành thần tượng của giới trẻ. Đó là những Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh, Lê Tuấn Anh, Lê Công Tuấn Anh… Hình ảnh của họ xuất hiện dày đặc ở các cuốn sổ, bưu thiếp, băng video, thậm chí cả trong các cửa hiệu làm tóc. Các cô gái thổn thức vì những vai diễn của Lê Công Tuấn Anh hay Lý Hùng. Các chàng trai đua nhau ăn mặc, để tóc giống với thần tượng. Có thể nói, đó là thời kỳ huy hoàng, đáng tự hào của các diễn viên Việt Nam.
“Bây giờ ai cũng có thể trở thành diễn viên”
Khi phim mỳ ăn liền thoái trào, điện ảnh Việt Nam bị đóng băng một thời gian dài. Thế hệ những diễn viên cách mạng vẫn tham gia đóng một số bộ phim về hậu chiến, về xã hội nhưng hầu như khán giả không còn quan tâm nữa. Họ chuyển sang thần tượng các tài tử, minh tinh Hollywood như Julia Roberts, Tom Cruise, Tom Hanks hay Sandra Bullock… Phim Mỹ, phim Hàn Quốc, phim Đài Loan du nhập vào Việt Nam và thống lĩnh thị trường, đẩy phim Việt vào góc tối trong nhiều năm cho tới khi "Gái nhảy" của Lê Hoàng ra mắt năm 2003, mở ra thời kỳ mới cho phim thương mại Việt Nam sau khủng hoảng.
Sau thành công của "Gái nhảy", phim Việt được sản xuất nhiều và thường tập trung vào mùa phim Tết để tránh mặt các “ông lớn” của Hollywood. Một thế hệ diễn viên mới ra đời từ đây. Tuy nhiên, trong vô vàn những gương mặt xuất hiện trên màn ảnh rộng từ thời "Gái nhảy" đến giờ, rất khó tìm được những người xuất thân là diễn viên điện ảnh. Họ có thể là ca sĩ, người mẫu, MC, hay diễn viên truyền hình “lấn sân” sang điện ảnh khi lọt vào mắt xanh các đạo diễn.
Không được đào tạo bài bản về diễn xuất, nhiều ca sĩ – người mẫu đến với điện ảnh vì cơ hội đến tầm tay và khó có thể bỏ lỡ. Để hóa thân vào vai diễn, họ chỉ tham gia vài khóa đào tạo diễn xuất cơ bản và “có gì dùng nấy”. Hậu quả là nhiều bộ phim điện ảnh cứ ra đời nhưng xem xong, khán giả không nhớ tới nhân vật trong phim thế nào mà chỉ ấn tượng vì cô diễn viên đó diễn dở ra sao, ăn mặc sexy thế nào. Ví dụ điển hình nhất là bộ phim "Chuông reo là bắn". Nhắc tới phim này, nhiều khán giả chỉ nhớ cảnh tắm suối của các người đẹp và câu nói “chuông reo là cởi” chứ mấy ai nhớ nội dung phim thế nào.
Khoe thân chưa hết độ “hot”, các nhà làm phim lại tiếp tục dùng “cảnh nóng” để PR, câu khách. Cũng nhờ thế mà phim Việt ngày nay cũng thu hút được một khối lượng lớn khán giả tới rạp xem vì tò mò. Bản thân các diễn viên sau khi phim bị dư luận chê dở, diễn xuất kém thì bắt đầu đổ lỗi cho kịch bản bị thay đổi, khi dựng phim bị cắt cúp nhiều nên những cảm xúc họ thể hiện và sự nhập tâm trong nhân vật “không được như ban đầu”. Cứ như thế, nhiều khán giả đánh đồng những người đẹp chân dài đi đóng phim là “bình hoa di động”.
Cũng có một vài “tay ngang” lấn sân thành công và trở thành những diễn viên điện ảnh thực thụ, được đánh giá cao như Ngô Thanh Vân, Thanh Hằng, Trần Bảo Sơn, Trương Ngọc Ánh. Nhưng hiện tại, mỗi năm điện ảnh Việt Nam cho ra đời vài chục tác phẩm, cả phim điện ảnh lẫn thương mại, nên số những người được coi là “diễn viên thực sự” đó thấm vào đâu. Cơ hội thành diễn viên vì thế cũng dễ dàng hơn cho nhiều người khác, chỉ cần có chút nhan sắc, chịu khó PR hình ảnh trên mặt báo là có thể được các đạo diễn mời casting rồi.
Mặt khác, thời buổi kinh tế thị trường, nếu chỉ bám vào phim điện ảnh thì các diễn viên rất khó sống được với nghề. Vì cơm áo gạo tiền, họ cần phải chạy show. Phim điện ảnh không đủ, họ đóng thêm phim truyền hình. Mỗi ngày đóng ba vai phim truyền hình là mỗi năm họ bỏ túi cả trăm triệu. Kiếm tiền dễ dàng, đóng phim cũng đơn giản, chả tội gì.
Mấy ai dại gì sống đời sống của nhân vật, hóa thân vào nhân vật mình đóng trong suốt cả quá trình quay một bộ phim như các diễn viên đàn anh đàn chị ngày xưa. Chưa kể, sáng diễn viên đi quay, tối rảnh mặc đẹp đi dự “ì ven” (sự kiện) kiếm thêm, đồng thời đánh bóng tên tuổi trên mặt báo. Những ngày đoàn phim dựng bối cảnh mới, diễn viên được nghỉ thì họ tranh thủ đi hát, làm MC, chụp ảnh mẫu hoặc bận rộn với những công việc kinh doanh khác… Ai bảo họ không giỏi? Quá giỏi và đa tài đằng khác, nhưng cũng vì đa tài mà chẳng có tài nào “vượt trội”. Khi tuổi trẻ đi qua, nhan sắc phai tàn, họ nhanh chóng chìm vào quên lãng.
Tre già thì măng mọc. Dù khó có thể so sánh thế hệ diễn viên điện ảnh ngày nay với những gương mặt gạo cội của thời kỳ đầu như Trà Giang, Như Quỳnh, Thế Anh, Đức Hoàn, Lan Hương nhưng điện ảnh Việt hiện đại cũng đang le lói những cái tên như Vân Trang, Phùng Hoa Hoài Linh, Ninh Dương Lan Ngọc, Thiên Tú… Họ, theo đánh giá của những nhà phê bình điện ảnh và các đạo diễn, là những đại diện đầy hứa hẹn cho một thế hệ diễn viên có thực lực, chinh phục khán giả bằng những vai diễn chứ không phải scandal hay những pha khoe thân nóng bỏng.
Thế nhưng, để có một thế hệ diễn viên có thể bước ra nước ngoài, tỏa sáng tại thị trường quốc tế như nhiều diễn viên Trung Quốc, Hàn Quốc hiện nay thì câu trả lời lại không chỉ nằm ở khả năng diễn xuất.