Để tiếng chiêng Tây Nguyên mãi ngân vang giữa đại ngàn

(Dân trí) - Trong nỗ lực bảo tồn và phát triển Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên của hàng vạn đồng bào hiện nay, nghệ nhân Y Kuâo Buôn Krông và Y Hiu Niê K'dăm là 2 tấm gương điển hình.

Di sản văn hóa của các thế hệ người Tây Nguyên vô cùng phong phú, nhưng nổi bật nhất là Sử thi (tức Trường ca hoặc Anh hùng ca) và Cồng chiêng. Năm 2005, “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” của Việt Nam được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyển khẩu và Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Sự kiện trọng đại này đã đưa Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên vượt ra khỏi biên giới quốc gia, trở thành tài sản chung của nhân loại. Giá trị nổi bật của Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên chứa đựng những giá trị mang tầm kiệt tác của nhân loại, chủ nhân không ai khác là đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên.
Trình diễn cồng chiêng Tây Nguyên.

Từ cậu bé chăn trâu… trở thành nghệ nhân

Tôi tìm về buôn Kram, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin trên cao nguyên Đắk Lắk trung phần để tìm gặp nghệ nhân già Y Kuâo Buôn Krông.

Thuở nhỏ, Y Kuâo mồ côi mẹ khi mới lên 2, cha ông đi bước nữa về ở nhà vợ, cậu bé Y Kuâo lớn lên trong sự thương yêu, đùm bọc của anh chị. Không biết tiếng chiêng có sức hút thế nào nhưng hễ buôn làng mở tiệc tùng, lễ hội... thì ở đó có sự hiện diện của Y Kuâo. Ngày ngày, trên cánh đồng Ê-bung, Y Kuâo cùng với đám bạn chăn trâu xúm nhau lại thành lập một đội chiêng. Buổi tập không thầy, không người hướng dẫn, dụng cụ tập là loại chiêng tre (chiêng Kram) nhưng ai nấy đều tiến bộ vượt bậc nhờ sự đam mê. Thậm chí trong các lễ hội sau đó, người làng còn thấy Y Kuâo đứng chầu chực rót nước cho các cụ già uống, cậu bé kiên nhẫn chờ cho ai đó trong dàn chiêng mỏi tay thì nhảy vào diễn tấu thay.

Nghệ nhân Y Kuâo Buôn Krông bên chiếc chiêng cổ 
Nghệ nhân Y Kuâo Buôn Krông bên chiếc chiêng cổ 
trong ngôi nhà dài của mình.

Không biết tiếng chiêng đã ngấm vào Y Kuâo từ bao giờ, nhưng mỗi một động tác diễn tấu của cậu hòa cùng dàn chiêng được ngân lên một cách mượt mà, trầm bổng khiến bản thân cậu cũng không thể lý giải nổi. Năm đó Y Kuâo Buôn Krông mới 14 tuổi mà đã trở thành cậu bé đánh chiêng giỏi nhất buôn. Vì muốn gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc, từ năm 1996 đến nay, nghệ nhân Y Kuâo Buôn Krông đã tham gia truyền dạy và khai sinh 3 đội chiêng trẻ với 21 cháu trong buôn. Hiện nay vì lý do tuổi tác, nghệ nhân Y Kuâo không còn trực tiếp đứng lớp dạy chiêng, mà tham gia với tư cách ''cố vấn'', hướng dẫn cho người khác đứng ra tổ chức việc dạy chiêng. Bên cạnh đó, nghệ nhân còn tham gia phục hồi 7 bộ chiêng của 7 đội chiêng ở trong buôn, và đưa các đội chiêng đi phục vụ trong các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng ở xa gần. Nghệ nhân Y Kuâo được phong danh hiệu Nghệ nhân Dân gian ở lĩnh vực: ''Thực hành, truyền dạy chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc Ê đê''.

Bảo tồn văn hóa cồng chiêng là “đánh thức”… lớp trẻ

Sinh ra trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, thuở nhỏ Y Hiu Niê K'dăm (58 tuổi, buôn M'Duk, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã sớm tiếp xúc với cồng chiêng qua các nghi thức lễ hội của buôn làng. Không lâu sau khi tiếp cận cồng chiêng, bằng đôi tai thẩm âm tinh tế và tâm hồn âm nhạc tuyệt vời, Y Hiu Niê K'dăm đã sớm vận dụng thành thạo các nhịp điệu đánh chiêng như một nghệ nhân thực thụ. Thời điểm đó, đội cồng chiêng ở buôn M'Duk là nơi quy tụ những tài năng lão luyện nhất, nhưng Y Hiu Niê K'dăm mới 8 tuổi đã sở hữu vị trí chính thức trong đội chiêng này. 

Nghệ nhân Y Hiu Niê K’dăm.
Nghệ nhân Y Hiu Niê K’dăm.

Mang trong mình một ước nguyện là tiếng chiêng sẽ mãi ngân vang giữa đại ngàn, hơn 10 năm qua Y Hiu Niê K'dăm đã đi đến 40 buôn làng để truyền dạy nhịp chiêng cho lớp trẻ. Đến nay đã có hàng chục đội chiêng trẻ khắp các buôn làng ra đời. Y Hiu Niê K'dăm ước lượng đã có hơn 500 học trò được ông đào tạo thành thục kỹ năng đánh chiêng. Với những nỗ lực ấy, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian Việt Nam ở lĩnh vực ''Thực hành và truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng''.

Năm 2004, tại Liên hoan Nhạc cụ dân tộc, dân ca, dân vũ và dệt thổ cẩm tỉnh Đắk Lắk lần thứ 2, đoàn diễn chiêng của Y Hiu Niê K'dăm đã giành Huy chương Vàng. Nghệ nhân Y Hiu Niê K'dăm trăn trở, để gìn giữ được tiếng chiêng của cha ông, của đại ngàn Tây Nguyên, cần nhiều hơn nữa sự nỗ lực từ các nghệ nhân có tâm huyết, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của các ban, ngành.

Viết Hảo