1. Dòng sự kiện:
  2. phim "Đào, phở và piano" gây sốt, cháy vé
  3. Xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần thứ 10

Đạo diễn phim “Nghệ sĩ dương cầm” và “án treo” dài 4 thập kỷ

(Dân trí) - Đạo diễn nổi tiếng Roman Polanski từng bị buộc tội cưỡng hiếp hồi năm 1977. Cho tới nay, vụ án vẫn chưa đi đến hồi kết và có lẽ sẽ không bao giờ kết thúc. Trong suốt 4 thập kỷ qua, Polanski đã trốn chạy nước Mỹ và luôn phải chịu một “án treo lơ lửng”.

Trong tuần qua, tòa án thành phố Los Angeles (Mỹ) - nơi từng tiếp nhận hồ sơ vụ án cưỡng hiếp trẻ vị thành niên của đạo diễn Roman Polanski - đã từ chối lật lại hồ sơ. Đây là một trong những vụ án nổi tiếng nhất lịch sử Hollywood và cũng là vụ việc tai tiếng kéo dài dai dẳng nhất.

Năm 1977, đạo diễn mang hai quốc tịch Pháp và Ba Lan - Roman Polanski đã thừa nhận tội cưỡng hiếp một cô bé 13 tuổi, nhưng trước khi tòa án đưa ra bản án cuối cùng, Polanski đã chạy trốn khỏi nước Mỹ và từ đó sống tại Pháp để tránh phải chịu sự trừng phạt của pháp luật Mỹ.

Đạo diễn Roman Polanski

Đạo diễn Roman Polanski

Thẩm phán James Brandlin, thuộc tòa án tối cao thành phố Los Angeles - nơi xử lý hồ sơ vụ án Roman Polanski - cho biết tòa án đã bác bỏ đề xuất của các luật sư đại diện cho Polanski rằng ông này muốn được tham dự một phiên tòa cuối cùng với mục đích khép lại vụ án vĩnh viễn sau gần 4 thập kỷ.

Thực tế, những hành động pháp lý của tòa án Mỹ trong suốt 4 thập kỷ qua vẫn tiếp tục được thực hiện, khiến ông này liên tục bị xuất hiện trên mặt báo và phải đối diện với những nguy cơ bị dẫn độ về Mỹ hoặc bị tạm giam mỗi khi ra ngoài biên giới Pháp.

Năm xưa, Polanski chạy trốn tới Pháp là bởi Pháp không ký hiệp ước dẫn độ tội phạm với Mỹ. Tuy vậy, mỗi khi đặt chân ra ngoài biên giới Pháp, Polanski luôn gặp phải nguy cơ bị bắt giữ và dẫn độ về Mỹ. Thực tế, ông đã từng bị tạm giam tại một số nước nhưng chưa từng bị dẫn độ.

Đại diện tòa án Los Angeles cho biết đề xuất của Polanski không có cơ sở pháp lý, và đối với tình huống hiện tại, vị đạo diễn nổi tiếng này giờ còn bị hạn chế quyền hơn cả thời điểm cách đây 37 năm, khi ông còn chưa chạy trốn khỏi nước Mỹ.

Đạo diễn Polanski thời trẻ

Đạo diễn Polanski thời trẻ

Trong bản phúc đáp dài 9 trang, tòa án Los Angeles cũng khẳng định rõ ràng quan điểm rằng luật pháp Mỹ kiên quyết yêu cầu việc dẫn độ Polanski về nước.

Giờ đây đã ở tuổi 81, Polanski hẳn muốn kết thúc vụ việc tai tiếng nhất cuộc đời mình, để ông có thể tự do đi lại và thực hiện những dự án làm phim, nhưng mong muốn này có lẽ sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.

Tháng 10 vừa qua, luật pháp Mỹ cũng đã yêu cầu Ba Lan bắt giữ đạo diễn Polanski khi ông này có việc tới Ba Lan, nhưng sau đó không có lệnh dẫn độ nào được đưa ra từ phía Mỹ nên Polanski lại được tự do.

Năm 1977, đạo diễn Polanski 43 tuổi, bị buộc tội cưỡng hiếp bé gái Samantha Geimer 13 tuổi sau khi thực hiện một số bức ảnh cho cô bé này.

Khi đó, Polanski đã mời Samantha Geimer tới chụp ảnh tại căn hộ của nam diễn viên Jack Nicholson, sau khi nói với mẹ của cô bé rằng ông đang làm việc cho tờ tạp chí thời trang Vogue của Pháp. Khi đó, Geimer đang là một người mẫu không chuyên.

Đạo diễn Polanski thời trẻ

Cô bé Samantha Geimer tại thời điểm xảy ra vụ án đang là một người mẫu không chuyên ở độ tuổi vị thành niên

Đạo diễn Polanski và nam diễn viên Jack Nicholson

Đạo diễn Polanski và nam diễn viên Jack Nicholson

Năm 2009, khi Polanski đi nhận một giải thưởng điện ảnh ở Thụy Sĩ, ông đã bị bắt giữ, vụ việc khi đó đã bị đẩy lên tới đỉnh điểm khi các nhà chức trách của Pháp, Ba Lan, Thụy Sĩ và Mỹ cùng tham gia vào một vụ việc pháp lý.

Lần đó, các nhà hành pháp của Mỹ đã yêu cầu phía Thụy Sĩ tạm giữ Polanski, tuy vậy, cuối cùng Polanski vẫn được cho phép quay trở về Pháp sau khi một lệnh dẫn độ của Mỹ không được đưa ra trong thời hạn cần thiết.

Bà Samantha Geimer trong hiện tại (trái) và tại thời điểm xảy ra vụ việc (phải)

Bà Samantha Geimer trong hiện tại (trái) và tại thời điểm xảy ra vụ việc (phải)

Nạn nhân của vụ việc - Samantha Geimer (giờ đã ở tuổi 50) vừa cho ra mắt một cuốn tự truyện hồi năm ngoái. Cuốn sách có tựa đề “Cuộc đời cô gái sống trong bóng đen của Roman Polanski”. Trong đó, Geimer kể lại vụ việc rằng bà đã bị cho uống rượu và thuốc ngủ trước khi Polanski thực hiện hành vi đồi bại tại nhà của nam diễn viên Jack Nicholson.

Đối với Samantha Geimer, vụ việc đã đeo đuổi và gây ám ảnh suốt cuộc đời bà. Đã là mẹ của ba người con, Geimer cho biết bà không còn thù hận gì Polanski và cho biết gia đình bà không bao giờ đòi hỏi Polanski phải bị trừng phạt.

Giờ đây, cả hai phía chỉ muốn vụ án khép lại và các nhà hành pháp hãy dừng lại những động thái tạm giữ đối với Polanski mỗi khi ông này đi lại giữa các quốc gia khác nhau.

Cuốn tự truyện của người bị hại - bà Samantha Geimer

Cuốn tự truyện của người bị hại - bà Samantha Geimer

Đồng thời, Geimer cũng khẳng định rằng bà đã tha thứ cho vị đạo diễn, không phải chỉ vì ông, mà còn là một cách để tự giải phóng tâm lý cho chính mình. Vụ việc này đã kéo dài quá lâu một cách mệt mỏi, khiến tất cả những người trong cuộc cảm thấy họ đã phải chịu đựng quá nhiều.

Polanski cho biết hiện tại ông rất muốn thực hiện một bộ phim lấy bối cảnh Ba Lan ở thế kỷ 19 nhưng vì luôn phải đối mặt với lệnh dẫn độ về Mỹ mỗi khi đi lại giữa Pháp và Ba Lan nên ông rất lo ngại.

Roman Polanski tại thời điểm bị khởi tố


Roman Polanski tại thời điểm bị khởi tố

Roman Polanski tại thời điểm bị khởi tố

Trong sự nghiệp làm phim của mình, Polanski nhận được rất nhiều giải thưởng điện ảnh nhưng không phải lúc nào ông cũng có thể đi nhận giải bởi mỗi khi đặt chân ra khỏi nước Pháp, Polanski luôn có nguy cơ bị bắt giữ.

Polanski là đạo diễn của những bộ phim điện ảnh nổi tiếng như “Rosemary’s Baby” (Đứa con của Rosemary - 1968), “Chinatown” (Phố Tàu - 1974), “The Pianist” (Nghệ sĩ dương cầm - 2002)…

Ông từng nhận được 5 đề cử Oscar và giành về một tượng vàng Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất với phim “The Pianist”. Ngoài ra, những bộ phim do Polanski đạo diễn đã giành được tổng cộng 28 đề cử Oscar và rinh về 8 giải.


Bích Ngọc
Tổng hợp