Diễn viên “12 năm nô lệ” và nỗi đau chưa nguôi ngoai
Học diễn xuất ở Đại học Yale và làm diễn viên, đó là ý định của Nyong’o, một cô gái mạnh mẽ tới từ Kenya. Vai diễn điện ảnh đầu tay trong phim 12 Years A Slave (12 năm nô lệ) đã mang về cho cô đề cử Quả Cầu Vàng và Oscar.
Vai nữ nô lệ Patsey của Nyong’o được gọi là đột phá, dù cô không chiến thắng ở giải Quả Cầu Vàng, còn Oscar thì chưa trao. Hôm 18/1, cô thắng giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc tại giải thưởng SAG (Screen Actors Guild – giải của Hiệp hội diễn viên trao tặng).
Vanity Fair nhận xét Nyong’o có “một vai mạnh mẽ và khó quên”. Patsey là người đã kết bạn với nhân vật chính Solomon Northup (Chiwetel Ejiofor đóng) của 12 Years A Slave, khi anh này bị bắt cóc làm nô lệ.
Niềm cảm thông với nô lệ
Trong phim, nữ nô lệ Patsey phải vận chuyển hơn 200kg bông mỗi ngày, trong khi các nô lệ khác chỉ chuyển được khoảng 90kg. Điều này khiến cô bị vợ của chủ nô ganh ghét, đánh đập dã man. Gã chủ nô Epps (Michael Fassbender đóng) đã nhiều lần cưỡng hiếp Patsey. Vì bị đánh đập và lạm dụng, Patsey muốn tìm đến cái chết và nhờ Northup giết cô, nhưng anh từ chối.
Nyong’o phải đóng cảnh bị tra tấn bằng đòn roi, cưỡng hiếp, phải diễn tả nỗi tuyệt vọng và khốn khổ cùng cực. Trò chuyện với Vanity Fair, nữ diễn viên 30 tuổi cho biết thật khó để bỏ Patsey ra khỏi đầu, mỗi khi kết thúc một ngày quay phim. Nhưng cô rất biết ơn đạo diễn Steve McQueen, người cô coi là “thiên tài”.
Lupita Nyong'o trong vai nữ nô lệ Patsey.
Patsey là nhân vật rất ấn tượng trên màn ảnh. Theo Nyong’o, cô không thể nào đóng được vai này nếu không có những ngày tháng rèn luyện ở Yale. “Học ở Yale giống như ta học chơi thể thao cho trái tim vậy” – Nyong’o nói, ý chỉ sự rèn luyện về cảm xúc và cách thể hiện cảm xúc - “Mỗi ngày tôi đều hóa thân thành 5 nhân vật khác nhau”. Điều đó đã giúp cô cảm nhận được Patsey, dù đây là một vai diễn rất khó.
“Tôi nghĩ mình không bao giờ có thể hoàn toàn bỏ lại Patsey trên trường quay” – nữ diễn viên nói về sự ám ảnh của nhân vật đối với cô - “Nhưng tôi thấy thật là một đặc ân khi được hóa thân thành cô ấy, bởi xét cho cùng, nỗi đau khổ và bất an của tôi chỉ là tạm thời, còn với cô ấy thì không. Khi diễn, tôi luôn nhớ rằng đã có những người ngoài đời từng phải chịu nỗi đau này, còn với tôi thì chỉ là nỗi đau tưởng tượng”.
Vượt qua định kiến về nghề diễn viên
Nyong’o sinh ra ở Mexico nhưng lớn lên ở Kenya. Bố cô là giáo sư ngành khoa học chính trị và cũng là một chính trị gia ở Kenya. Sau khi ra đời ở Mexico, Nyong’o, đã trở về Kenya lúc mới 1 tuổi. Đến khi trưởng thành, cô tới Mỹ học điện ảnh ở Đại học Hampshire, sau đó học thạc sĩ ở Đại học Yale.
Học cao nhưng mơ ước của Nyong’o luôn là làm một diễn viên. Gia đình rất ủng hộ cô, nhưng cộng đồng mới gây khó khăn. Tại những nơi cô sinh ra, lớn lên, xã hội rất xa lạ với nghề diễn viên. Nyong’o thường bị coi là thiếu thực tế vì hoài bão làm diễn viên. Các ngành nghề được coi là “đích thực” chỉ gồm giáo viên, bác sĩ, doanh nhân, luật sư...
Nhưng Nyong’o đã vượt qua định kiến đó. Cô không thể tưởng tượng cuộc đời mình sẽ ra sao nếu không có diễn xuất. Cô quyết định theo đuổi đam mê và tới Yale học đã biến ước mơ của cô thành sự thật. “Điều buồn cười nhất là bạn đến trường học diễn xuất, với mong muốn học được cách hóa thân thành người khác Nhưng nó lại dạy bạn trở thành chính mình” – cô nói - "Chỉ khi hiểu chính mình sâu sắc thì bạn mới hóa thân được vào người khác, hiểu được hoàn cảnh và trải nghiệm của họ”.
Khi Nyong’o vừa tốt nghiệp Yale, người quản lý mang đến kịch bản 12 Years A Slave và đề nghị cô xem xét vai diễn Patsey. Đó cũng là kịch bản đầu tiên mà người quản lý mang đến cho cô, sau này trở thành một bộ phim gây chấn động, được giới phê bình ca ngợi. Vai diễn đầu tay trong 12 Years A Slave quá thành công, khiến cô được giới phê bình ca ngợi về tài năng và triển vọng.
Theo Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa