Diễn viên Hoa Thuý kể lại giây phút hoảng loạn khi sang Nga đóng phim
(Dân trí) - Hoa Thuý là một gương mặt quen thuộc của khán giả truyền hình qua các phim: Cảnh sát hình sự, Chiều ngang qua phố cũ, Bi đừng sợ... Nữ diễn viên từng trải qua hai lần đò và đang có 3 con, 2 trai, một gái. Chị từng phải gác lại sự nghiệp đóng phim để chăm lo cho các con sau khi hôn nhân tan vỡ.
Kỷ niệm nào khiến chị nhớ nhất khi nhận lời tham gia bộ phim “Tình khúc Bạch Dương” sau 6 năm gác sự nghiệp phim ảnh?
Trong cuộc đời đóng phim, “Tình khúc Bạch Dương” là bộ phim gợi nhắc trong tôi nhiều kỷ niệm lắm. Ngày tôi xách vali lên đường sang Nga để thực hiện ghi hình, hai cậu con trai lúc đó còn rất nhỏ. Nhìn cảnh cậu con trai mới 6 tuổi khóc đòi mẹ mà tôi cứ cật vấn lòng là tại sao lại bỏ các con của mình ở lại để sang Nga đóng phim. Lúc đi, tôi phải nói dối mẹ tôi rằng “Con đi vào Sài Gòn đóng phim một tuần thôi”. Ngày tôi đi trời mưa như trút nước, mưa lớn tới mức máy bay không thể cất cánh nổi.
Chưa dừng lại ở đó, sang đến Nga, tôi có cảm giác mình như miếng bánh lương khô. Mọi khó khăn có thể quên đi được nhưng cảm giác của những ngày đó sẽ còn mãi trong tôi.
Tôi là người cuối cùng sang Nga trong đợt ghi hình đầu tiên. Cảm giác rất ngơ ngác và bỡ ngỡ khi đặt chân đến nước Nga. Trước đó, người trong đoàn phim có bảo “Em sang đến nơi sẽ có người đón ngay” nên tôi mới đi chứ nếu tôi biết trước qua đó sẽ phải di chuyển thêm một chặng đường dài nữa chắc tôi sẽ không bao giờ nhận lời.
Vừa đặt chân xuống sân bay đúng là có người ra đón. Nhưng vừa đón xong người ta bảo tôi đi vệ sinh và đi ăn. Tôi không hiểu gì cả nên hỏi lại: “Ơ, từ đây về khách sạn có xa không mà sao phải làm hai việc đó ngay tại sân bay?”. Hoá ra là tôi phải bay thêm một chặng nữa mới đến được địa điểm quay. Tôi gần như bị hoảng loạn vì không biết tiếng mà lúc đó đã 12h đêm rồi.
Tuy nhiên, vì sự đã rồi nên cũng cố gắng. Tôi tìm đến cửa chuyến bay, yên tâm ngồi nghỉ vì quá mệt. Định bụng cho mọi người lên hết rồi mình lên cho đỡ chờ đợi. Nhưng khi mang vé ra cửa máy bay thì nhân viên lắc đầu không nói gì mà bản thân lại không biết tiếng Nga. Hoá ra chuyến bay đó thay đổi cửa ra máy bay sang một hướng khác.
Hơn 1h sáng, tôi cầm vé máy bay, hoảng loạn chạy khắp sân bay, hỏi từ người quét rác đến khách có mặt ở đó bằng ký hiệu hình thể nhưng không ai chỉ cho tôi cả. Mãi cuối cùng mới có một ông khách nước ngoài lấy bút viết cho mấy chữ bằng tiếng Anh để chỉ cho cửa ra máy bay.
Tôi chạy như bay đến cửa đó, dáo dác tìm xem xung quanh có người Việt Nam nào không nhưng không có một ai cả. Lên máy bay, tìm được một người Việt, dặn bạn ấy khi nào xuống thì dắt mình theo nhưng khi xuống bạn ấy cứ phăm phăm đi. Nỗ lực lắm mới đuổi theo được, mượn được điện thoại của bạn ấy để gọi cho một thành viên trong đoàn.
Lịch quay bên đó không khủng khiếp bằng việc di chuyển mà đoàn phim lại phải di chuyển rất nhiều cảnh. Vào những ngày cuối, ngoảnh đi ngoảnh lại chỉ còn mình tôi với bối cảnh mà thôi. Lúc đó tôi buồn một cách kinh khủng. Cứ hỏi tại sao anh Chi Bảo, chị Thanh Mai và Phương lại bỏ mình về để mỗi mình phải ở lại.
Một mình tôi ở lại và còn cảnh nào liên quan đến tôi liền bị đem ra “xử” hết. Có những ngày phải khóc tới mấy chục lần mà không biết làm thế nào để khóc được vì không có bạn diễn làm chất xúc tác. Nhiều khi, nước mắt chuẩn bị lăn thì cái đèn quay lại rơi làm tụt hết cảm xúc. Tóm lại là vô cùng bực mình vì những ngày quay đó.
Trước tôi vẫn nghĩ rằng, niềm hạnh phúc nhất của người nghệ sĩ là được trải nghiệm những cảm xúc khác nhau của nhiều nhân vật. Nhưng trong phim “Tình khúc Bạch Dương”, tôi thấy mình giống như một người buôn chuyến ấy. Thậm chí, ngày cuối cùng sau khi quay xong, tôi còn phải cùng các thành viên di chuyển mấy chục tấn đạo cụ, mệt không kể xiết.
Mang tiếng mấy chục ngày sống trên đất Nga nhưng không biết cái siêu thị ở đó là gì vì 6h sáng đã phải lên đường đi quay mà 10h sáng siêu thị mới mở cửa. Cũng không được đi tham quan ở bất kỳ chỗ nào hết vì toàn quay tới khuya mới về.
Một lần có nhờ một bạn sinh viên Việt ở Nga chở đi qua các bến tàu và một vài địa điểm xem nhưng cũng như “cưỡi ngựa xem hoa”. Rồi một ngày trời rất rét, đạo diễn Vũ Trường Khoa có bảo hôm nay sẽ đến Đại sứ quán Việt Nam tại Nga để gặp Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn mà tôi mừng lắm. Đến nơi, nhìn thấy anh Sơn là hai hàng nước mắt rưng rưng. Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi đối với bộ phim này có lẽ là được sống dài nhất cùng đoàn phim.
Chị có chia sẻ rằng, nếu biết trước việc sang Nga đóng “Tình khúc Bạch Dương” mà khổ như thế chị đã không nhận lời nghĩa là chị ân hận khi tham gia bộ phim này?
Thực ra, cái câu tôi nói là “Biết vất vả như thế này thì mình đã không nhận lời đóng “Tình khúc Bạch Dương” chỉ là câu nói đùa thôi vì mình biết việc đóng phim chưa bao giờ nhẹ nhàng cả. Tôi đã rất háo hức khi nhận lời đóng bộ phim này. Và khi đã nhận lời nghĩa là tôi cảm thấy rất thú vị khi muốn trải nghiệm cuộc đời, số phận… của nhân vật trong phim.
Bên đạo Phật nói: “Phải tu nghìn kiếp thì kiếp này mới được làm diễn viên” bởi không phải nghề nào cũng mang lại cho mình được những cảm giác như thế. Người ta thường bảo “Nghệ sĩ là những con người của cảm xúc” nhưng tôi lại rất có sự quyết liệt đó là khi nhận lời là sẽ hoàn thành vai diễn cho đến cùng.
Tương tự như người lình ra trận thì gạt mọi cảm xúc sang một bên. Tôi khi ra phim trường cũng thế, chỉ mong con cái ở nhà bình yên, không xảy ra chuyện gì… còn thì sẽ toàn tâm toàn ý để hoàn thành tốt nhất vai diễn mà mình đảm nhận.
Riêng gian nan thì tôi quá thấm gian nan của nghề. Phim này còn là thời bây giờ chứ những bộ phim về thời chiến tranh còn vất vả gấp bội. Những khó khăn của tôi khi tham gia bộ phim này chính là cảm giác hoảng sợ khi gặp phải những sự cố ở nước ngoài, chỉ vậy thôi.
Phải chăng vì chị có cảm giác sợ những sự cố xảy ra khi mình tham gia phim mà thời gian qua chị không đóng bất kỳ bộ phim nào?
Tôi gác sự nghiệp đóng phim 6 năm qua không phải do sợ mà vì sinh hai cậu con trai. Tôi muốn dành toàn bộ thời gian trong việc chăm sóc con vì khoảng thời gian con bé nhỏ rất ngắn.
Nghĩ lại quãng thời gian con gái đầu là Thiên Nga từng phải chịu nhiều thiệt thòi khi còn rất bé mẹ đã lao vào phim ảnh, không có nhiều thời gian chăm sóc… mà tôi đã gác hẳn sự nghiệp đóng phim. Khi tôi mới sinh con gái được 4 tháng, tôi đã nhận phim “Cảnh sát hình sự”.
Những tháng ngày cùng đoàn phim rong ruổi ở phim trường tôi không có thời gian chăm con. Điều đó mỗi khi nghĩ lại tôi cảm thấy rất thương và xót cho con mình. Tôi không cho phép mình lặp lại điều đó đối với hai cậu con trai sau này.
Việc mải miết theo các đoàn phim cũng là một trong những tác nhân khiến hôn nhân của những người nghệ sĩ như chị dễ bị rạn nứt hoặc không trọn vẹn?
Chuyện buồn trong hôn nhân của tôi đã xảy ra khá lâu rồi nên tôi không muốn nhắc lại nữa. Tất nhiên, cái gì cũng có giá của nó. Gia đình rất cần bàn tay chăm sóc và vun vén của người phụ nữ một cách thường xuyên. Nếu ai đó may mắn gặp được ông chồng yêu mến vợ và yêu luôn cả nghề của vợ, ra sức giúp đỡ vợ quán xuyến việc nhà để vợ có thể dành mình nhiều hơn cho nghiệp diễn thì điều đó quả là quá tuyệt vời. Nhưng nếu không được may mắn như thế thì người nghệ sĩ buộc phải tìm cách để cân bằng.
Nhiều năm nay, đặc biệt từ khi sinh con nhỏ thì tôi không phải thường xuyên đi công tác theo lịch của đoàn ở Nhà hát. Việc tham gia đóng phim cũng chỉ là nghề tay trái và do mình lựa chọn nên nếu sắp xếp được việc nhà tôi mới dám nhận.
Cảm ơn chị đã chia sẻ thông tin.
(Còn tiếp)
Hà Tùng Long