Đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ về những áp lực khi làm Táo Quân 2016
(Dân trí) - Táo Quân 2016 đã được phát sóng chính thức vào tối qua (7/2) trên sóng VTV sau những mong chờ của khán giả. Tuy nhiên, ít ai biết được để có được chương trình Táo Quân nhiều sự bất ngờ và thú vị như đã phát, êkíp thực hiện đã vấp phải những áp lực gì.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - “tổng chỉ huy” của chương trình đã có những chia sẻ rất chân tình với Dân Trí trong những ngày đầu năm mới, khi Táo Quân vừa lên sóng.
Trước những sự phản ứng trái chiều từ phía dư luận dành cho Táo Quân năm ngoái. Năm nay, khi thực hiện Táo Quân 2016, anh đã gặp những áp lực gì?
Trước khi trả lời câu hỏi của bạn, nhân dịp năm mới, tôi xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới Ban biên tập báo và độc giả của báo điện tử Dân trí. Chúc lãnh đạo báo và anh chị em phóng viên, biên tập viên có một năm mới sức khỏe dồi dào, nhiều thành công và nhiều niềm vui. Chúc độc giả của báo an khang thịnh vượng, luôn gắn bó với tờ báo cũng như ủng hộ chương trình Táo Quân và nhiều chương trình khác của VFC.
Thực ra, không phải là năm trước với năm sau đâu mà mỗi một năm bắt tay vào làm Táo Quân chúng tôi đều có những cái khó riêng. Cái khó đó chính là trên những sự kiện, những vấn đề của một năm mà ai cũng đã biết rõ mười mươi phải làm sao xây dựng được một kịch bản Táo Quân mà khi mọi người xem vẫn thấy hứng thú, tạo ra tiếng cười.
Bên cạnh đó, khán giả gần như mặc định chương trình Táo Quân là chương trình hài, chương trình đề cập đến những vấn đề nổi cộm trong một năm. Có nghĩa là trong đầu khán giả luôn luôn ấn định một kịch bản sẵn của chính họ cho nên mình phải làm sao để gây được bất ngờ trong tư duy, trong cách hình dung của khán giả đó là một điều rất khó. Vì lẽ đó, mỗi năm khi bắt tay vào làm Táo Quân là một sự thách thức rất lớn đối với những người làm Táo Quân.
NSND Khải Hưng từng tiết lộ rằng, đã có lúc anh chán không muốn làm Táo Quân nữa. Vậy đã có lúc nào anh thực sự muốn bỏ không làm chương trình này nữa?
Việc mong muốn có một êkíp nào đó làm Táo Quân thay cho mình là một mong muốn rất chân thành từ cá nhân tôi. Vì thực sự, sự sáng tạo mà cứ phải liên tục đối diện với những áp lực vô hình nó khiến cho mình thấy rất nặng nề. Tôi muốn có sự đổi mới trong êkíp thực hiện hoặc đạo diễn dàn dựng. Thế nhưng cũng có một khó đó là các nghệ sỹ tham gia Táo Quân đã quen thuộc và tạo thành một êkíp làm với nhau nên có một sự cộng hưởng rất lớn, thay đổi được điều này không dễ.
Các nghệ sỹ đã rất quen với kiểu khi tôi nêu những quan điểm của mình hoặc tranh luận điều gì đó thì sẽ cùng làm rõ với nhau tới cùng. Mục tiêu cuối cùng là để làm sao tìm ra được những ý tứ hay nhất, cách diễn hay nhất để thực hiện. Cho nên đôi khi tôi tự thấy rằng, mình đã bắt đầu bị mòn hoặc muốn làm cái gì đó khác với format Táo Quân này. Và việc mong muốn dừng lại để chuyển sang cái khác là mong muốn rất là thật lòng.
Năm nay, trong dàn Táo Quân quen thuộc thiếu mất NSƯT Minh Hằng. Vậy nó có khiến cho anh phải khó khăn khi thay đổi kịch bản không?
Thực ra, việc thay diễn viên phụ thuộc vào kịch bản. Có những năm tôi cần một đội hình Táo Quân dày dặn ví như có năm có tới 7 Táo lên Thiên đình báo cáo Ngọc Hoàng. Năm nay, trong quá trình làm làm kịch bản, chúng tôi chủ đích để phần báo cáo của Táo Quân không phải là phần quan trọng nhất mà phần sau của chương trình mới là phần ý đồ, phần trọng tâm và là điểm nhấn mà êkíp muốn xây dựng. Cho nên việc gói gọn đội hình Táo cũng là ý đồ của chúng tôi. Thêm vào đó, thay vì mình tập trung vào mỗi một Táo ở phần báo cáo thì chúng tôi tập trung vào những vấn đề của xã hội được len lỏi qua những lớp diễn khác như phần mở đầu hay phần kết thúc.
Vậy kịch bản Táo Quân năm nay có phải thay đổi nhiều không so với kịch bản khung ban đầu, thưa anh?
Tất nhiên, việc thay đổi là rất quen thuộc rồi. Từ khi ra ý tưởng, viết thành đề cương, rồi từ đề cương viết thành chi tiết thì thay đổi rất nhiều. Từ bản cuối cùng cho đến khi ra công diễn phải thay đổi vài chục lần.
Nhiều người đánh giá, kịch bản Táo Quân năm nay khá nặng sức “chiến đấu” hoặc trở lại với sự sắc sảo vốn có. Vậy khi đưa những vấn đề khá nhạy cảm liên quan đến các bộ ngành anh có lo sợ sẽ bị tác động để cắt bỏ như mọi năm?
Nếu nói không áp lực thì không đúng nhưng bị ảnh hưởng lớn từ áp lực đó thì không có. Vì rất thật lòng là xã hội ngày nay mọi thứ thông tin, mọi vấn đề đã được phổ cập rất rộng rãi trên báo chí, trên mạng xã hội. Bản thân báo chí cũng rất cởi mở khi đề cập đến các vấn đề của đời sống xã hội. Nó cho thấy một xã hội đang đón nhận rất nhiều luồng thông tin. Điều quan trọng, trong số rất nhiều thông tin đấy thì đâu là cái mình cần định hướng, đâu là cái mình cần tập trung nhất chứ mình không thể bơi giữa một “bể” thông tin và chỗ nào cũng cố để khai thác. Cho nên, áp lực lớn nhất khi xây dựng kịch bản đó là làm sao để có một tư tưởng xuyên suốt cho một cái kịch bản để từ đó mình lựa chọn các vấn đề đưa vào thật “đắt giá”. Nếu không tỉnh táo sẽ rơi vào tình trạng ôm đồm, cứ cố nhét thật nhiều vấn đề của một năm và biến Táo Quân trở thành một thứ liệt kê các sự kiện.
Táo Quân 2016 có tới hai Thiên Lôi. Việc đưa hai Thiên Lôi vào trong Táo Quân là anh muốn nhằm mục đích gì?
Ngoài việc làm đa dạng các màn diễn, những tình huống thì cũng có một ý tứ của sự kiện năm nay. Nó phản ánh mối quan hệ của những người làm quan chức, của những người giữ vị trí trọng trách dù lớn hay bé thì mỗi người đều có những áp lực riêng cả những đòi hỏi riêng để thực hiện. Và đôi khi nó tạo ra những cạnh tranh, những động lực để họ phải làm việc tốt.
Mọi năm anh đều chia sẻ là có ngỏ lời mời các danh hài miền Nam tham gia Táo Quân. Tuy nhiên, năm nay anh lại mời diễn viên Bình Minh mà lại không phải là một diễn viên hài nổi tiếng?
Đơn giản là vì Bình Minh không vào Táo Quân để diễn hài. Tôi không yêu cầu Bình Minh phải diễn hài mà cần Bình Minh phải làm nhiệm vụ của một vai diễn nghiêm túc, chỉn chu và nó là nút mở của chương trình. Còn lý do không mời các diễn viên hài là vì như tôi nói năm nay kịch bản không xây dựng quá nhiều Táo cho nên tôi không mời. Chứ như năm trước tôi mời anh Chí Tài, chị Việt Hương.
Cái khó của việc mời các nghệ sỹ miền Nam, ngoài vấn đề thời gian thì còn phải bắt buộc xây dựng kịch bản làm sao để lớp diễn của họ gọn nhất, để họ không mất nhiều thời gian ra ngoài này tập mà tập trong kia trước rồi sau đó ra ngoài này khớp lại với nhau. Thực tế thì thị trường ở phía Nam rất tấp nập, lịch diễn của các nghệ sỹ rất dày nên cuối năm họ rất bận.
Các nghệ sỹ ở phía Bắc cũng thế thôi. Nếu bảo họ chạy show thì cũng không ai bằng bởi họ đều là những tên tuổi nhưng vì đã làm với nhau hơn chục năm, lại thấy chương trình có giá trị cho khán giả nên với ý thức, trách nhiệm của người nghệ sỹ cũng như việc gắn bó lâu năm và điều đặc biệt là sự ghi nhận của khán giả đối với từng vai diễn trong Táo Quân nên họ gác lại những công việc, cả những mưu cầu về thu nhập để cùng chung tay thực hiện chương trình.
Năm nay lịch trình tập Táo Quân trùng với thời điểm thời tiết miền Bắc trải qua đợt rét kỷ lục. Vậy trong quá trình tập cá nhân anh và các thành viên trong êkíp có gặp sự cố nào về sức khoẻ?
Như mọi người đều biết, hàng năm khi Táo Quân bắt đầu tập luyện thường rơi vào dịp giáp Tết, mà giáp Tết thì bao giờ thời tiết Hà Nội cũng đã vào đông. Bởi thế, theo lịch tập Táo vốn dĩ đã quen thuộc thì mọi người phải đối mặt với tiết trời lạnh và buộc phải chấp nhận điều đó để vượt qua. Năm nay, lịch tập rơi đúng vào những ngày lạnh nhất của Hà Nội nên sức khỏe của nhiều anh chị em cũng bị ảnh hưởng.
Một loạt các diễn viên bị ốm. Công Lý thậm chí còn bị mất tiếng trong những ngày cuối cùng. Tự Long thì đêm tập xong, sáng 6h vẫn phải vào cơ quan để thực hiện các công việc của mình. Việc tập luyện với một cường độ rất mạnh nhưng rất may là vì mọi người đã quen với nhau, quen áp lực này rồi nên mọi người tự nhủ với nhau phải cố gắng vì công việc, vì khán giả. Còn nếu yêu cầu để bù đắp sao cho xứng với công sức của họ thì tôi cho rằng không gì có thể bù đắp nổi.
Cám ơn anh đã chia sẻ thông tin. Chúc anh và gia đình có một năm mới Bính Thân thật nhiều sức khoẻ, thật nhiều thành công và đưa Táo Quân đến gần hơn với khán giả.
Hà Tùng Long