Đi dọc Hà Nội "để thấy một Hà Nội rất khác"

(Dân trí) - Nếu để liệt kê những cuốn sách viết về địa danh của Việt Nam- có lẽ Hà Nội là chủ đề được viết nhiều nhất. Đất Thăng Long- Hà Nội ngàn năm văn vật gắn với mọi thăng trầm, biến thiên của đất nước, đương nhiên sẽ có nhiều điều để kể.

Những cuốn “Chuyện cũ Hà Nội” của Tô Hoài, những “Hà Nội 36 phố phường”, những “Miếng ngon Hà Nội” của Vũ Bằng, những “Hà Nội trong mắt tôi” của Nguyễn Khải hay nhiều nữa đều là những tác phẩm đã đi vào lòng hàng triệu triệu  tâm khảm của người dân Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng, những con người “trót” có lòng cảm mến với mảnh đất này.

Hà Nội là cảm hứng của rất nhiều thi sĩ
Hà Nội là cảm hứng của rất nhiều thi sĩ

Ngày nay, chọn đề tài về Hà Nội để viết không phải là một điều dễ, bởi đã có quá nhiều sách vở, quá nhiều ghi chép, quá nhiều những tác phẩm đã ra đời khá lâu, tuy nhiên, Nguyễn Ngọc Tiến từ đầu năm 2012 đến nay đã giới thiệu với bạn đọc những ghi chép của anh về  Hà Nội, theo cách nhìn của anh, theo ngữ nghĩa của anh, và theo cảm nhận của anh. Đầu năm là cuốn sách Đi ngang Hà Nội, và nay, chào mừng Quốc Khánh 2/9 là cuốn Đi dọc Hà Nội (do Chibooks phát hành).

Nhà phê bình Nguyễn Hòa đã dành những lời ưu ái khi nhận định về cuốn Đi dọc Hà Nội này của Nguyễn Ngọc Tiến như sau: “Sau khi đọc hết cuốn sách thú vị này, bạn đọc nào đó có thể còn thấy “thòm thèm”, thậm chí chưa vừa ý, nhưng dẫu sao, vẫn cần phải cảm ơn tác giả. Vì khi mà ngay tại Hà Nội này, cuộc mưu sinh đang kéo nhiều người trong chúng ta vào vòng xoáy của các lợi ích cho hiện tại và tương lai, không có thời gian, thậm chí lơ đễnh khi nhìn về quá khứ, thì ngòi bút tài hoa của Nguyễn Ngọc Tiến vẫn cần mẫn và kỳ công, để viết nên những trang sách không dễ viết.”

Tác giả Nguyễn Ngọc Tiến
Tác giả Nguyễn Ngọc Tiến

Nguyễn Ngọc Tiến bản thân là một nhà báo, qua những hiểu biết, tìm tòi của bản thân, cộng với kinh nghiệm làm báo và lòng nhiệt thành yêu Hà Nội đã viết một chùm các cuốn sách được đánh giá rất tốt về Hà Nội. Nhà phê bình Nguyễn Hòa thú nhận chẳng có gì nghi ngờ về những điều Nguyễn Ngọc Tiến viết, “bởi tôi nhận ra các bài ký sự - khảo cứu lịch sử văn hóa tinh tế của anh đã đạt tới “một đẳng cấp mới”. Đáng trân trọng là, các giả thuyết Nguyễn Ngọc Tiến đưa ra đều dựa trên cơ sở tư liệu cụ thể, luận giải khách quan, nhưng anh không có ý định bác bỏ ý kiến của tác giả đi trước. Anh đưa ra tư liệu mới, giả thuyết mới, để người quan tâm có thể cùng suy ngẫm.”

Với Đi dọc Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tiến tiếp tục triển khai góc nhìn mới về một số vấn đề - sự kiện, giúp người đọc biết về “người Tràng An thanh lịch” qua thú chơi hoa, qua lịch sử cầu Thê Húc, qua thuốc phiện và rượu lậu của một thời… Và các vấn đề - sự kiện ấy luôn được tác giả xây dựng trên nền tảng con người, mà nổi trội là những người Hà Nội rất bình thường. Họ là người trồng hoa ở làng Ngọc Hà, là chị công nhân đã có mấy chục năm làm công việc coi sóc đồng hồ trên nóc nhà Bưu điện Bờ Hồ, và xa nữa về thời gian là những anh chị, cô bác bán hàng rong, người hát xẩm… cùng với các câu vè, lời rao hàng sinh động và lý thú. Đó là những con người đã góp phần làm nên một diện mạo khác của Hà Nội, khác xa với những “dân chơi” của đất kinh kỳ…

Những trang sách trong

Những trang sách trong Đi dọc Hà Nội có thể giúp chúng ta hiểu thêm về quá khứ, về dòng chảy văn hóa và dấu ấn của nhiều thế hệ ở Hà Thành, đồng thời nhắc nhở chúng ta rằng, hiện tại và tương lai không đến từ hư vô, mà đến từ quá khứ.  

Một cuốn sách mà người viết là Nguyễn Ngọc Tiến đã dày công nghiên cứu và chắt lọc như vậy hẳn là một cuốn sách đáng để đọc, để tìm hiểu, để yêu thêm về một Hà Nội được tạo nên bởi những “văn hóa Hà Nội, con người Hà Nội”.

 
Bình Yên