Di tích cấp quốc gia trăm năm tuổi oằn mình… chờ được “cứu”
(Dân trí) - Vừa qua, nhóm Đình làng Việt đã có thư “kêu cứu” gửi Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc trước việc xuống cấp trầm trọng của di tích đình Đình Chu (xã Đình Chu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), một trong những ngôi đình độc đáo nhất xứ Đoài.
Có thể đổ sập bất cứ lúc nào
Đình làng Đình Chu thờ 18 đời Hùng Vương là một trong những ngôi đình bề thế quý hiếm của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng và vùng châu thổ Bắc Bộ còn tồn tại cho đến ngày nay. Đình được khởi dựng năm Gia Long thứ 2 (1803) và trùng tu năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) theo kiến trúc chữ “J” gồm 2 tòa đại đình và hậu cung.
Trong đình Đình Chu nhiều bức chạm “Long mã phụ đồ”, “Phượng càm thư”, “Lưỡng long chầu nguyệt”… mang nhiều giá trị độc đáo. Ngoài ra, đình còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị như: một cuốn ngọc phả viết bằng chữ Hán, sắc phong vào năm Gia Long nhị niên (1803), các sắc phong triều đại Tự Đức, Minh Mạng, Thiệu Trị; Ngai thờ, Án gian, kiệu bát cống, đồ bát bửu, âm bồng, ống hoa, đài rượu, đài nước… Đình đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định 310-QĐ/BT ngày 13/2/1996.
Trải qua thời gian, đến nay ngôi đình đã xuống cấp rất nghiêm trọng ở tất cả các hạng mục, đặc biệt trong 3 năm gần đây (2014 - 2017) sự xuống cấp đã đến mức báo động và hiện nay ngôi đình có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Trong thư “kêu cứu” gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đại diện nhóm Đình làng Việt có nêu: “Tháng 8/2016, các thành viên nhóm Đình làng Việt đã may mắn được về tham quan đình Đình Chu, tận mắt thấy được sự quý hiếm của một di sản nhưng các thành viên chúng tôi cũng vô cùng đau xót bởi di sản quý hiếm đó đang xuống cấp rất nghiêm trọng như: mái thủng từng mảng lớn, cột, hoành, dui mè bị nước thấm vào gây ẩm mốc, đang mục nát; trời mưa hay nắng, trong đình giống như ngoài trời, nước mưa dột từ nóc dột xuống, thấm vào hệ thống kết cấu gỗ.
Đình có thể đổ bất cứ lúc nào, rất nguy hiểm đến tính mạng người dân. Vì thế, mà chính quyền địa phương đã căng biển báo nguy hiểm để dân làng không vào đình. Các hoạt động sinh hoạt và thực hành tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng bấy lâu không còn diễn ra ở đây.
Đến thời điểm này, ngôi đình vẫn ở trong hiện trạng xuống cấp, tình trạng còn tệ hơn năm 2016. Với thời tiết khắc nghiệt khó đoán như hiện nay thì rất có thể ngôi đình bị đổ lúc nào không biết, di sản - di tích quốc gia đình Đình Chu sẽ chỉ là phế tích, thiệt hại khôn lường và sẽ quá muộn nếu lãnh đạo tỉnh không có hành động khẩn cấp. Vì thế, chúng tôi khẩn thiết kiến nghị ông UBND tỉnh Vĩnh Phúc có biện pháp khẩn cấp bảo vệ Di tích quốc gia kiến trúc đình Đình Chu”.
Đại diện nhóm Đình làng Việt đề xuất, trước mắt tỉnh khẩn trương cấp kinh phí để dựng nhà bao che bằng vật liệu sắt, mái tôn đạt tiêu chuẩn để bảo vệ được toàn bộ di tích, cần tăng cường các cột chống đỡ cấu kiện kiến trúc chờ ngày trùng tu… như vậy mới có thể giảm thiểu tác động của mưa bão, tránh sự cố không đáng có khi sảy ra mưa to gió lớn.
Xót xa nhìn di sản cha ông để lại đang ngày một xuống cấp
Ông Nguyễn Duy Minh - Bí thư đảng uỷ xã Đình Chu cho biết, trước năm 2013, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có quyết định trùng tu và tôn tạo đình Đình Chu với số tiền 18 tỷ 133 triệu. Tuy nhiên, quyết định đó lại liên quan đến việc phân cấp nguồn vốn của trung ương nên dự định trùng tu lại ngôi đình cổ này đã không thành.
Tiếp đến, năm 2016, thông qua sự phản ánh của các phương tiện truyền thông, một số sở ban ngành đã về khảo sát thực tế tình hình xuống cấp của đình Đình Chu. Sau đó, Sở VHTT&DL cùng Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa dự án trùng tu và tôn tạo đình vào kế hoạch sử dụng nguồn vốn trung hạn. Trong đó, dự kiến từ 2016 đến 2018 sẽ chi khoảng 10 tỷ cho công tác tu bổ và bảo tồn di tích này. Nhưng cho đến nay, đã gần hết quý III của năm 2017, nhưng đình Đình Chu vẫn đang trong tình trạng “oằn mình” trước sự xuống cấp nghiêm trọng.
“Chúng tôi vô cùng xót xa khi chứng kiến một công trình kiến trúc đậm nét văn hoá, một Di tích cấp Quốc gia đang bị xuống cấp trầm trọng, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Từ người già cho đến người nhỏ tuổi đều rất mong mỏi và hy vọng khi thấy lãnh đạo các sở, huyện… xuống khảo sát và đánh giá thực trạng để tiến hành tu bổ nhưng đến giờ mọi thứ vẫn chỉ trên giấy tờ. Chính quyền địa phương, với tinh thần và trách nhiệm cũng đã nhiều lần đề đạt nhưng trong phạm vi chức năng của mình cũng không thể làm gì được. Thật sự rất đau lòng khi bất lực nhìn một di sản được nhiều thế hệ cha ông gầy dựng đang bị xuống cấp từng ngày”, ông Minh nói.
Xót xa di tích quốc gia trăm năm tuổi oằn mình... chờ được "cứu"
Trao đổi với Dân trí, ông Ngô Duy Đông - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, kế hoạc trùng tu và tôn tạo đình Đình Chu không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 của UBND tỉnh. Sau đó, lãnh đạo Sở đã về tận nơi để khảo sát thực trạng của đình Đình Chu cũng như ghi nhận được ý kiến chính quyền địa phương và bà con nhân dân. Sau chuyến đi đó, Sở VHTT&DL đã làm văn bản gửi UBND tỉnh và Sở Kế hoạch - Đầu tư để điều chỉnh đầu tư công trung hạn.
"Tính đến thời điểm này, chúng tôi đã có văn bản báo cáo UNBD tỉnh và Sở Kế hoạch - Đầu tư điều chỉnh đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 để dành nguồn ngân sách tu bổ và tôn tạo đình Đình Chu. Kế hoạch tính toán là việc tu bổ này sẽ giao cho UBND huyện Lập Thạch làm chủ đầu tư.
Hiện nay, huyện Lập Thạch cũng đã làm văn bản đẹ trình lên tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị phê duyệt chủ trương tu bổ và tôn tạo di tích này nhưng UBND tỉnh có được phê duyệt hay không còn phải có ý kiến của Sở Kế hoạch - Đầu tư nên hơi chậm một chút.
Theo thông tin tôi được biết, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã hoàn tất hồ sơ chuyển qua UBND tỉnh rồi, tỉnh sau khi xem xét sẽ gửi lên xin ý kiến Bộ VHTT&DL vì đây là Di tích cấp quốc gia", ông Đông chia sẻ thêm.
Ông Ngô Duy Đông cũng nhấn mạnh, ban đầu đề nghị mức dự toán là 10 tỷ đồng, tuy nhiên sau khi cân đối lại ngân sách toàn tỉnh, mức đầu tư được hạ xuống còn 9 tỷ. Đây là mức dự kiến chi, còn việc thực hiện tu bổ cần thêm nguồn xã hội hóa”. Và đây là di tích quý thuộc cấp quốc gia nên không chỉ chính quyền địa phương mà Sở VHTT&DL cũng rất quan tâm. Phần lớn các cuộc gặp gỡ đại biểu Hội đồng Nhân dân đều dành rất nhiều thời lượng cho các cứ tri chất vấn về vấn đề liên quan đến đình Đình Chu.
Thực tế, trong khi đang chờ được phân bổ nguồn vốn để triển khai việc trùng tu và tôn tạo thì đình Đình Chu vẫn đang không hề có biện pháp bảo vệ tạm thời nào. Sự chậm trễ của việc “ứng cứu” từ tỉnh Vĩnh Phúc có thể khiến cho một trong những ngôi đình độc đáo nhất xứ Đoài có nguy cơ bị biến mất vĩnh viễn.
Hà Tùng Long