Dấu xưa phai nhạt ở "ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam"

(Dân trí) – Làng cổ Đông Sơn được liệt vào danh sách 10 ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam, nơi lưu lại dấu ấn của một nền văn minh huy hoàng của dân tộc, đó là nền văn minh Đông Sơn.

Ngôi làng huyền thoại
 
Làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hoá là một ngôi làng nhỏ nằm bên bờ con sông Mã huyền thoại, cạnh cây cầu Hàm Rồng lịch sử, dựa mình vào chân núi Cánh Tiên. Ngôi làng nằm giữa một thung lũng nhỏ, phía trước có cánh đồng rộng màu mỡ, có bến sông tấp nập trên bến dưới thuyền, ba phía của làng được bao bọc bởi những quả đồi đất, núi đá xen kẽ nhau.
Một góc làng cổ Đông Sơn
Một góc làng cổ Đông Sơn

Tại đây, năm 1924 một người nông dân trong lúc đi câu cá bên bờ sông Mã đã lấy được nhiều đồ bằng đồng nơi bờ sông bị sạt lở. Sau đó, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những di vật bằng đồng này có niên đại khoảng 2.500 năm. Khác với những ngôi làng nổi tiếng khác ở nước ta như Đường Lâm, Phước Tích, Mai Xá… ở làng cổ Đông Sơn còn hội đủ 5 yếu tố về khảo cổ, danh thắng, lịch sử văn hóa, cách mạng kháng chiến và kiến trúc.

Trải qua bao biến cố của lịch sử và sự vùi dập của chiến tranh, những gì còn sót lại của ngôi làng này đang từng ngày bị bào mòn, hư hại. Vẫn còn đó những con đường nhỏ lát gạch chỉ đỏ tỏa ra các nhánh ngõ dẫn vào mỗi hộ dân trong làng, nhưng những nếp nhà xưa đã không còn nguyên vẹn hoặc đang xuống cấp trầm trọng. Trong làng chỉ còn 13 ngôi nhà gỗ trên dưới 100 năm tuổi được xem là một phần của hồn làng, nằm lẻ loi giữa những ngôi nhà cao tầng, những ngôi nhà bê tông cốt thép.

Thế nhưng có một thực tế phũ phàng là, 13 ngôi nhà cổ trên đã không còn nguyên vẹn, trong số đó có nhiều ngôi nhà đã biến mất, số còn lại có số phận rất mong manh. Có đến đây mới thấy xót, thấy tiếc cho một nền văn minh huy hoàng, một ngôi nhà cổ từng vang danh thế giới giờ đang bị bào mòn từng ngày, có ngôi nhà được làm mới toe, nhiều người giật mình không giám tin trước đây nó từng là… nhà cổ.

Sống vật vờ trong nhà cổ
 
Có lẽ ở cái làng cổ này, chắc chỉ còn duy nhất nhà của ông Lương Trọng Duệ là còn tương đối nguyên vẹn. Ngôi nhà 5 gian có tuổi đời khoảng 200 năm, nó được gia đình ông Duệ gìn giữ qua nhiều đời con cháu. Thế nhưng đến năm 2011 ngôi nhà này bị xuống cấp khá nghiêm trọng (mặc dù trước đó nó đã được UBND tỉnh Thanh Hoá cấp bằng công nhận nhà cổ vào năm 2006 và dự trù kinh phí để sửa chữa nhưng chẳng thấy đâu), chính vì thế gia đình ông Duệ đã đứng ra tự “cứu” nhà cổ bằng cách sửa chửa, cải tạo lại ngôi nhà theo bộ khung cũ. Đã có nhiều bộ phận của ngôi nhà bị mục rỗng, hư hại đã được gia đình ông thay mới, nhưng ngôi nhà vẫn giữ được nét cổ xưa.
 
Ngôi nhà gần 200 năm tuổi của gia đình cụ Duệ còn tương đối nguyên vẹn ở làng cổ Đông Sơn
Ngôi nhà gần 200 năm tuổi của gia đình cụ Duệ còn tương đối nguyên vẹn ở làng cổ Đông Sơn
 
Cũng sống trong ngôi nhà cổ ngót 100 năm tuổi, thế nhưng ngôi nhà của cụ Tuấn đã xuống cấp rất nghiêm trọng, rất nhiều các hạng mục như cột, kèo, các bức điêu khắc, chạm trổ tinh xảo… đã bị mối mọt, rỗng ruột, ngôi nhà cũng đã bị siêu vẹo từ những năm tháng chiến tranh. Thế nhưng thương tiếc ngôi nhà cha ông để lại, vợ chồng ông cũng không nỡ phá bỏ nó đi mà chỉ sửa chữa, khắc phục lại những chỗ bị hư hỏng nặng.
 
Những nét hoa văn, chạm trổ tinh xảo của ngôi nhà cụ Duệ
Những nét hoa văn, chạm trổ tinh xảo của ngôi nhà cụ Duệ
 
Cụ Tuấn nói chua xót “Ngồi trong nhà cổ mà run, chỉ sợ giống gió ngôi nhà đổ sụp xuống lúc nào không biết. Trời mưa to nước dột lênh láng khắp nhà, 2 ông bà già chúng tôi phải căng một tấm bạt cho mưa đỡ dột xuống giường ngủ. Ở trong nhà cổ mà khổ thế thì ở làm gì, ai cũng bảo phải giữ gìn mà có thấy kiểm tra, tu sửa gì đâu”.
 
Ngôi nhà gần 100 năm tuổi của cụ Tuấn, xuống cấp đang bị mối, mọt gậm nhấm từng ngày
Ngôi nhà gần 100 năm tuổi của cụ Tuấn, xuống cấp đang bị mối, mọt gậm nhấm từng ngày

Không chỉ có nhà cụ Tuấn, mà hầu hết 13 ngôi nhà cổ còn sót lại ở đây, đều đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, hầu hết những ngôi nhà này chủ nhân của nó là những hộ gia đình khó khăn, không có điều kiện để tu sửa bảo vệ, thậm chí có người còn phải nhượng lại cho một người khác trong xã có điều kiện hơn để ngôi nhà không bị xoá sổ, đó là trường hợp ngôi nhà của bà Lương Thị Lời.

Trong kế hoạch phát triển của thành phố Thanh Hoá, làng cổ Đông Sơn cũng được đưa vào danh mục cần sớm trùng tu tôn tạo, để phát huy giá trị, tạo điểm nhấn cho khu di tích lịch sử Hàm Rồng. Thế nhưng để có được vốn trùng tu tôn tạo thì không biết đến bao giờ. Vì thế làng cổ Đông Sơn đang đứng truớc nguy cơ trong tương lai chỉ được nhắc đến như một ký ức.
 
Nguyễn Thuỳ