"Đào, phở và piano" thu 20,8 tỷ đồng, hòa vốn sau gần 3 tháng công chiếu
(Dân trí) - "Đào, phở và piano" - Bộ phim sử dụng ngân sách Nhà nước gây sốt thời gian qua - thu về gần 21 tỷ đồng và hòa vốn sau gần 3 tháng công chiếu.
Đây là thông tin được bà Lý Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh - đưa ra tại Hội nghị giao ban với Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương quý I.
Hội nghị được tổ chức mới đây tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL).
Trao đổi cụ thể hơn với phóng viên Dân trí, bà Lý Phương Dung cho biết, Đào, phở và piano thu về 20,8 tỉ đồng (tính đến ngày 11/3) và hòa vốn sau gần 3 tháng công chiếu.
Đến tháng 3, phim đã được 17 nhà phát hành, cụm rạp và Trung tâm Văn hóa Điện ảnh một số tỉnh/thành tham gia phát hành, phát phổ biến phim trên phạm vi cả nước.
Thực chất, nếu tính theo giá thị trường, cụ thể là tỷ lệ ăn chia giữa nhà sản xuất và nhà phát hành, bộ phim Đào, phở và piano phải thu được 50 tỷ đồng mới hòa vốn.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông lý giải, phim Đào, phở và piano hòa vốn là do các đơn vị phát hành phim tư nhân đã đồng ý phát hành phim tại rạp của họ và hoàn toàn bộ doanh thu tiền vé về ngân sách Nhà nước.
Liên quan đến việc sản xuất, phổ biến các phim sử dụng ngân sách Nhà nước, chia sẻ tại Hội nghị, bà Lý Phương Dung cho biết, các quy định của Luật Điện ảnh và các văn bản dưới luật đã đề cập khá đầy đủ, rõ ràng vấn đề này.
Tuy nhiên, việc này còn nhiều bất cập. Theo đó, ngân sách sản xuất một bộ phim được xây dựng trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật quy định tại Quyết định số 2484 của Bộ VH-TT&DL ngày 21/9/2021.
Trong đó, đơn giá đặt hàng sản xuất phim truyện điện ảnh bao gồm các chi phí trực tiếp sản xuất và 100 triệu đồng chi phí quảng bá, tổ chức một buổi ra mắt phim.
"Giá thành sản xuất các phim sử dụng ngân sách Nhà nước không theo kịp giá thị trường. Các phim điện ảnh có chi phí sản xuất và quảng bá rất lớn. Trong khi ngân sách Nhà nước khá nhỏ và không có chi phí quảng bá riêng", bà Phương Dung nêu.
Cụ thể, ngân sách chi 500 triệu đồng dành cho việc in các bản phim, các tài liệu tuyên truyền phục vụ các tuần phim, ngày lễ lớn, làm phụ đề và in bản phim, tài liệu tuyên truyền phục vụ công tác giới thiệu phim Việt Nam ra nước ngoài. Khoản ngân sách này không dành cho việc quảng bá một tác phẩm.
Trước những khó khăn liên quan đến việc sản xuất, phổ biến các phim sử dụng ngân sách Nhà nước, đại diện Cục Điện ảnh đề xuất Bộ VH-TT&DL chỉ đạo các cơ quan tham mưu, quản lý tiếp tục nghiên cứu xây dựng các chính sách, cơ chế để tạo hành lang pháp lý chắc chắn, không chồng chéo, hoặc mâu thuẫn với các quy định đã được ban hành.
Lãnh đạo Cục Điện ảnh đề xuất rà soát các quy định có liên quan để điều chỉnh hoặc phối hợp với các Bộ, ngành khác kiến nghị điều chỉnh để đảm bảo hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thống nhất về quan điểm, chủ trương và thuận lợi khi áp dụng.
Cần bổ sung quy định để có cơ sở thực hiện nhiệm vụ kết hợp sản xuất phim từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa, nhiệm vụ phát hành, phổ biến phim nói chung, trong đó chú trọng phát hành, phổ biến phim có sử dụng ngân sách nhà nước (bao gồm cả sản xuất phim kết hợp nguồn xã hội hóa và nguồn ngân sách Nhà nước).
Bà Phương Dung đề xuất Bộ VH-TT&DL có quy định nguồn ngân sách cấp cho công tác quảng bá, phát hành, phổ biến phim có sử dụng ngân sách Nhà nước.
Trước đó, trả lời phỏng vấn của phóng viên Dân trí, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tạ Quang Đông cho biết, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia và một số Đài Truyền hình, Đài Phát thanh - Truyền hình trên toàn quốc.
"Sau thời gian phát hành, phổ biến thí điểm này, Bộ VH-TT&DL sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về phổ biến, phát hành phim sử dụng ngân sách Nhà nước.
Hướng tới thực hiện hài hòa các mục tiêu phục vụ nhiệm vụ chính trị; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở điện ảnh phổ biến phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng, phù hợp với xu hướng phát triển điện ảnh và thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành" , Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL nói.
Đào, phở và piano và Hồng Hà nữ sĩ là hai phim Nhà nước nằm trong kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước do Bộ VH-TT&DL ban hành.
Hai phim cùng ra rạp ngày 10/2 (tức mùng 1 Tết Nguyên đán) tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia - đơn vị chiếu phim trực thuộc Bộ, song nhờ hiệu ứng mạng xã hội, Đào, phở và piano nhanh chóng "gây sốt" và đến với các cụm rạp thương mại trên cả nước.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL từng chia sẻ với phóng viên Dân trí rằng, đây là tín hiệu đáng mừng với điện ảnh nước nhà nói chung và phim Nhà nước đặt hàng nói riêng, bởi dòng phim về đề tài lịch sử vốn khó làm và kén người xem.