Điểm danh 4 loại mực phổ biến và cách sơ chế mực đơn giản
(Dân trí) - Mực là món yêu thích của nhiều gia đình bởi chúng cung cấp rất nhiều dinh dưỡng cần thiết. Cùng điểm qua một số loại mực phổ biến và tìm hiểu cách sơ chế mực nhanh chóng nhé.
Mực lá
Mực lá được nhiều người đánh giá là loại mực ngon nhất. Mực lá dễ dàng để phân biệt với mực khác ở chỗ chúng có vây dày hình bầu dục khỏe mở rộng xung quanh gần như toàn bộ lớp áo. Thịt mực thường dày, giòn, vị ngọt đậm đà. Nó thường được những người sành ăn lựa chọn và có trong thực đơn của những nhà hàng, khách sạn sang trọng.
Mực ống
Mực ống là loại mực mọi người thường ăn mỗi dịp đi du lịch hay mua ở siêu thị, các chợ. Cách nhận biết đó là, loại mực thân dài, hình ống có 8 râu nhỏ và 2 xúc tu dài, da có nhiều đốm hồng, mắt to trong suốt, đặc biệt là phần vây đuôi rất dễ nhận biết nó xuất phát từ giữa thân kéo dài xuống cuối thân hình thoi. Có túi mực đen dùng để phòng thân khi bị kẻ thù tấn công.
Ngoài chiên, hấp, mực ống còn được chế biến rất nhiều món như: mực nướng, mực xào, lẩu mực, mực chiên nước mắm, mực nhồi thịt…
Mực trứng
Mực trứng hay còn gọi với cái tên mực sữa là một loại mực nhỏ, có kích thước trung bình khoảng từ 5 - 12cm, được bao bọc bởi một lớp da mỏng màu nâu đỏ cánh gián. Mực trứng tươi sẽ có mắt sáng không đục, phần thân và râu dính chặt vào nhau, phần bụng căng cứng chứa đầy trứng. Đặc biệt khi xào chín lên, mực tươi sẽ không bị nở và ra nước.
Mực nang
Mực nang (mực mai, mực bầu) là loại có kích thước to, mực nang có một lớp vỏ 2 bên lớn giúp mực di chuyển, vì có thanh nang ẩn chứa bên trong lớp thịt nên phần thịt gần con ngươi có hình chữ W, gồm 8 chân và 2 xúc tua dài.
Mực nang nổi tiếng với thớ thịt dày, vừa giòn lại vừa ngọt, là nguyên liệu của nhiều món ăn ngon, thích hợp nhất là các món: mực nướng, mực nấu cháo, mực nang xào sate, mực nang nấu canh chua, mực nang nấu bún, mực nang chiên giòn, mực nang nấu lẩu...
Sơ chế mực đúng cách:
Bước 1: Rút đầu và râu mực
Bạn dùng một tay nắm phần thân mực, một tay nắm phần đầu mực rồi rút nhẹ lên rồi nhẹ nhàng bóc bỏ túi mực. Nếu lỡ làm vỡ túi mực thì rửa sạch với nước.
Bước 2: Dùng dao cắt bỏ phần mắt mực và khối tròn cứng ở giữa đầu mực (gọi là răng mực), các bạn lấy tay nặn bỏ phần này.
Bước 3: Lột da mực bằng cách dùng dao sắc cắt nhẹ một đường phía đầu thân mực để tạo một đường gờ giữa da và thịt mực. Một tay giữ chặt phần thịt mực, tay còn lại nắm chắc phần da mực và kéo lên.
Bước 5: Làm sạch phần ruột và đầu mực và rửa sạch lại với nước.