Đạo diễn Roman Polanski cưỡng hiếp cô bé 13 tuổi: Vụ án kéo dài nửa thế kỷ
(Dân trí) - Việc xét xử đạo diễn Polanski vì hành vi cưỡng hiếp cô bé 13 tuổi đã kéo dài gần nửa thế kỷ mà chưa thể kết thúc, có lẽ cho tới hết đời, ông Polanski vẫn là một tội phạm trốn chạy bản án.
Nhìn lại vụ án đạo diễn Roman Polanski cưỡng hiếp cô bé 13 tuổi
Năm 1977, đạo diễn Roman Polanski khi ấy 43 tuổi bị buộc tội cưỡng hiếp bé gái Samantha Geimer 13 tuổi sau khi thực hiện một số bức ảnh cho cô bé này.
Khi đó, Polanski đã mời Geimer tới chụp ảnh tại căn hộ của nam diễn viên Jack Nicholson, sau khi nói với mẹ của cô bé rằng ông đang làm việc cho tờ tạp chí thời trang Vogue của Pháp. Khi đó, Geimer đang là một người mẫu không chuyên.
Nạn nhân của vụ việc - Samantha Geimer (hiện 58 tuổi) từng cho ra mắt cuốn tự truyện "The Girl: A Life in the Shadow of Roman Polanski" (Cô gái ấy: Một cuộc đời bị phủ bóng đen bởi Roman Polanski) hồi năm 2013. Trong đó, bà Geimer kể lại sự việc, rằng bà đã bị chuốc rượu và thuốc trước khi Polanski thực hiện hành vi đồi bại.
Khi bị gia đình Geimer tố cáo, Polanski đã thừa nhận tội trạng và chủ động dàn xếp với gia đình nạn nhân để được hưởng sự khoan hồng trước pháp luật. Nhưng ngay trước khi tòa tuyên án, Polanski liền bỏ trốn khỏi nước Mỹ và tới Pháp sinh sống kể từ đó.
Sau này, ông Polanski không quay trở lại nước Mỹ để tránh bản án vẫn đang chờ đợi mình, đồng thời, ông cũng không đi qua những nước có ký kết hiệp ước dẫn độ tội phạm với Mỹ.
Đối với Samantha Geimer, vụ việc đã đeo đuổi và gây ám ảnh suốt cuộc đời bà...
Polanski từng cho biết rằng trong sự nghiệp làm phim của mình, ông rất muốn được đi đến nhiều quốc gia để thực hiện các bối cảnh quay khác nhau, nhưng vì luôn phải đối mặt với lệnh dẫn độ về Mỹ nên ông rất lo ngại và không dám thực hiện.
Bản thân ông Polanski cũng đã từng đệ đơn xin tòa án tại Mỹ khép lại vụ án "dang dở" năm xưa, để ông từ nay có thể đi lại giữa các quốc gia, nhưng đơn của ông bị bác bỏ và có lẽ cho tới hết đời, ông Polanski vẫn ở vào vị thế của một tội phạm trốn chạy bản án dành cho mình.
Nỗi đau của nạn nhân và người thân
Hồi năm 2018, bà Geimer từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với tờ tin tức Indie Wire (Mỹ) rằng đạo diễn Polanski từng viết một lá thư tay cho bà khi email còn chưa phổ biến, trong đó ông viết: "Tôi xin lỗi, tất cả lỗi là của tôi, không phải của mẹ cháu, tôi xin lỗi vì tất cả những gì cháu đã phải trải qua".
Nói về hành động của Polanski, bà Geimer cho biết: "Tôi không nghĩ tôi cần lời xin lỗi đó, nhưng khi ông ấy gửi tới tôi lời xin lỗi đó, tôi thấy nó tạo nên sự khác biệt trong cảm nhận của mẹ tôi. Về sau này, chi tiết về lá thư cũng đưa lại cảm nhận khác biệt cho chồng tôi, cho các con tôi. Đặc biệt, mẹ tôi cảm thấy nhẹ lòng đi phần nào sau khi lá thư được gửi tới.
Lời xin lỗi ấy thực sự có ý nghĩa đối với những người quan tâm và yêu thương tôi. Cảm nhận của họ lại rất có ý nghĩa đối với tôi. Bất cứ điều gì giúp mẹ tôi cảm thấy nhẹ lòng hơn đều khiến tôi cảm thấy ý nghĩa".
Thực tế, giữa ông Polanski và bà Geimer có một chút liên hệ trong những năm tháng về sau này. Đôi khi, có một sự việc nào đó xảy ra, chẳng hạn người ta thực hiện một bộ phim tài liệu về sự việc năm xưa, ông Polanski lại viết email xin lỗi bà Geimer.
Sự khờ khạo của người mẹ "trao trứng cho ác"
Khi được hỏi rằng bà Geimer có trách cứ mẹ của mình vì đã nhận lời với đạo diễn Polanski để ông chụp ảnh con gái mình không, bà Geimer cho hay: "Danh tiếng có vẻ đẹp và sức hấp dẫn của nó. Tôi vẫn nghĩ về những đứa trẻ ngủ lại nhà Michael Jackson và những lời cáo buộc xảy ra sau đó, tôi nghĩ về cha mẹ của những đứa trẻ.
Họ có phải những người lớn xấu xa và ngốc nghếch không? Không đâu. Nhưng họ có phần khờ khạo, họ cứ nghĩ rằng danh tiếng là một thứ đảm bảo về tư cách của một con người".
Khi Geimer kể lại mọi việc cho mẹ mình sau buổi chụp hình định mệnh, mẹ của bà đã ngay lập tức gọi điện cho cảnh sát, khi ấy, bà Geimer từng cảm thấy rất khổ sở khi mọi người biết về chuyện của mình và đã không ngừng tự trách bản thân:
"Tôi cảm thấy mình thật ngu ngốc. Tại sao tôi không dừng tất cả những chuyện ấy lại? Tại sao tôi lại uống rượu? Tại sao tôi lại nuốt viên thuốc đó? Có chuyện gì sai lầm xảy ra với tôi thế? Hãy xem những chuyện gì đã xảy ra...".
Thực tế, sự việc này càng lùm xùm bao nhiêu, bà Geimer và mẹ ruột lại càng cảm thấy khốn khổ bấy nhiêu, cả hai người phụ nữ đều tự trách mình rất nhiều. Trong những năm tháng về sau, Geimer uống rượu nhiều, sử dụng cả chất cấm, và sớm có con năm 18 tuổi: "Tôi đã làm rất nhiều việc để quên đi chuyện đã xảy ra".
Rồi sau đó, bà Geimer kết hôn, có thêm hai người con, bà chuyển tới sống ở Hawaii và luôn cố gắng để cuộc sống của mình không tàn lụi trong bất hạnh vì sự việc năm xưa.
Theo bà Geimer, mẹ của bà thường có những suy nghĩ nặng nề mỗi khi nhắc nhớ lại sự việc đã qua.
Trải qua gần nửa thế kỷ sau sự việc, bà Geimer nhận thấy có rất nhiều sự đổi khác trong cách nhìn nhận của xã hội: "Giờ đây, người ta nhìn nhận ông Polanski là người sai, nhưng đã có thời, người ta nhìn nhận mẹ tôi và tôi là người sai. Họ gọi chúng tôi là những kẻ dối trá, những kẻ đào mỏ. Có những người còn gọi tôi bằng những từ tục tĩu. Mọi chuyện từng rất kinh khủng. Dù gì thời gian đã trôi qua rất lâu rồi. Về phần mình, tôi đã ổn rồi", bà Geimer chia sẻ với tờ tin tức The Guardian.
Roman Polanski vẫn còn phải trả giá cho tới tận hôm nay
Đạo diễn nổi tiếng Roman Polanski từng bị buộc tội cưỡng hiếp hồi năm 1977, khi chỉ còn chờ bản án được đưa ra thì ông bỏ trốn sang Pháp. Cho tới nay, về lý thuyết, vụ án vẫn chưa đi đến hồi kết và có lẽ sẽ không bao giờ kết thúc. Trong suốt gần 5 thập kỷ qua, Polanski đã trốn chạy nước Mỹ và luôn phải chịu một "án treo lơ lửng".
Đối với một đạo diễn được ghi nhận về mặt tài năng như ông Polanski, việc bị hạn chế đi lại là một khó khăn rất lớn trong sự nghiệp làm phim, ông cũng không thể tham dự các sự kiện điện ảnh quốc tế. Thậm chí, phim ông từng thắng giải Oscar danh giá nhưng ông không thể tới Mỹ nhận giải.
Trong sự nghiệp, ông Polanski từng nhận được 5 đề cử Oscar, giành về một giải Oscar cho Đạo diễn xuất sắc hồi năm 2003 với phim "The Pianist". Ông còn nhận được nhiều giải thưởng danh giá khác trong giới điện ảnh, trong đó có một giải Cành Cọ Vàng của LHP Cannes (Pháp) và nhiều giải Cesar (giải thưởng điện ảnh danh giá nhất của Pháp).
Tháng 3/2020, khi đạo diễn Roman Polanski giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại giải César (giải thưởng điện ảnh được ví như "Oscar của nước Pháp"), hàng loạt những động thái phản đối đã xảy ra.
Ngay sau khi tên của vị đạo diễn được xướng lên, trong khán phòng đã có những tiếng la ó phản đối, hai diễn viên được giao nhiệm vụ xướng tên đã nhanh chóng rời khỏi sân khấu, một số phụ nữ có mặt trong khán phòng liền đồng loạt bỏ về giữa sự kiện.
Trước đó, đạo diễn Polanski đã tuyên bố rằng ông sẽ không dự lễ trao giải Césars vì lo sợ rằng mình sẽ gặp phải những sự công kích dữ dội. Dù bộ phim "J'Accuse" (Sĩ quan và điệp viên) của đạo diễn Polanski nhận được 12 đề cử, giành về 3 giải, nhưng không có thành viên nào trong đoàn phim có mặt tại lễ trao giải César.
Chỉ riêng việc bộ phim của vị đạo diễn nhận được nhiều đề cử tại giải Césars đã gây nên nhiều luồng dư luận phản đối tại Pháp. Nhiều thành viên trong Viện hàn lâm Điện ảnh Pháp đã xin từ chức vì bênh vực cho quyết định đề cử và trao giải cho phim của đạo diễn Polanski, họ cho rằng vai trò của Viện không phải là "phán xét đạo đức" khi bình xét trao giải cho những bộ phim điện ảnh.
Đây không phải lần đầu tiên những sự phản đối nổi lên xoay quanh đạo diễn Polanski làm ảnh hưởng tới lễ trao giải Césars. Hồi năm 2017, khi đạo diễn Polanski được giao vai trò đạo diễn sự kiện trao giải này, ông đã phải từ chối vì một làn sóng phản đối dấy lên.