Diện mạo nỗi buồn trong những khoảnh khắc kinh điển
(Dân trí) - Đời sống khốn khó, hay những nỗi buồn đau đều được bà Dorothea Lange khắc họa vừa chân thực vừa giàu xúc cảm, vượt qua những giới hạn của hoàn cảnh, nơi chốn và thời điểm.
Những tác phẩm ảnh của nữ nhiếp ảnh gia tài liệu kiêm phóng viên ảnh người Mỹ - bà Dorothea Lange (1895 - 1965) có tầm ảnh hưởng đối với sự phát triển của dòng nhiếp ảnh tài liệu và khiến những vấn đề vĩ mô của đời sống kinh tế - xã hội được khắc họa sinh động, giàu cảm xúc trong những bức ảnh chân dung.
Suy thoái kinh tế, đời sống khốn khó, hay những nỗi buồn đau đều được bà Dorothea Lange khắc họa vừa chân thực vừa giàu xúc cảm, vượt qua những giới hạn của hoàn cảnh, nơi chốn và thời điểm, cho tới hôm nay, những bức ảnh ấy vẫn còn có tầm ảnh hưởng đối với giới nhiếp ảnh nói riêng và với công chúng nói chung.
Bà Dorothea Lange là một trong những nhiếp ảnh gia tài liệu nổi tiếng nhất trong thế kỷ 20, bà đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để ghi lại đời sống của con người, tại quê nhà nước Mỹ và ở một số quốc gia khác trên thế giới.
Bà Lange nhìn nhận nhiếp ảnh với vai trò trách nhiệm trước xã hội, bà lựa chọn khắc họa những câu chuyện nhiếp ảnh kể về những nỗi khốn khó của con người, từ đời sống của những gia đình rong ruổi bôn ba, tới cuộc sống thời kỳ Đại Suy thoái hồi thập niên 1930, và còn nhiều vấn đề khác nữa... Những bức ảnh của bà đã được triển lãm tại nhiều bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng tại Mỹ.
Bà Lange đã không ngừng thu nhận lại thông qua ống kính nhiếp ảnh những góc nhìn chưa từng thấy trước đó, khắc họa những khó khăn, phức tạp của đời sống. Bà thường cộng tác với các tổ chức chính phủ hoặc các ấn bản báo chí để giới thiệu tới công chúng những bức ảnh ấn tượng, đi kèm với đó là những câu chuyện được bà tìm ra.
"Không ai được chỉ sẵn một hướng đi chính xác cả. Tôi có thể đang thả bộ không có mục đích gì rõ ràng, tôi chỉ muốn biết điều gì đang thực sự diễn ra ở nơi này, đời sống của con người ở nơi này ra sao...", bà Lange từng chia sẻ về cách thức sáng tác của mình như vậy.
Bên cạnh việc thực hiện những bức ảnh, bà Lange rất đề cao việc thực hiện lời bình ảnh: "Đây không phải một vấn đề đơn giản mà là cả một quá trình, không thể chỉ đưa thông tin thuần túy mà cần đưa vào đó cả sự bày tỏ thái độ cùng những thông điệp ý nghĩa. Đó là sự kết nối ý nghĩa giữa hình ảnh và câu từ. Lời bình ảnh sẽ là một sự mở rộng ý nghĩa cho bức ảnh".
Bức ảnh "Người mẹ di cư" là một trong những tác phẩm ảnh nổi tiếng nhất của bà Lange. Ảnh chụp hồi năm 1936 tại một nông trại ở bang California, Mỹ, bà Lange đã hướng ống kính của mình tới những nhân công sống rong ruổi bôn ba, đi tìm những công việc thời vụ tại các đồn điền, nông trại. Họ từ nơi xa đến tìm việc, mang theo cả gia đình. Đó là thời kỳ đang xảy ra Đại Suy thoái.
Ngay sau khi bức ảnh "Người mẹ di cư" được đăng tải trên các tờ tin tức của bang California, vấn đề xung quanh những lao động di cư nhận được sự quan tâm lớn hơn hẳn, những tổ chức từ thiện tìm tới để hỗ trợ họ những nhu yếu phẩm hàng ngày.
Cho tới tận hôm nay, bức ảnh này vẫn còn được sử dụng để minh họa cho những nỗi lo toan khốn khó của đời người. Đây cũng là bức ảnh khiến công chúng rất quen thuộc, nhiều người có thể đã vô tình bắt gặp bức ảnh này ở đâu đó dù họ không để ý tác giả ảnh là ai.
Sức lay động của hình ảnh có một ý nghĩa lớn lao, một tầm vóc quan trọng đối với nhận thức và hành động của xã hội.
Trong một bài viết hồi năm 1952, bà Lange đã có những chia sẻ rất sâu sắc: Thế giới mà chúng ta đang sống có đầy những điều khiến ta cảm thấy không hài lòng, đó là điều không thể phủ nhận, nhưng đó chắc chắn không phải một thế giới khiến chúng ta cảm thấy cần phải rời bỏ, quay lưng. Chúng ta có thể cảm thấy bàng hoàng và rơi vào im lặng ở một số thời điểm nào đó.
Dù thế giới này còn rất nhiều những điều cần phải thay đổi, nhưng đó cũng chính là nơi chứa đựng biết bao khoảnh khắc đáng lưu tâm. Những khoảnh khắc đáng lưu tâm phải là những khoảnh khắc khắc họa chân thực về thế giới".