Đền Trạng Trình được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt
(Dân trí) - Tối 7/1, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Khu di tích Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cho UBND TP Hải Phòng.
Để đón nhận vinh dự này, UBND TP Hải Phòng đã long trọng tổ chức “Lễ kỷ niệm 430 năm ngày mất của Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm và đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt” tại Quảng trường tượng đài Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hải Phòng không chỉ là mảnh đất ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử vang dội trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc gắn với các danh nhân của đất nước như: nữ tướng Lê Chân, Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Quốc Tuấn… mà còn là nơi sản sinh ra những nhân tài có đóng góp to lớn trong lịch sử dân tộc, từ các vua nhà Mạc có công phát triển kinh đô ven biển Dương Kinh, các vị trạng nguyên, quan văn như: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Tất Văn, Lê Ích Mộc, các võ tướng như Kỳ tài hầu Tô Phú Vượng, Nguyễn Công Huệ, danh y Đào Công Chính… Những con người đã để lại dấu ấn sâu đậm ở vùng đất văn hiến này.
Trong đó, Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm là người hội tụ những phẩm chất và đức hạnh cao cả của bậc minh triết. Những di sản, tư tưởng của ông được các triều đại phong kiến tôn vinh, được nhân dân sùng kính. Những câu nói của ông đúc kết của một trí tuệ cao minh, sự hiểu biết sâu rộng, thể hiện một tầm nhìn lớn lao vượt thời đại. Những dự đoán của ông đã mở ra tầm thế mới cho đất nước, cho dân tộc. Ảnh hưởng từ những giá trị di sản của ông trải qua thời gian, biến cố, thăng trầm của lịch sử vẫn có giá trị to lớn trong xã hội hiện đại.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu thành phố Hải Phòng gìn giữ, phát huy những giá trị tư tưởng và di sản của danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm. Việc làm này góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững và bảo tồn giá trị khu di tích để góp phần thu hút khách du lịch; phát huy di sản văn hóa của danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm, sưu tầm, phát hiện những tài liệu về ông và khẳng định vị trí của ông đối với sự phát triển của dân tộc. Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước mong muốn giữ gìn mãi mãi những giá trị này để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Di tích đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được xếp hạng từ năm 1991. Quần thể khu di tích bao gồm 9 hạng mục: tháp bút Kình Thiên; đền thờ dựng sau khi cụ mất (1585) với ba gian tiền đường, hai gian hậu cung, phía trước có hai hồ nước tượng trưng cho trời và đất, bức hoành phi trong đền ghi 4 chữ “An Nam Lý Học”; nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm; phần mộ cụ thân sinh ở phía sau đền; tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm bằng đá cao 5,7m, nặng 8,5 tấn; hồ bán nguyệt rộng khoảng 1.000m²; chùa Song Mai; Nhà Tổ có tượng thờ bà Minh Nguyệt, vợ của Nguyễn Bỉnh Khiêm và Quán Trung Tân, nơi lưu giữ quan niệm mới về chữ “Trung” hướng lòng theo “chí trung chí thiện”.
Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là di tích quốc gia đặc biệt thứ hai của Hải Phòng được xếp hạng sau Quần đảo Cát Bà.
Hà Tùng Long