Đêm giao thừa năm ấy

(Dân trí) - Thời chiến tranh, NSƯT Đức Trung đã có thời gian sinh hoạt cùng những người lính Cụ Hồ, sống cảnh mưa bom bão đạn, vào sinh ra tử. Đã 45 năm trôi qua, nhưng trong ông, ký ức về đêm giao thừa Mậu Thân 1968 không phai nhoà...

Đêm giao thừa năm ấy

NSƯT Đức Trung, nguyên là nghệ sĩ Đoàn kịch Quân đội, từng là thành viên Đội xung kích Đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị

Đúng chiều tối ngày 23 âm lịch năm 1967, ngày ông Công, ông Táo lên chầu trời, 16 anh chị em chúng tôi lên đường với chiếc ba lô cóc, trang bị tất yếu cho mỗi người đi “B” hồi bấy giờ.

Ngoài quân trang, quân dụng cần thiết, chúng tôi còn mang theo đạo cụ, phục trang sân khấu, để biểu diễn cho bộ đội trên đường hành quân vào trận đánh. Vì ra đi vào đúng dịp tết, đơn vị chuẩn bị thêm cho mỗi người một cặp bánh chưng, lọ ruốc và thuốc cá nhân.

Phiên hiệu đơn vị chúng tôi lúc đó là: Đội xung kích Đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị, nhiệm vụ chúng tôi là phục vụ các đơn vị bộ đội và thanh niên xung phong trên mặt trận B5 trong Chỉến dịch Tổng tấn công Mậu Thân 1968.

Điểm xuất phát là một làng nhỏ, ở huyện Thạch Thất, Sơn Tây, nay đã thuộc Hà Nội. Để đến được Bộ Tư lệnh Tiền phương chúng tôi phải đi mất đúng bảy ngày, đi dưới bom đạn ngày đêm của giặc Mỹ. Đường về phương Nam, nườm nượp bộ đội hành quân đường bộ, cùng xe, pháo đủ loại, tưởng như vào trận đánh quyết định cuối cùng...

Đêm giao thừa chúng tôi còn ở bờ Bắc bến phà Long Đại, đây là điểm đầu cầu của hậu phương chi viện cho tiền phương, bom đạn, thủy lôi, máy bay giặc Mỹ trút xuống đây quá nhiều, nên lính ta gọi đó là bến Long Đầu.

Sông sâu, bến nhỏ, pháo sáng suốt đêm, máy bay do thám không lúc nào yên, đã vào tới đây, đơn vị nào cũng là quan trọng, muốn hành quân ngay lên phía trước, phà qua sông chỉ có hai chiếc thì bom đạn làm hỏng mất một, còn một chưa kịp chữa.

Không thể tranh nhau sang, đám văn công có mấy cô, mấy chị chân yếu tay mềm thì cũng đợi đấy, bộ đội trong kia còn đang cần súng đạn, lương thực chở vào. Một cậu lính trẻ bông lơn: “Chào các em, bọn anh đi trước đây, hẹn gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn được nghe các em hát nhé!”

“Hì hì!Mặt búng ra sữa, dám xưng anh láo thật! Chúc con năm mới mạnh giỏi, chiến thắng trở về mẹ chờ nhé!”, Câu đùa yêu đáp lại của nghệ sĩ Thúy Nga vợ nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, bởi con trai chị năm đó cũng cỡ tuổi người lính trẻ.

Đứng giữa đám đông, ai cũng hừng hực khí thế ra trận, hình như mọi sự nhút nhát, sợ hãi biến mất, tôi cứ ôm chiếc đài bán dẫn hiệu Orionton chạy quanh tìm xem có chỗ nào yên tĩnh hơn để nghe Bác Hồ chúc tết. May quá có một đoạn hào, sâu khoảng một mét, bề ngang cũng đủ lọt cho mình ngồi tựa lưng, bó gối nghe đài.

Tiếng Bác vang lên giữa bom đạn, nghe cảm động biết bao: “Cho phép tôi thay mặt Đảng và Chính phủ, gửi tới đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ở nước ngoài lời chúc mừng năm mới:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua,

Thắng trận tin vui khắp nước nhà,

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ.

Tiến lên toàn thắng ắt về ta.

Khi tiếng tốp ca nữ Đoàn Ca Múa Tổng cục Chính trị vang lên bài thơ chúc tết của Bác do anh Huy Thục phổ nhạc, thì một loạt bom của giặc Mỹ thả đâu đó, làm rung chuyển cả bến sông.

Hự! Tôi kêu lên vì thấy một khối nặng rơi huỵch xuống lưng, không phải bom đạn, cũng chẳng phải đất đá, mà là chị Thúy Nga, thấy bom nổ nhẩy xuống hào, vì trời tối nên nhẩy thẳng vào lưng tôi. Cú đau ấy là chuyện nhỏ giữa nơi ác liệt này.

Lại một anh lính trẻ bưng một mũ sắt đang bốc hơi nghi ngút thơm mùi khoai nướng, tới trước mặt mấy nữ văn công nói:

Mấy o xơi mấy củ “sâm nam” đỡ đói, khoai lang vùng ni bom đạn nhiều, không lớn được, bằng cu con nít thôi mà ngọt lự.

Đang đói, chẳng ai chê mấy củ khoai lang bé như dái trẻ con, chúng tôi ăn lấy ăn để, tỉnh lại như ngậm sâm thật...

Chờ mãi cũng đến lượt chúng tôi qua phà tiến vào mặt trận.

Âm vang câu hát thơ chúc tết của Bác Hồ còn văng vẳng: “...Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ, Tiến lên toàn thắng ắt về ta”.

Đội văn nghệ và các chiến sĩ bộ đôi trên mặt trận B5 trên đỉnh Trường Sơn năm 1968

Đội văn nghệ và các chiến sĩ bộ đôi trên mặt trận B5 trên đỉnh Trường Sơn năm 1968

Nghe như Hịch tướng sĩ thúc giục chiến binh ra trận... Kể từ đây chúng tôi hành quân bộ vào Bộ Tư lệnh Tiền phương, đi đêm, chưa có giao liên dẫn đường, khoảng ba, bốn giờ sáng, thấy mệt quá, lại có một bãi đất rộng, cây cối nhiều có thể mắc võng cho cả 16 con người, chúng tôi bèn bảo nhau: Dừng lại đây mắc võng nghỉ ngơi, ngủ một giấc cho đỡ mệt, thể nào giao liên cũng ra đón. Mắc võng như lính chiến cơ động, nằm chưa ấm lưng thì nghe tiếng ai đó hốt hoảng: “Ối giời ơi! Con lạy các bố, các mẹ, muốn chết à? Sao mắc võng nằm đây? Dậy, dậy ngay! Đây là bãi bom tọa độ, nó thả bất cứ lúc nào. Chưa vào tới mặt trận đã ngủ với giun thì diễn cho Diêm vương xem à?

Cả đội xung kích chúng tôi chỉ còn biết cười trừ, cuốn gói vội vàng, hỏi lại anh lính: “Thế bây giờ chúng tôi đi đâu?”

- Còn đi đâu? Văn công chứ gì? Đúng là điếc không sợ súng! Em... à, cháu đến đón các cô, các chú, các anh chị về Bộ Tư lệnh Tiền phương. Hóa ra nhìn thấy mấy diễn viên đứng tuổi, đặc biệt bác Lê Sĩ Quỳ, nghệ sĩ già tuổi ngũ tuần, mà đầu hói trụi, lông mày rậm, hơi giống Lỗ Trí Thâm, nên cậu lính đổi xưng hô từ em sang cháu...

Nghe tin Đoàn Văn công xung kích Tổng cục Chính trị vào, ban Chỉ huy Tiền phương và các văn nghệ sĩ đi trước, đã chuẩn bị bữa cơm cúng giao thừa, hâm lại cho nóng để đón đoàn, chạm cốc mừng xuân mới, bữa sáng sớm mồng 1 tết Mậu Thân 68 có cả Nhà văn Nguyễn Minh Châu, Nhà thơ Xuân Sách, Nhà viết Kịch Đào Hồng Cẩm... Thật là vui...

Sau bữa ăn, Đại tá Lê Thanh-Tư lệnh trưởng Mặt trận B5 giao nhiệm vụ cho toàn đoàn: Các anh, các chị hãy chuẩn bị tinh thần suốt mùa khô bám chặt các đơn vị thuộc chiền trường đường 9- Khe Sanh, động viên bộ đội và thanh niên xung phong trước khi vào trận đánh...

Thấm thoắt đã 45 năm trôi qua, biết bao kỷ niệm trên dãy Trường Sơn, sống cùng lính chiến, nắng mưa bom đạn, có các chiến sĩ hôm trước xem đoàn diễn, còn cười hô hố, vài hôm sau nghe tin đã hy sinh, có cậu lính đồng hương gửi thư tay về cho mẹ, chưa kịp mang về, thì cậu ấy đã không còn…

Năm nay kỷ niệm 58 năm Ngày thành lập Đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị. Nhà hát Kịch Quân đội mời chúng tôi về ôn lại truyền thống xưa. Tiếc thay đội xung kích năm xưa không còn đầy đủ. Đội hình 16 người ra trận năm ấy, giờ chỉ còn lại 8 người…

Chúng tôi nói với nhau: Dẫu còn hai người thôi, hàng năm vẫn sẽ cố gặp nhau để sống lại “những năm tháng không quên”.

Đức Trung