Đêm hội Cồng chiêng tại Kon Tum

(Dân trí) - Tại nhà Rông Kon Klor, bên dòng Đăk Bla thơ mộng, UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Đêm hội Cồng chiêng với chủ đề "Kon Tum-Hội nhập và phát triển".

Nằm trong chuỗi các sự kiện Tuần lễ Xúc tiến đầu tư tỉnh Kon Tum năm 2011 (diễn ra từ ngày 21-26/11/2011), sau hai sự kiện đã được tổ chức thành công là Hội chợ thương mại biên giới-Hợp tác phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây tỉnh Kon Tum năm 2011 và Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kon Tum năm 2011, vào đêm (22-11) tại nhà Rông Kon Klor, bên dòng Đăk Bla thơ mộng (thuộc làng Kon Klor, P.Thắng Lợi, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum), UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Đêm hội Cồng chiêng với chủ đề "Kon Tum-Hội nhập và phát triển".
 
Đêm hội có sự tham gia của 06 đội cồng chiêng với gần 200 nghệ nhân đến từ 4 đoàn nghệ nhân dân gian (NNDG) gồm: Đoàn NNDG dân tộc Xê Đăng (huyện Đăk Hà), tham gia 1 đội; Đoàn NNDG dân tộc Ba Na (nhánh Rơ Ngao) thuộc xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tham gia 1 đội; Đoàn NNDG dân tộc Ba Na (phường Thắng Lợi, TP.Kon Tum), tham gia 2 đội và Đoàn NNDG dân tộc Gia Rai (xã Ia Chiêm, TP.Kon Tum), tham gia 2 đội.
 
Đêm hội Cồng chiêng tại Kon Tum - 1


 
Sau phần Đánh Cồng khai mạc của lãnh đạo tỉnh Kon Tum, Đêm hội Cồng chiêng bắt đầu. Mở đầu Đêm hội là phần Đốt lửa truyền thống; trao vòng đoàn kết giữa các đại biểu và các nghệ nhân; và cùng nhau thưởng thức rượu cần. Trong men say của rượu cần và trong ánh lửa bập bùng của ngọn lửa truyền thống, các Đội nghệ nhân dân gian lần lượt trình bày 02 tiết mục nghệ thuật diễn tấu các bài chiêng cổ, hòa tấu cùng với các loại nhạc cụ dân gian như T'rưng, Klôngpút, Tingning, trống…có sự phụ họa của các vũ điệu múa vòng xoang, hát dân ca trong các nghi thức lễ, lễ hội cổ truyền của từng dân tộc như: lễ ăn trâu, lễ mừng nhà Rông mới, lễ mừng lúa mới, lễ mừng máng nước giọt…
 
Theo ban tổ chức: Đêm hội Cồng chiêng là một phần trong chương trình Tuần lễ Xúc tiến đầu tư tỉnh Kon Tum năm 2011. Hoạt động này ngoài mục đích quảng bá nét văn hóa đặc sắc của Kon Tum với bạn bè xa gần, còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào về việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong người dân, nhất là trong thế hệ trẻ. Đây còn là hoạt động tiếp tục thực hiện tinh thần NQTW5 khóa VII của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; góp phần bảo tồn, kế thừa và phát huy các di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, vừa là sự phát huy Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là Kiệt tác truyền khẩu, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã vinh dự được tổ chức Khoa học, Văn hóa, Giáo dục thế giới (UNESCO) công nhận vào ngày 25/11/2005.
 

Tin, ảnh: Đại Hòa