Ngày Di sản Văn hóa VN:
Đau xót khi nhìn trang phục dân tộc may bằng vải Trung Quốc
(Dân trí) - Thực tế không ít các dân tộc thiểu số Việt Nam đã và đang sử dụng vải Trung Quốc để may những bộ trang phục đặc trưng của dân tộc mình, thay cho thổ cẩm. Bàn về vấn đề bảo tồn trang phục dân tộc nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.
Nằm trong chuỗi các hoạt động kỉ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam và tuần lễ: “Đại đoàn kết các dân tộc- Di sản Văn hóa Việt Nam” do Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, hội thảo với nội dung: “Giải pháp để bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay” đã được tổ chức sáng ngày 22/11 tại Làng văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
Thực trạng ngày nay trang phục các dân tộc đặc biệt là các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đang dần bị “tây hóa”, “lai căng” và trở nên kệch cỡm. Điều này gióng lên hồi chuông báo động không chỉ đối với bản thân các đồng bào dân tộc thiểu số mà với toàn xã hội về nét đẹp văn hóa đang dần bị mất đi. Có mặt tại buổi hội thảo, nhiều vấn đề được đưa ra “mổ xẻ”, tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Người dân làm ra chất liệu dân tộc với giá công rẻ mạt
“Trang phục các dân tộc ngày nay được may hầu hết bằng loại vải rẻ tiền của Trung Quốc” đây là một thực tế không khó để nhận ra. Lí giải về điều này, PGS.TS Đoàn Thị Tình cho hay: “Hầu hết để may được một bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình thì bà con phải mất rất nhiều thời gian, hơn nữa kinh phí không hề nhỏ nên mọi người thường chọn cách mua sẵn vải để may. Trước đây bà con vẫn tự sản xuất những chất liệu như thổ cẩm hay vải lanh, tuy nhiên không có đầu ra với giá hợp lí nên dần dần mọi người bỏ không làm nữa”.
Đồng tình với điều này, chị Vàng Thị Mai (người dân tộc Mông) đến từ Hà Giang so sánh: “Người dân tộc làm ra chất liệu vải truyền thống mong bán được giá để đảm bảo cuộc sống nhưng sự thật không như thế cũng giống như nuôi một đứa con mà mãi không lớn nên tự người dân bỏ dần nghề”.
Thực trạng này không chỉ diễn ra ở các thôn bản, nơi các đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống mà ngay giữa lòng thủ đô, đơn cử như NTK áo dài Lan Hương lấy ví dụ: “Với làng nghề lụa Vạn Phúc, ngày nay khó mà tìm được lụa do chính người dân nơi đây làm ra mà chủ yếu là hàng hóa lấy từ Trung Quốc về bán”.
Trang phục truyền thống chưa được “sống” trong môi trường văn hóa phù hợp
Khi được hỏi các học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số về việc mặc trang phục của dân tộc mình, hầu hết đều nhận được câu trả lời của các em: “Rất ngại khi mặc nó vì sợ con mắt hiếu kì của mọi người xung quanh”. Tuy nhiên những ý kiến trong cuộc thảo luận đã chỉ ra rằng nguyên nhân là do người đồng bào chưa có một môi trường văn hóa phù hợp để họ trưng diện những bộ trang phục của dân tộc mình.
Vấn đề này đòi hỏi Sở VHTTDL các tỉnh phải có sự chỉ đạo, hướng dẫn, tạo các “sân chơi” bằng việc phục dựng lại các lễ hội truyền thống của dân tộc đó để người dân bản địa có dịp khoe những bộ trang phục của dân tộc mình. Bên cạnh đó việc thành lập các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật ở các địa phương cũng là một cách làm hay để người dân hiểu hơn về nét đẹp của dân tộc mình qua trang phục.
Trang phục dân tộc quá rườm rà, không phù hợp với sinh hoạt ngày nay.
Hầu hết các bộ trang phục của các dân tộc đều rất công phu, nhiều họa tiết, cầu kì từ việc may, vá đến khi mặc. Đây cũng là một trong các lí do mọi người “từ chối” với chính trang phục của dân tộc mình. Góp ý kiến trong cuộc hội thảo PGS.TS. Đoàn Thị Tình mạnh dạn đề xuất phương án: “Cải biên trang phục dân tộc để phù hợp hơn” đặc biệt là với đối tượng dân công sở đi làm. Tuy nhiên việc “cải biên” phải vừa tạo tính gọn nhẹ, dễ dàng, thuận tiện cho người mặc nhưng vẫn phải giữ được nét đặc trưng của dân tộc đó.
Bên cạnh đó những vấn đề như: “Người dân đồng bào các dân tộc thiểu số không biết dệt vải; Người giỏi nghề lại không được công nhận chính thức là nghệ nhân nên việc truyền dạy không đến nơi đến chốn. Trang phục của người dân tộc chưa có nhiều cơ hội để giới thiệu, quảng bá đến mọi người…” cũng là những vấn đề “nóng” được thảo luận quan tâm.
Phát biểu tại cuộc thảo luận, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn mong muốn trong thời gian tới vấn đề “bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số” sẽ được các cấp, các ngành và bà con đặc biệt quan tâm hơn nữa để đạt được hiệu quả. Thứ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số bởi nó chính là sản phẩm văn hóa các dân tộc.
Đặc biệt trong cuộc thảo luận, việc trình diễn trang phục của 54 dân tộc anh em tạo điểm nhấn đặc biệt để mọi người một lần nữa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của từng dân tộc qua những bộ áo váy đặc chưng.
Cùng xem một số hình ảnh của các trang phục dân tộc: