Chương trình diễn lần thứ nhất trang phục các dân tộc Việt Nam:

Đeo đẳng tìm phương pháp bảo tồn và phát triển

(Dân trí) - Chương trình Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất đã khép lại một năm, nhưng sự kiện văn hóa đặc sắc này còn đeo đẳng, gợi lên nhiều suy ngẫm đối với những nhà quản lý, các nhà khoa học, các chuyên gia.

Từ ngày 25 đến ngày 28/11/2011, tại Làng Văn hóa, Du lịch các Dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra Chương trình Trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam lần đầu tiên với quy mô toàn quốc. Thực chất đây là cuộc tổng kiểm kê về trang phục truyền thống của 54 dân tộc anh em để đánh giá về trang phục cùa các dân tộc Việt Nam trải theo các giai đoạn phát triển của đất nước. Trang phục cổ truyền hay trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam cũng như các yếu tố văn hóa vật thể, phi vật thể khác không thể dừng lại một chỗ mà luôn có sự vận động và phát triển; nhưng mấu chốt ở đây là nghiên cứu phát triển, phát huy theo hướng nào? Theo hướng truyền thống dân tộc hay cách tân hiện đại, bảo tồn một cách bền vững hay không cần bảo tồn. Có một thực tế đáng báo động đó là một số bộ trang sức, y phục truyền thống đang bị mai một và dần dần mất hẳn đi.

Ảnh: Tuấn Anh.
Ảnh: Tuấn Anh.
 
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) cũng đã được quán triệt một cách sâu rộng về xây dựng ''Nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc''. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về vấn đề ''Dân tộc, đại đoàn kết dân tộc'' cũng đã được sáng tỏ, nhưng đã được thấm sâu vào cuộc sống và từng dân tộc hay chưa điều này còn cần suy nghĩ để có giải pháp cụ thể. Bởi bản sắc văn hóa của từng dân tộc không ai mang đến cho mà chính dân tộc đó phải tự tôn, bảo tồn một cách quyết liệt mới giữ được, tất nhiên phải có chính sách, định hướng đúng và hỗ trợ về tài chính của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ở địa phương, đặc biệt là sự đóng góp mạnh mẽ của các nghệ nhân, người có uy tín, trưởng các dòng họ các dân tộc thiểu số. Chúng ta phải quyết liệt, phải biết giữ gìn tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, lễ tết, hội hè và quan trọng hơn cả là trang sức, y phục của chính dân tộc mình thì mới lưu giữ chúng được lâu dài.

Việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ phải hàng ngày thông qua trao đổi, sinh hoạt gia đình, cộng đồng cư dân là cơ bản, khai thác và phục dựng lại những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, gia đình, dòng họ, thôn bản thông qua các nghi lễ, cưới xin, tang ma, lễ hội, lễ tết và các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng khác. Như vậy, chắc chắn đặc trưng văn hóa của các dân tộc sẽ được bảo tồn và phát triển theo hướng ''Đậm đà bản sắc dân tộc''.

Tham gia Chương trình Trình diễn gồm 233 người nam, nữ, 54 dân tộc thuộc 52/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và phân thành 4 nhóm theo tỷ lệ dân số: Nhóm dân tộc có số dân từ 1 triệu người trở lên như dân tộc Kinh, Tày, Thái, Mường, Khmer, Mông (6 dân tộc); nhóm dân tộc có số dân từ 1 triệu người đến 1 vạn người như dân tộc: Nùng, Hoa, Dao, J'rai, Ê đê, Bahnar, Cao Lan, Sán Chay, Chăm, Cơ Ho, Xơ Đăng, Sán Dìu, H'rê, Răglay, M'Nông, Thổ, Xtiêng, Khơ Mú, Bru Vân Kiều, Cơ Tu, Giáy, Tà Ôi, Mạ , Giẻ Triêng, Co , Chơ Ro, Xinh Mun, Hà Nhì, Chu Ru, Lào, La Chí, Kháng, Phù Lá (32 dân tộc); nhóm dân tộc có dân số từ 1 vạn đến 1 ngàn người như dân tộc: La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Ngái, Chứt, Lô Lô, Mảng, Cơ Lao, Bố Y, Cống (11 dân tộc); nhóm dân tộc có dân số dưới 1.000 người như dân tộc: Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu (5 dân tộc) theo điều tra dân số năm 2009.

Ảnh: Tuấn Anh.
Ảnh: Tuấn Anh.

Hội đồng tư vấn bao gồm các nhà khoa học về văn hóa, dân tộc học, xã hội học, quản lý di sản văn hóa, văn học, nghệ thuật và các chuyên gia, nghệ nhân đánh giá như sau:

Thực trạng về chất lượng các bộ trang phục nam, nữ các dân tộc đó là: Đại đa số các dân tộc vẫn giữ gìn được những giá trị văn hóa truyền thống về chất liệu, mầu sắc, phong cách tạo hình, trang trí hoa văn trên trang phục, y sức truyền thống dân tộc: Thái, Mông, Dao, Ê Đê, J'rai, Bahnar, Khmer, Tày...

Trang phục nhiều dân tộc đã bị mai một về chất lượng (vải mới và cũ đan xen) thậm chí sử dụng hoàn toàn chất liệu vải công nghiệp hiện đại có cả vải hoa của Trung Quốc, nhưng cơ bản vẫn giữ được sắc thái, phong cách tạo hình, trang trí trên nền trang phục như dân tộc Kinh, Chăm, Mường, Hoa...

Một số dân tộc trang phục truyền thống bị mai một và được phục hồi lại như dân tộc: Chơ Ro, Brâu, Rơ Măm, J'rai. Đây là sự cố gắng của đồng bào các địa phương, tuy nhiên cần được nghiên cứu, xem xét và khẳng định lại (vì khi phục dựng lại thì có biến dạng).

Một số dân tộc hiện không còn trang phục truyền thống mà phải mặc âu phục và quân phục như dân tộc Chứt, Ơ Đu, Bru-Vân Kiều, Thổ. Một số dân tộc vẫn còn lưu giữ được các bộ trang phục truyền thống cổ như dân tộc: Mông, Dao, Khmer, M'Nông, Mạ, Pà Thẻn...

Đánh giá chung: Trang phục truyền thống cổ còn khoảng 5%; trang phục truyền thống dân tộc 40%; trang phục truyền thống có cách tân, pha trộn chất liệu 35%; trang phục truyền thống đã cách tân hiện đại 15%; trang phục mất hẳn 5%. Nó như một món nợ, mà mỗi cá nhân chưa có lời giải đáp để tìm ra phương pháp tối ưu, có hiệu quả để bảo tồn các giá trị văn hóa đặc trưng riêng biệt và phát triển trang phục truyền thống dân tộc kết hợp với hiện đại nhưng không làm mất đi mầu sắc, phong cách tạo hình, trang trí hoa văn... trên trang phục của chính dân tộc mình. Bộ trang phục truyền thống của một số dân tộc đã mất đi cần được phục dụng lại và cần có một cơ chế, chính sách đặc thù để giữ gìn yếu tố văn hóa trong trang phục các dân tộc Việt Nam để khi bước vào giai đoạn công nghiệp hóa đất nước, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế nhưng rừng hoa muôn mầu sắc trang phục các dân tộc Việt Nam vẫn luôn trường tồn.

Chu Tuấn Thanh
Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Ủy ban Dân tộc