Đầu năm kể chuyện người viết Giao hưởng Thơ Kiều

(Dân trí) - Cuối năm 2014, khi sang Varsava - thủ đô Ba Lan tôi may mắn được gặp nhạc sỹ Đặng Hồng Anh. Trong cái rét đêm cuối năm của châu Âu, người phụ nữ Hà nội lớn lên ở cái phố Tô Tịch sát nách Hồ Gươm chậm rãi kể chuyện.

Biết tôi yêu nhạc và đã từng làm việc ở báo điện tử Vietnamnet - nơi tổ chức buổi hoà nhạc Điều còn mãi vào dịp 2/9 hàng năm, chị muốn thăm dò xem trong năm 2015 là năm đất nước chúng ta có nhiều ngày kỷ niệm lớn, cũng là năm kỷ niệm 250 năm Nguyễn Du, vậy có cơ hội nào cho đứa con tinh thần của chị đã từng thai nghén hàng chục năm nay được ra mắt công chúng ngay trên quê hương chị?

 

Nhạc sỹ Đặng Hồng Anh - người phụ nữ Hà Nội lớn lên ở phố Tô Tịch ngay sát Hồ Gươm.
Nhạc sỹ Đặng Hồng Anh - người phụ nữ Hà Nội lớn lên ở phố Tô Tịch ngay sát Hồ Gươm.

 

Trong cái rét đêm cuối năm của châu Âu, người phụ nữ Hà Nội lớn lên ở cái phố Tô Tịch sát nách Hồ Gươm chậm rãi kể: “Từ nhỏ tôi đã rất yêu Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Mỗi khi đọc Truyện Kiều, tôi đều cảm thấy rất hạnh phúc khi được tiếp xúc với thế giới tuyệt đẹp của thi ca, của ngôn ngữ tao nhã, tinh tế thấm đẫm tính nhân văn cao quý.

Khi đang học đại học năm thứ 5 khoa Sáng tác tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Liên bang Nga mang tên Gnesin tại Moskva, tôi và tất cả các bạn sinh viên cùng khóa đều phải viết một bản nhạc cho dàn nhạc giao hưởng trong chương trình tốt nghiệp. Vì yêu Truyện Kiều từ nhỏ nên tôi đã quyết định viết Giao hưởng thơ dựa theo kiệt tác này.

Và gần đây, sau bao năm gắn bó với âm nhạc, với cuộc đời ngay trên quê hương Chopin này từ những ý tưởng của thời sinh viên nhưng hầu như tôi đã viết lại toàn bộ bản nhạc. Cái đẹp của Truyện Kiều là nguồn cảm hứng đã theo tôi suốt trong quá trình sáng tác”.

Cùng với chữ tài chữ mệnh, còn có chữ tâm và chữ TÌNH

 

 

Giao hưởng thơ Kiều là thế giới cảm xúc và suy ngẫm của Đặng Hồng Anh về kiệt tác của Nguyễn Du được kể lại câu chuyện bằng ngôn ngữ âm nhạc
Giao hưởng thơ Kiều là thế giới cảm xúc và suy ngẫm của Đặng Hồng Anh về kiệt tác của Nguyễn Du được kể lại câu chuyện bằng ngôn ngữ âm nhạc

 

Truyện Kiều, Nguyễn Du đã đem thuyết "tài mệnh tương đố" (tài và mệnh ghét nhau) làm luận đề. Nhưng bên cạnh chữ tài, chữ mệnh và chữ tâm thường được xem là những từ then chốt diễn đạt chủ đề, Truyện Kiều còn có một chữ tình: đó là mối tình “người quốc sắc kẻ thiên tài”, một “khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”.

Tình yêu Kim Trọng - Thúy Kiều thủy chung, mãnh liệt vượt thời gian làm tôi nhớ tới những mối tình lớn trong văn học phương Tây như Romeo - Juliet hay Tristan - Izolde. Mối tình tuyệt đẹp nhưng đầy trắc trở cùng số phận bi kịch của Thúy Kiều được đan kết tài tình với triết lí tài - mệnh tương đố.

Bởi vậy, có thể nói Giao hưởng thơ Kiều là thế giới cảm xúc và suy ngẫm của Đặng Hồng Anh về kiệt tác của Nguyễn Du được kể lại câu chuyện bằng ngôn ngữ âm nhạc và xây dựng bản giao hưởng thơ bằng thủ pháp phát triển các chủ đề và mô típ âm nhạc.

Tất nhiên những người ít sành về âm nhạc chúng tôi phải đươc anh em gợi mở mới khám phá hết cái uyên thâm của dòng nhạc bác học này .

Bản giao hưởng thơ mở đầu với chủ đề mang tính sử thi “Dòng trôi thời gian trong trăm năm cõi người” của bè violoncelle và contrebasse. Mô típ chủ đạo của cả tác phẩm “Nỗi đau cho chữ tài mệnh tương đố” lần lượt xuất hiện ở bè violon I, alto và phát triển dần đi đến cao trào của phần mở đầu (introduction) với mô típ chủ đạo thứ hai đầy kịch tính “Định mệnh”.

Khi những âm thanh báo hiệu bi kịch lắng dần, tiếng du dương của flute và violon solo trên nền hợp âm rải của harpe đưa ta vào thế giới tao nhã tuyệt diệu của tài năng, thi ca và sắc đẹp. Xen lẫn với chủ đề âm nhạc Kiều là tiếng kèn cor tha thiết trữ tình biểu hiện “Tình yêu Kim Trọng dành cho Kiều”.

Sau “Tiếng thở than đau xót về cuộc đời bạc mệnh” trong giai điệu đau buồn, ngậm ngùi (cor anglais) bỗng vang lên âm hưởng hùng dũng của bộ kèn đồng. Tiếng kèn trompette hiên ngang hòa nhịp trống trận mạnh mẽ là chủ đề âm nhạc của Từ Hải, người anh hùng trí dũng phi thường đã ra tay cứu Kiều thoát khỏi quãng đời đầy xót thương và giúp nàng báo ân trả oán.

Hai mô típ chủ đạo phát triển đan xen kẽ cùng chủ đề Kiều và Từ Hải đưa bi kịch định mệnh lên đến cao trào của cả tác phẩm. Đó là lúc Kiều quyết định nhảy xuống sông Tiền Đường để kết thúc kiếp đoạn trường sau cái chết bi thảm của Từ Hải.

Từ ngày Kiều gặp nạn, Kim Trọng đã thủy chung kiên định đi tìm người yêu với nỗi nhớ thương khắc khoải (chủ đề “Tình yêu Kim Trọng dành cho Kiều” trong tiếng kèn cor con sordino). Và sau mười lăm năm cách trở, đôi tri kỉ tình nhân đã gặp lại nhau trong âm hưởng tràn đầy hạnh phúc của harpe - nhạc cụ thể hiện tiếng đàn Thúy Kiều.

Chủ đề “Tình yêu” của Kim Trọng đưa tác phẩm đi đến phần kết (coda) trong tiếng flute trầm bổng xen lẫn giai điệu tha thiết trên âm vực cao của violon solo, hòa với những giọt âm thanh trong vắt của harpe, celesta, vibraphone vàtriangle. Giao hưởng thơ Kiều lặng dần trong âm hưởng bình yên hạnh phúc của bè dây với chủ đề “Dòng trôi thời gian trong trăm năm cõi người”.

 

“Tôi cảm thấy tràn ngập một niềm hạnh phúc lớn lao khi được nghe bản nhạc Kiều của mình đã vang lên trong Nhà hát Lớn Hà Nội đúng vào năm 2015 khi Việt Nam và thế giới long trọng kỉ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, nhạc sỹ Đặng Hồng Anh chia sẻ.
“Tôi cảm thấy tràn ngập một niềm hạnh phúc lớn lao khi được nghe bản nhạc Kiều của mình đã vang lên trong Nhà hát Lớn Hà Nội đúng vào năm 2015 khi Việt Nam và thế giới long trọng kỉ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du", nhạc sỹ Đặng Hồng Anh chia sẻ.

 

Áp dụng lý thuyết hoà thanh châu Âu vào NGŨ CUNG để tạo ra nhiều màu sắc âm hưởng

Được tiếp cận với tác phẩm của Đăng Hồng Anh, trong khi vừa dự những hoạt động âm nhạc Chopin ngay ở Ba Lan thấm đẫm những giai điệu châu Âu cổ điển, tôi hỏi chị cái khó khi viết một tác phẩm nặng tình quê hương như vậy? Chị cho biết: “Khi tôi quyết định lấy chủ đề Truyện Kiều để viết giao hưởng, câu hỏi rất khó đã được đặt ra là phải chọn những thủ pháp sáng tác nào để thể hiện được tinh thần văn hóa và triết học phương Đông trong kiệt tác của Đại thi hào Nguyễn Du.

Tuy không sử dụng chất liệu dân ca nhưng tôi đã sáng tác các giai điệu và hòa thanh dựa trên gam ngũ cung - gam đặc trưng cho âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Và nếu chọn mô típ chủ đạo dựa trên gam ngũ cung, tôi phải tự tìm ra hệ thống hòa thanh thích hợp với gam đó. Hòa thanh trong âm nhạc phương Tây phức tạp và rất tinh tế, tôi luôn phải cố gắng áp dụng lý thuyết hòa thanh châu Âu vào ngũ cung để tạo ra nhiều màu sắc âm hưởng phong phú và đa dạng.

Trong nhiều phần của bản nhạc tôi đã sử dụng kĩ thuật đa giọng: các nhóm bè của dàn nhạc cùng một lúc chơi ở các gam ngũ cung khác nhau”.

Bên cạnh thủ pháp phát triển các chủ đề và mô típ âm nhạc, kĩ thuật phức điệu đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng cấu trúc bản giao hưởng thơ.

Giao hưởng Thơ Kiều đã vang lên giữa lòng Hà Nôi đúng năm kỷ niêm 250 năm Nguyễn Du

Thât vinh dự cho tấm lòng của một người Việt luôn hướng về Tổ quốc, khi Giao hưởng thơ Kiều được chọn trình diễn trong hai đêm nhạc hữu nghị Việt Nam - Na Uy vào ngày 17&18/04/2015 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Bên cạnh những kiệt tác như Giao hưởng cổ điển giọng rê trưởng của S. Prokofiev, Concerto cho violon và dàn nhạc giọng mi thứ của F. Mendelssohn và các bài hát của E. Grieg, Giao hưởng thơ Kiều do Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam trình diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Maestro Thomas Rimul người Na Uy đã khép lại chương trình hai đêm nhạc giao hưởng. Và một vinh dự rất lớn là bà Thủ tướng Na Uy đã đến dự đêm hòa nhạc vào ngày 17/04/2015 trong chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Khi bước lên sân khấu để cảm ơn Maestro Thomas Rimul, các nghệ sĩ của dàn nhạc giao hưởng và cúi chào khán giả, nhạc sĩ Đặng Hồng Anh không giấu nổi xúc động, chị trả lời báo chí ngay tại trước thềm nhà hát: “Tôi cảm thấy tràn ngập một niềm hạnh phúc lớn lao khi được nghe bản nhạc Kiều của mình đã vang lên trong Nhà hát Lớn Hà Nội đúng vào năm 2015 khi Việt Nam và thế giới long trọng kỉ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du.

Bên cạnh niềm hạnh phúc là lòng biết ơn sâu sắc đối với các thầy cô đã dạy dỗ tôi, hai giáo sư người Nga ôngA.L. Larin và A.I. Golovin, ông Geir Johnson, Quỹ Transposition của Na Uy và Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam đã đồng tổ chức hai đêm diễn.

Và ở trên sân khấu tôi còn cảm thấy một cảm xúc luôn tràn ngập trong tôi: đó là tình yêu và lòng biết ơn vô hạn đối với bố mẹ tôi”

Nguyễn Lương Phán