Điện ảnh năm 2019 nhìn từ 10 bộ phim hay nhất
(Dân trí) - Dưới đây là 10 bộ phim được đánh giá cao nhất trong đời sống điện ảnh quốc tế năm 2019.
Ở thời điểm những tháng cuối cùng của thập niên 2010, các trang tin điện ảnh đều nhận thấy rằng năm 2019 có nhiều bộ phim xuất sắc, được thực hiện bởi các nhà làm phim bậc thầy và những diễn viên tài năng. Những bộ phim này nhìn thấu suốt những đổi thay biến động của những năm qua và đáp ứng đòi hỏi đối với nghệ thuật điện ảnh trong cuộc sống hiện tại.
Trong khi những nhà làm phim tài danh như Martin Scorsese và Quentin Tarantino vẫn tiếp tục những sáng tạo điện ảnh của mình, dù gặp không ít khó khăn trong việc vượt qua cái bóng của chính họ, thì còn có những bộ phim xuất sắc khác là những thử nghiệm mới mẻ với điện ảnh của những nhà làm phim còn chưa quen thuộc với công chúng yêu điện ảnh quốc tế.
Xét trên nhiều tiêu chí, 2019 là một năm ấn tượng của nghệ thuật điện ảnh, với những bộ phim hấp dẫn thuộc nhiều thể loại và phong cách để người xem thưởng thức, bình luận thậm chí tranh luận trong thập niên 2020 đã sắp mở ra.
Dưới đây là 10 phim điện ảnh hay nhất năm 2019 theo đánh giá của chuyên trang Văn hóa trên tờ The Atlantic (Mỹ):
“The Irishman”
Bộ phim về đề tài tội phạm được đạo diễn và sản xuất bởi đạo diễn nổi danh và gạo cội trong giới làm phim - ông Martin Scorsese (77 tuổi). Phim chuyển thể dựa trên một cuốn sách kể về cuộc đời có thật của một người đàn ông “bất hảo” trong những năm tháng tuổi già, khi ông này nhìn nhận lại toàn bộ những phi vụ từng diễn ra trong cuộc đời mình.
Phim quy tụ một dàn diễn viên ngôi sao gạo cội, gồm Robert De Niro, Al Pacino, và Joe Pesci... Chuyện phim theo chân nhân vật Frank Sheeran (Robert De Niro), một lái xe tải trở thành một tay sát thủ hành động theo lệnh của một “ông trùm xã hội đen”.
Bộ phim đã phải mất nhiều năm phát triển mới đi đến chính thức thực hiện với mức kinh phí sản xuất 159 triệu USD và thời lượng phim lên tới 209 phút, đây là một trong những bộ phim đắt giá nhất trong sự nghiệp của đạo diễn Scorsese, cũng là phim dài nhất do ông dàn dựng.
Bộ phim nhận được nhiều lời khen ngợi và liên tục được đề cử tại nhiều giải thưởng điện ảnh uy tín. Bộ phim được xem như một lễ tang trọng thể mà Martin Scorsese dành cho thể loại phim “gangster”.
Người khổng lồ của giới làm phim Hollywood đã đưa lại một bộ phim chất chứa sự bi thương nhưng không kém phần hoành tráng về thế giới ngầm của những băng nhóm tội phạm. Phim không có thứ năng lượng hừng hực từng thấy trong “Goodfellas” hay những phim thành công khác của đạo diễn Scorsese trước đây, nhưng điều này hoàn toàn nằm trong chủ ý của đạo diễn.
“The Irishman” là một cái nhìn lạnh lùng vào thực tế đời sống của thế giới tội phạm, nơi đây có những toan tính dã man, tàn ác, không có chỗ cho nhân tính. Lần này, đạo diễn Scorsese muốn lột bỏ vẻ ngoài gan lì, sừng sỏ của các nhân vật để thấy những tay tội phạm cũng có thể bị lừa dối, bị thất vọng, bị bàng hoàng sửng sốt như thế nào.
“The Farewell” (Lời từ biệt)
Bộ phim được đạo diễn và biên kịch bởi nhà làm phim Lulu Wang (36 tuổi). Chuyện phim xoay quanh một gia đình sau khi họ được biết rằng người bà chỉ còn sống được một thời gian ngắn nữa, nhưng thay vì nói cho bà cụ biết điều này, họ ngay lập tức lên kế hoạch cho một cuộc đoàn viên trước khi bà cụ ra đi vĩnh viễn.
Chuyện phim dựa trên những trải nghiệm của chính đạo diễn Wang. Phim nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình. Bộ phim kinh phí thấp đưa lại một chuyện phim êm dịu, lắng đọng về đề tài gia đình, chứa đựng nhiều xúc cảm.
Phim khá đơn giản nhưng dàn dựng thuyết phục bởi chân thực tới từng chi tiết. “The Farewell” lấy cảm hứng từ chính những trải nghiệm của đạo diễn khiến người xem cảm thấy rất “đời”.
Một người phụ nữ trẻ vốn sinh sống và trưởng thành ở Mỹ phải nhanh chóng quay trở về quê nhà nơi có gia đình của cô ở Trung Quốc, để tham gia vào cuộc đoàn viên cuối cùng và nói lời tạm biệt người bà đã ốm nặng và sắp ra đi.
Cuộc gặp gỡ, đoàn viên cảm động nhưng không ai được phép để lộ cho bà biết về những chẩn đoán mới nhất của bác sĩ. Bên cạnh chuyện phim ấy, đạo diễn Wang còn đưa ra những vấn đề có sức nặng về những tổn thương tâm lý của một người xa xứ, một người đi di cư. Điều gì xảy ra khi những thành viên trong một gia đình sống cách xa nhau cả một đại dương?
“Ad Astra” (Giải mã bí ẩn ngân hà)
Bộ phim khoa học viễn tưởng pha chất phiêu lưu mạo hiểm được sản xuất, đồng biên kịch và đạo diễn bởi James Gray. Phim có sự tham gia diễn xuất chính của Brad Pitt. Chuyện phim theo chân một phi hành gia đi vào không gian vũ trụ để tìm kiếm người cha mất tích của mình, ông hiện đang tiến hành những thử nghiệm có nguy cơ đe dọa tới cả hệ mặt trời.
Phim nhận được nhiều sự khen ngợi của giới phê bình, đặc biệt là lời khen ngợi dành cho diễn xuất của Brad Pitt. Đạo diễn James Gray (50 tuổi) là một trong những nhà làm phim có cá tính điện ảnh ấn tượng nhưng còn chưa được biết tới nhiều trong nền công nghiệp làm phim đương đại. “Ad Astra” là một bộ phim kinh phí lớn làm về đề tài không gian vũ trụ với diễn xuất chính của Brad Pitt.
Đây là một bộ phim nhiều tham vọng của đạo diễn James Gray. Trong phim, Pitt vào vai một phi hành gia đang trong một sứ mệnh nguy hiểm, đạo diễn Gray đã sử dụng hành trình này như một cách ẩn dụ để nói về sự thất bại ngày càng gia tăng của con người trong việc kết nối với nhau trong thế giới hiện đại.
Đi cùng với đó là một tương lai nhiều u ám mà loài người phải đối diện vì thiếu đi sự kết nối. “Ad Astra” là câu chuyện giả tưởng chứa đựng niềm hy vọng, đồng thời là một chuyện phim trầm buồn được thể hiện qua những khuôn hình tráng lệ về không gian vũ trụ.
“Little Women” (Những người phụ nữ nhỏ bé)
Phim được biên kịch và đạo diễn bởi Greta Gerwig (36 tuổi). Đây đã là bộ phim thứ 8 được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên xuất bản hồi năm 1868 của nữ nhà văn người Mỹ Louisa May Alcott. “Little Women” nằm trong top 10 phim hay nhất năm 2019 do nhiều tờ tạp chí bình chọn.
Năng lượng và nghệ thuật của Greta Gerwig trong vai trò một nữ đạo diễn đã không hề bị gây áp lực hay trở nên sáo mòn trước thách thức trong việc chuyển thể một tác phẩm nổi tiếng đã quá quen thuộc trong đời sống văn học - điện ảnh Mỹ.
Gerwig thậm chí còn trở nên táo bạo hơn, cắt nhỏ các tình tiết trong tác phẩm nguyên gốc và sắp xếp lại vào trong bộ phim để có sự tương tác đầy chủ động với tác phẩm nguyên gốc.
“Little Women” tôn trọng các nhân vật trong tác phẩm nguyên gốc nhưng không ngần ngại thay đổi một số tình tiết trong tác phẩm. Tài năng của đạo diễn Gerwig còn được thể hiện ở việc cô biết cách thúc đẩy để toàn bộ dàn diễn viên cùng tỏa sáng ấn tượng.
“Marriage Story” (tạm dịch: Câu chuyện hôn nhân)
Bộ phim hài được biên kịch, đạo diễn và sản xuất bởi Noah Baumbach. Phim có sự tham gia diễn xuất của Scarlett Johansson và Adam Driver, họ vào vai một cặp vợ chồng đang trải qua một cuộc ly hôn khó khăn.
Phim được đánh giá cao và được nhiều tờ tạp chí lựa chọn vào top 10 phim hay nhất năm. Đạo diễn Baumbach (50 tuổi) đã luôn tạo nên những bộ phim tinh tế tới từng chi tiết, pha trộn những khoảnh khắc hài hước với những đớn đau căng thẳng của đời sống hôn nhân với tỉ lệ thăng bằng khéo léo.
“Marriage Story” còn được nâng lên về mặt nghệ thuật bởi diễn xuất ấn tượng của Johansson và Driver khi họ nhập vai một cặp vợ chồng đã hết tình cảm dành cho nhau, sức mạnh của bộ phim nằm ở chính những chi tiết đôi lúc dí dỏm nhưng luôn luôn đầy tế nhị.
Đạo diễn Baumbach đã từng thực hiện một bộ phim khác cũng khá xuất sắc nói về việc ly hôn - “The Squid and the Whale” (Mồi mực và cá voi - 2005). Dù vậy, “Marriage Story” còn đặc biệt hơn, đó là một bộ phim được kể với sức mạnh biểu đạt đầy ấn tượng nhưng theo một cách rất “tỉ tê”.
Bích Ngọc
Theo The Atlantic