Đề cử Kỷ lục thế giới cho 'Truyện Kiều'
Ngày 7/11, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cho biết, đơn vị đã hoàn tất hồ sơ đề cử Kỷ lục thế giới của Truyện Kiều: Tác phẩm văn học tạo nên nhiều kỷ lục quốc gia nhất.
Kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du gồm 3.254 câu thơ lục bát, dựa theo cốt truyện bằng chữ Hán "Kim Vân Kiều Truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân. Hơn 200 năm qua, “Truyện Kiều” đã chinh phục các thế hệ bạn đọc trong và ngoài nước.
Các nhân vật của "Truyện Kiều" đều có một sức sống mãnh liệt. Từ giới chuyên môn đến những người dân bình thường, rất nhiều người thuộc Kiều, tập Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều… Hơn 10 năm qua, đã có 26 kỷ lục Việt Nam của Truyện Kiều, liên quan đến Truyện Kiều được xác lập.
Các kỷ lục đầu tiên xác lập năm 2005: “Tác giả có nhiều sách viết về “Truyện Kiều” nhất Việt Nam” - Kỷ lục gia, nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế; “Kim Vân Kiều Tân Truyện - Cuốn sách dài nhất Việt Nam” thuộc về Kỷ lục gia Ngô Trần Hải An; “Quyển “Truyện Kiều” viết bằng thư pháp nặng nhất” thuộc về Kỷ lục gia, nhà thư pháp Nguyệt Đình.
5 kỷ lục Việt Nam mới nhất được công bố xác lập ngày 7/11/2015: Truyện Kiều - Thi phẩm đã đưa tác giả lên hàng Danh nhân Văn hoá Thế giới; Tác phẩm tạo ra nhiều câu đố nhất; Quyển truyện thơ duy nhất không viết ra để bói mà được nhân dân dùng để bói, tạo nên hiện tượng Bói Kiều; Quyển sách tạo ra hiện tượng độc đáo “Vịnh Kiều”; Quyển sách tạo ra hiện tượng độc đáo “Lẩy Kiều”.
Tượng đài thi hào Nguyễn Du tại tỉnh Hà Tĩnh.
18 kỷ lục Việt Nam khác đã được xác lập qua các năm gồm: Vở cải lương “Kim Vân Kiều - Hội ngộ tài năng” có thiết kế sân khấu lớn nhất; Dàn nhạc trong một vở cải lương (Kim Vân Kiều - Hội ngộ tài năng) có nhiều nhạc công nổi tiếng nhất;
Đạo diễn lần đầu tiên sáng tạo kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật vào trong một vở cải lương (Kim Vân Kiều – Hội ngộ tài năng) có đội ngũ diễn viên tham gia đông nhất - Kỷ lục gia, đạo diễn Hoa Hạ; “Kim Vân Kiều – Hội ngộ tài năng”- Vở cải lương có phục trang nhiều nhất thiết kế cho từng nhân; “Kim Vân Kiều” - Vở cải lương đầu tiên có giá trị đầu tư cao nhất; “Kim Vân Kiều” - Vở cải lương tập trung nghệ sĩ diễn xuất nhiều nhất;
Người viết “Truyện Kiều” trên đá cuội đầu tiên ở Việt Nam - Kỷ lục gia Nguyễn Văn Tân; Bản hợp xướng viết dựa theo “Truyện Kiều” dài nhất; Bộ bình phong 6 tấm về “Truyện Kiều” chạm khắc gỗ nghệ thuật;
Người vẽ tranh lụa về “Truyện Kiều” đầy đủ và nhiều tranh nhất - Hoạ sĩ Ngọc Mai; “Truyện Kiều” - Thi phẩm duy nhất chắp nhặt những câu thơ thành nhiều bài thơ mới – tạo nên hiện tượng Tập Kiều; “Truyện Kiều” - Thi phẩm có nhiều người viết phần tiếp theo nhất;
“Truyện Kiều” - Thi phẩm duy nhất đọc ngược từ cuối lên đầu về cuộc đời nàng Kiều theo chiều thời gian ngược; “Truyện Kiều” - Thi phẩm dài có nhiều bản dịch nhất ra cùng một ngoại ngữ; “Truyện Kiều” - Thi phẩm duy nhất tạo ra loại hình văn hoá Kiều; "Kiều Nương cửa Phật" - Bài thơ có nhiều cách đọc nhất;
Tác giả nghiên cứu có sách viết về văn hoá Kiều nhiều nhất - Nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế (xác lập năm 2013); Tác giả nghiên cứu có sách viết về “Truyện Kiều” nhiều nhất Việt Nam (Kỷ lục xác lập năm 2015, phá kỷ lục Việt Nam năm 2013).
Theo Hoa Nguyễn
Công An Nhân Dân