Đạo diễn Ngô Quang Hải: “Tôi thừa nhận thất bại của mình"
(Dân trí)- Tính từ “Chuyện của Pao” ra mắt năm 2006, chỉ qua 7 năm, cuộc sống của Ngô Quang Hải đã có những bước ngoặt không ngờ. Đổ vỡ. Suy sụp. Đến mức, khi hỏi về cuộc sống mới với cô gái đẹp, Ngô Quang Hải trả lời “Tôi không có quyền chia sẻ về cô ấy”…
“Cuộc đời tôi, thất bại nhiều hơn thành công"
Anh từng đặt kỳ vọng lớn vào “Mùa hè lạnh”, nhưng phim đã không thể có được thành công như mong đợi, thậm chí bị chê tả tơi. Anh đối diện như thế nào với thất bại này?
Đã từng có ý kiến về việc tôi không thừa nhận thất bại trước Mùa hè lạnh. Không, tôi thừa nhận. Một bộ phim thất bại, lỗi hoàn toàn do đạo diễn. Tôi có nói đến lỗi dựng, nhưng ngay cả việc này, cũng là do đạo diễn đã không kiểm soát được.
Để hoàn thành một bộ phim cần có nhiều công đoạn. Quá trình hoàn tất “Mùa hè lạnh” đã có những công đoạn bị “gãy”. Do hoàn thành gấp rút, do lịch ra rạp ấn định, do sự giục giã từ đối tác… “Mùa hè lạnh” không kịp có được bản dựng tốt nhất khi ra mắt. Ngay trong buổi họp báo, với bản chiếu dài lê thê 125 phút phim, tôi đã biết mình thất bại.
Phim thất bại là nỗi đau đớn của đạo diễn. Giống như khi mình sinh ra một đứa con khỏe mạnh, nhưng vì không biết cách chăm sóc, đã để nó mắc bệnh vậy. Tôi dành thời gian ngồi dựng lại “Mùa hè lạnh”, bản hoàn chỉnh chỉ còn 100 phút. Phần cắt dựng tốt hơn rất nhiều. Tôi đã nghĩ đến việc thuyết phục các nhà phát hành Việt Nam ngồi xem lại bản dựng 100 phút này của “Mùa hè lạnh”, nhưng tôi biết việc đó không đơn giản.
Bây giờ, nếu tôi trả lời bạn rằng, “Tôi cao thủ lắm. Phim tôi hay lắm”- sẽ thật lố bịch. Tôi để câu trả lời cho khán giả. Tôi chỉ mong, khi xem phim, khán giả đặt mình vào độ tuổi của các nhân vật. Họ là những rất trẻ. Rõ ràng, một thế hệ trẻ tràn đầy khát vọng âm nhạc đang sôi sục giữa cuộc sống của chúng ta. Họ đam mê ca hát, muốn trở thành ngôi sao âm nhạc. Họ nhảy Hip-hop giữa phố… Trên nền ấy, tôi làm một bộ phim về giới trẻ với chất liệu âm nhạc.
Mỗi bộ phim tôi hướng đến những đối tượng khán giả khác nhau. Nhân vật trong mỗi phim mang một trạng thức khác biệt.
Đừng hỏi tôi về việc phim sẽ thành công hay thất bại. Cuộc đời tôi, thất bại nhiều hơn thành công. Thành công lớn nhất là tôi vẫn tồn tại để tiếp tục sống, tiếp tục làm phim ảnh. Vì thế, khen-chê với tôi cũng là một trải nghiệm.
Câu trả lời của anh khiến người viết ngạc nhiên. Cách đây 7 năm, người viết đã có cuộc trò chuyện với anh về “Chuyện của Pao”, về những dự định, về các dự án… Khi ấy, anh chỉ thích nói về sự thành công. Có vẻ, sau 7 năm, quãng thời gian đi qua nhiều thăng trầm, biến cố trong đời, Ngô Quang Hải đã trở thành một người khác…?
Tôi vẫn là tôi thôi. Luôn có cái nhìn lạc quan vào cuộc sống. 7 năm đã trôi qua từ “Chuyện của Pao”, quả thực có nhiều thay đổi trong cuộc sống của tôi, nhưng duy có một điều không bao giờ có thể thay đổi, đó là tình yêu tôi dành cho điện ảnh.
Nhắc đến “Chuyện của Pao” từ 7 năm trước, người ta vẫn nhắc đến cuộc hôn nhân đổ vỡ trong ồn ào, và cả những cay đắng của anh. Có phải vì những ồn ào ấy đã khiến anh âm thầm, lặng lẽ trong lần tái hôn thứ 2 của mình?
(Im lặng). Tôi không muốn gợi lại những chuyện buồn. Tôi nghĩ thế này, người phụ nữ chấp nhận yêu tôi, chung sống và làm bạn đời với tôi, họ đã phải vượt qua rất nhiều điều. Chỉ riêng việc họ đến với tôi đã là một sự hy sinh rồi. Tôi không có quyền bình luận, không có quyền chia sẻ gì về cô ấy. Tôi đã đủ tuổi để không thể làm tổn thương người phụ nữ lặng thầm, hy sinh cho mình.
Cuộc sống không ai có thể nói trước được điều gì. Sau này, dù hạnh phúc hay không hạnh phúc, tôi sẽ luôn im lặng. Tôi không có quyền bình luận điều gì. Và có những điều, tôi sẽ giữ là nỗi niềm riêng.
Vì anh đã có những bài học đắt giá?
Những bộ hình ấy đều đã được chụp từ rất lâu. Ảnh do những người chụp cung cấp cho báo chí. Điều đó hoàn toàn nằm ngoài mong muốn của chủ nhân. Tôi biết. Cô ấy không hề có ý định tham gia vào showbiz. Nếu muốn đóng phim, cô ấy đã tham gia từ lâu rồi.
Cuộc sống mới mang đến cho anh những gì?
Sáng nay, có một người bạn gửi qua mail cho tôi một câu chuyện rất hay về hai con ếch. Chuyện là, có hai con ếch bị rơi xuống hố sâu, không thể nhảy lên được. Hai con ếch cố kêu cứu đồng loại. Cả đàn ếch ùa đến, đứng xung quanh cái hố, cố gắng cứu 2 con ếch kia lên, nhưng không thể. Đàn ếch bèn la hét bảo, “Thôi hai chú chịu chết đi vậy. Chúng tôi không thể cứu được đâu”. Đàn ếch cứ thế đứng la hét, bàn tán… Một trong hai con ếch chấp nhận buông xuôi, chịu chết. Con ếch còn lại vẫn nỗ lực, cố gắng tìm cách nhảy lên, cuối cùng, nó bám được vào một nhành cây, và leo lên được mặt hố. Đàn ếch xúm lại hỏi, “Chúng tớ hét như vậy mà cậu vẫn cố leo lên được sao?”, con ếch kia trả lời, “Ồ, tai tớ bị điếc. Ở dưới đó, tớ chẳng nghe thấy tiếng gì. Tớ cứ tưởng các cậu đang cổ vũ, động viên chúng tớ”!
Tôi không bị điếc. Nhưng tôi luôn coi những gì mình đã nghe thấy, dù là lời bình luận như thế nào, tôi vẫn xem đó là lời động viên, cổ vũ.
Tôi có cái nhìn lạc quan vào cuộc đời.