Đạo diễn Lương Đình Dũng: “Phim Việt chưa bán được ra nước ngoài vì làm chưa tới”

(Dân trí) - Đạo diễn “Cha cõng con” cho rằng, sở dĩ phim Việt chưa được các nhà phát hành nước ngoài xem trọng vì làm phim chưa tới, chưa có phong trào làm phim mạnh mẽ.

Doanh thu "Cha cõng con" thấp không tưởng

Phàm nếu làm phim nghệ thuật người ta thường chú trọng mang đi dự giải chứ không phát hành đại trà để “hốt” doanh thu, còn phim giải trí mới hướng tới việc ra rạp mà không chú trọng giải thưởng. Anh lại ôm trọn cả hai yếu tố nghệ thuật và doanh thu khi làm “Cha cõng con”, anh có nghĩ mình đang bước chân vào một cuộc chơi mạo hiểm?

Tôi nghĩ, đó là cách làm an toàn cho cả nhà đầu tư lẫn nhà sản xuất và đạo diễn ở thời buổi này. Nếu chỉ làm một bộ phim để thuần túy để mang đi dự liên hoan phim thì không nên quá tốn tiền đầu tư cho phim. Ngoại trừ nhà sản xuất có nhu cầu làm một phim để dự thi Oscar, còn những liên hoan khác thì nên ít tiền.

Đạo diễn Lương Đình Dũng và các diễn viên nhí phim Cha cõng con.
Đạo diễn Lương Đình Dũng và các diễn viên nhí phim "Cha cõng con".

Trên thế giới đã có nhiều bộ phim thấm đẫm chất nghệ thuật và doanh thu cũng rất “khủng”. Trong cái guồng đó, tôi buộc phải chọn giải pháp an toàn, vừa phải đạt yếu tố nghệ thuật, vừa phải làm thỏa mãn thị hiếu của khán giả để kiếm doanh thu. Tôi nghĩ, tôi sẽ vẫn đi theo con đường này khi bắt tay làm “Thành phố ngủ gật” hoặc “Năm 78”. Phim “Năm 78”, kinh phí làm phim chắc chắn sẽ gấp đôi “Cha cõng con” với những đại cảnh chưa bao giờ có.

Nhiều người bảo, vì sa vào lối làm phim như thế nên “Cha cõng con” dù đoạt được nhiều giải thưởng vẫn đạt doanh thu rất khiêm tốn. Anh lý giải sao về điều này?

Thật lòng mà nói, khi bắt tay thực hiện phim “Cha cõng con”, tôi hướng tới khán giả chứ không phải là để mang đi dự giải. Tôi chưa bao giờ nghĩ phim của mình sẽ được lựa chọn trình chiếu tại các liên hoan phim hoặc đoạt được giải thưởng nào đó.

Tôi làm phim này cứ như ai đó bắt mình phải làm. Tất nhiên, đã là kinh doanh thì ai cũng muốn kiếm được thật nhiều lợi nhuận. Nhưng khi đặt bút viết “Cha cõng con”, tôi đã chấp nhận có thể mình sẽ không đạt doanh thu thấp kỷ lục nhưng đổi lại mình sẽ có đủ trải nghiệm. Và đúng là doanh thu “Cha cõng con” tính đến thời điểm hiện tại thấp lắm, thấp không tưởng.

Nhưng vẫn vượt gấp mười mấy lần so với kỳ vọng trước đó và có thể gấp nhiều lần hơn trong tương lai không xa. Tôi đang chuẩn bị ký với công ty bên nước ngoài để phát hành ở nước ngoài. Tuy nhiên, do đang vướng phải một số điều khoản với một liên hoan phim nên chưa thể phát hành mà ngay.

Đến giờ phút này, tôi có thể nói, tôi đã hài lòng với “Cha cõng con” trên mọi mặt trận. Bộ phim này đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho tôi. Cụ thể là tôi vừa được gần 20 nhà đầu tư ngỏ lời hợp tác ở bộ phim “Thành phố ngủ gật”.

Đến bây giờ, anh có thấy quyết định trả lại Bằng khen tại giải Cánh diều là sai lầm?

Thực ra, lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản mình không xứng đáng được nhận giải đó nên trả lại và trả xong thì thôi.

Nhưng như thế cũng đồng nghĩa với việc anh đã tự đóng lại cơ hội tiếp tục được nhận giải thưởng Cánh diều ở những mùa khác?

Hôm đó, về nhà tôi mới nghĩ: “Thôi chết rồi, vậy là mình hết cơ hội với Cánh diều rồi”. Đùa thế thôi chứ tôi nói thật, khi làm phim, chúng ta đừng đặt nặng vì vấn đề gì đó. Ngày nay, thế giới phẳng rất phát triển và sẽ mang lại cho chúng ta nhiều cơ hội hơn thế. Tôi nghĩ, tôi vẫn còn cơ hội tham dự Cánh diều vì biết đâu năm sau ban giám khảo lại thay đổi quan điểm.

Bộ phim Cha cõng con đã giúp đạo diễn Lương Đình Dũng gặt hái được nhiều giải thưởng.
Bộ phim "Cha cõng con" đã giúp đạo diễn Lương Đình Dũng gặt hái được nhiều giải thưởng.

Có hay không phim Việt bán như cho?

Việc bán bản quyền phim Việt ra nước ngoài đã rục rịch cách đây khá nhiều năm nhưng con số phim bán được hiện vẫn đang đếm trên đầu ngón tay. Là một nhà làm phim, anh nhìn nhận gì về điều này?

Việc bán bản quyền phim Việt ra nước ngoài không hề dễ chút nào. Chúng tôi là những người va chạm trực tiếp với thị trường nước ngoài nên hiểu rất rõ điều đó. Các công ty nước ngoài rất khắt khe khi hợp tác trao đổi bản quyền để phát hành ở quốc tế. Họ khắt khe từ khâu kịch bản, cho đến khâu sản xuất, hậu kỳ, truyền thông… Chúng tôi đang làm việc với một đối tác nước ngoài và họ đã tham gia từ khi viết kịch bản để đánh giá thị trường.

Xác định phim có thể tấn công được vào thị trường nào họ mới dám hợp tác chứ không phải làm xong phim “vác” sang bán là được. Họ không bao giờ ôm một bộ phim mà họ không có khả năng thu lợi nhuận. Nhưng đúng là chúng tôi rất may mắn vì “Cha cõng con” đã được một đơn vị nhận phát hành.

Theo anh, họ nhận phát hành “Cha cõng con” vì phim đoạt nhiều giải thưởng hay vì nội dung phim?

Câu chuyện của bộ phim thuyết phục họ chứ phim có đoạt hàng tá giải thưởng họ cũng không quan tâm đâu. Vì phim chiếu cho khán giả mà khán giả chỉ chú ý tới nội dung phim chứ không chú ý tới giải thưởng. Nếu có thì giải thưởng chỉ tăng thêm sự tò mò cho họ thôi chứ không phải là yếu tố quyết định khiến khán giả bỏ tiền mua vé vào rạp. Với các công ty phát hành phim ở nước ngoài, cứ xem phim xong rồi họ sẽ nói chuyện tiếp.

Mặc dù đã có nhiều phim đoạt giải thưởng cao nhưng đến nay các nhà làm phim Việt vẫn rất chật vật tìm đầu ra ở nước ngoài. Phải chăng, các nhà phát hành nước ngoài vẫn chưa thật sự xem trọng phim Việt?

Trước đây, các nhà làm phim đã hoàn thành sứ mệnh làm phim để cách mạng, giải phóng dân tộc… Nhưng đến ngày nay, thế hệ kế cận vẫn chưa hoàn thành sứ mệnh của mình. Nói về điều kiện thì người trẻ bây giờ rất nhiều điều kiện. Nhiều khi chỉ một tay máy cũng có thể làm phim được như phim “Phù thủy rừng Blair”. Quan trọng là chúng ta làm chưa tới, chúng ta chưa có phong trào làm phim mạnh mẽ.

Điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài rất yếu vì chúng ta chưa thực sự chịu nâng tầm của chúng ta lên. Ví dụ, tôi ra nước ngoài tham dự liên hoan phim nhìn thấy các nước chú trọng điện ảnh thực sự. Đoàn phim của họ “binh hùng tướng mạnh”, “rồng rắn lên mây”, có nước đến hàng trăm nhà sản xuất còn mình thì ngồi chơi vơi.

Tôi hy vọng cũng như khát vọng sẽ đóng góp vào việc đưa điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài cho đến khi không còn sức làm nữa thì thôi.

Nam đạo diễn kỳ vọng sẽ nâng tầm điện ảnh Việt bằng những bộ phim bán được ra nước ngoài.
Nam đạo diễn kỳ vọng sẽ nâng tầm điện ảnh Việt bằng những bộ phim bán được ra nước ngoài.

Vậy có hay không chuyện nhiều nhà sản xuất phim Việt đã buộc phải bán bản quyền phim theo kiểu “bán như cho” để tìm cơ hội giao thương với nước ngoài?

Không sao, bán như cho cũng được miễn sao bán được nhiều. Ví dụ, ông bán một bản phim cho trường đại học với giá 5000 USD nhưng nếu bán cho 50 trường thì con số ấy đã là rất lớn. Quan trọng hơn là phim của ông sẽ có cơ hội lan toả, kiểu như bùng nổ ở khắp các trường đại học. Ví dụ, bây giờ mà trường đại học mua bản quyền phim của tôi 1000 USD tôi cũng bán vì đó là mình đang đưa phim đến gần với cả một thế hệ tương lai. Doanh thu phía sau mới là quan trọng, doanh thu phía trước chưa phải là điều cốt lõi.

Anh đặt kỳ vọng gì vào dự án điện ảnh thứ 2 “Thành phố ngủ gật” mà anh đang bắt tay thực hiện?

Nếu “Cha cõng con” là tôi làm để trả nợ với cuộc đời thì “Thành phố ngủ gật” là tôi làm nghề, thể hiện chuyên môn, chứng tỏ mình có thể làm phim tốt.

Như đã nói, sau khi phim “Cha cõng con” phát hành đã có không dưới 20 nhà đầu tư ngỏ lời hợp tác. Đó là một thành công vô cùng lớn với tôi. Nhưng lần này, tôi làm “Thành phố ngủ gật” với một kinh phí rất khiêm tốn, chưa bằng 1/10 của phim trước. Và bộ phim này tôi sẽ mang đi dự thi các cuộc liên hoan phim rồi mới phát hành. Vì thế tôi sẽ phát huy mọi khả năng sáng tạo trong cách kể chuyện và không phụ thuộc vào bối cảnh. Cốt truyện, cách quay, bối cảnh… của phim sẽ rất đơn giản. Ánh sáng trong phim cũng rất ảo, sáng không rõ ràng, tối không rõ ràng… và đòi hỏi quay phim phải là những “cao thủ”.

Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.

Hà Tùng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm