Đạo diễn Đặng Nhật Minh tiết lộ kí ức làm phim đúng ngày 30/4-1/5/1975

Phương Nhung

(Dân trí) - Bộ phim tài liệu "Tháng Năm - Những gương mặt" đã được đạo diễn Đặng Nhật Minh cùng ê-kíp thực hiện trong những ngày tháng lịch sử của dân tộc. Thước phim thấm đẫm niềm tự hào, xúc động.

Những ngày tháng 4 năm 1975, cả nước hồi hộp theo dõi tin tức từ miền Nam. Xưởng phim truyện Việt Nam năm ấy được lệnh cấp trên tổng động viên tất cả đội ngũ nghệ sĩ tổ chức thành bốn đoàn làm phim tài liệu lên đường vào Nam.

Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch, đêm 29, rạng sáng ngày 30/4/1975, các binh đoàn chủ lực của ta đã đồng loạt tiến công vào nội đô, đánh chiếm các mục tiêu then chốt của chiến dịch.

Trưa ngày 30/4/1975, xe tăng Quân Giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập.

11 giờ 30 phút, cờ Giải phóng tung bay. Đó chính là thời khắc báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh tiết lộ kí ức làm phim đúng ngày 30/4-1/5/1975 - 1

Những nụ cười trong phim "Tháng Năm - Những gương mặt" (Ảnh: Cắt từ clip).

Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh vĩ đại trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta.

"Đầu tháng 4/1975, tôi được theo đoàn làm phim tài liệu vào Sài Gòn (nay là TPHCM), đêm 30/4, tôi và đoàn đã có mặt ở Dinh Độc Lập. Đó là kỉ niệm tôi không thể nào quên được, ngỡ như một giấc mơ", đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh xúc động kể với PV Dân trí.

Xe chở đoàn làm phim tiến vào Dinh Độc Lập, giữa hai cánh cổng đã bị húc đổ từ trưa. Hình ảnh ấy đã trở thành bản tráng ca trong trái tim những nghệ sĩ có mặt.

Đêm hôm đó, đạo diễn Đặng Nhật Minh không sao chợp mắt được vì xúc động. Và bộ phim tài liệu "Tháng Năm - Những gương mặt" đã được đạo diễn Đặng Nhật Minh cùng ê-kíp thực hiện trong những ngày tháng lịch sử ấy. Có những cảnh quay được ghi lại vào đúng lúc một giờ sáng ngày 1/5.

"Độc lập, tự do, thống nhất đất nước, nỗi khát khao cháy lòng đã bao năm tháng bỗng mai nay trở nên một điều có thật. Những niềm hân hoan, xúc động. Những nỗi ngạc nhiên. Những giây phút bàng hoàng này cho mãi tới mai sau sẽ còn lay động lòng những người dân Sài Gòn", mỗi câu, từ thuyết minh phim đều thấm đẫm niềm tự hào, xúc động.

Có thể nói "Tháng Năm - Những gương mặt" là một trong những bộ phim tài liệu sớm nhất tại Việt Nam khắc họa chân thực cuộc sống người Sài Gòn những ngày đầu sau giải phóng.

Bộ phim tài liệu "Tháng Năm - những gương mặt" (Video: YouTube).

"Thôi, vĩnh biệt những đêm dài lo âu thao thức trong ánh đèn mù. Thôi, từ nay giấc ngủ con cái chúng ta sẽ không còn bị khuấy động bởi tiếng bom đạn gầm rú" đạo diễn Đặng Nhật Minh nói trong phim.

Bộ phim trở thành cuốn tư liệu lịch sử quý giá cho lớp lớp thế hệ bây giờ và mai sau tự hào mỗi khi nhắc đến những chiến tích lẫy lừng của ông cha.

"Tháng Năm - Những gương mặt" dài 5 cuốn. Tôi hạnh phúc vì giờ đây bộ phim vẫn được nhớ đến. Nhiều người nói rất yêu thích phim", đạo diễn Đặng Nhật Minh bày tỏ.

Những di chuyển máy vội vã như muốn ghi lại tất cả, không bỏ sót một hình ảnh nào giữa thời khắc lịch sử trong phim của NSND Đặng Nhật Minh.

"Việc quay phim thời đó vô cùng khó khăn, phương tiện kĩ thuật không như bây giờ,  nhưng anh em nghệ sĩ vẫn cùng nhau nỗ lực làm tốt nhất có thể", đạo diễn Đặng Nhật Minh kể lại.

Hình ảnh bầu trời, non nước Việt Nam, nụ cười trong trẻo và hồn nhiên của các em thiếu nhi khép lại những thước phim lịch sử một cách tươi sáng và đầy hi vọng.

Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VI tổ chức vào năm 1977 tại TPHCM, bộ phim tài liệu "Tháng Năm - Những gương mặt" đã đoạt giải Bông Sen Bạc.

Giờ đây, khi nhìn lại một chặng đường đã qua và sự vận động không ngừng của phim Việt, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đặt niềm tin ở thế hệ sáng tạo kế cận.

"Các bạn trẻ bây giờ tiến bộ hơn chúng tôi rất nhiều, có nhiều điều kiện làm phim. Phim các bạn làm hấp dẫn, hay, hợp với khán giả trẻ", NSND Đặng Nhật Minh bày tỏ.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh tiết lộ kí ức làm phim đúng ngày 30/4-1/5/1975 - 2

NSND Đặng Nhật Minh (Ảnh: Phương Nhung).

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh sinh ra tại Huế là cái nôi của văn hóa. Ông từng là Tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam. Với tư cách là người đứng đầu nền điện ảnh Việt, ông đã kết nối những nhà điện ảnh Việt Nam với thế giới.

Thân phụ của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh là Giáo sư - bác sĩ Đặng Văn Ngữ (1910-1967), quê An Cựu, thành phố Huế, là một bác sĩ y khoa nổi tiếng của nền y học hiện đại Việt Nam.

Mẹ của ông là bà Tôn Nữ Thị Cung là người phụ nữ xinh đẹp, thục hiền, đoan trang, giỏi tiếng Pháp. Bà là con gái quan Thượng thư bộ hình dưới triều Khải Định.

Những bộ phim đậm chất tác giả của ông đều rất thành công và giành những giải thưởng cao của Việt Nam và nhiều liên hoan phim quốc tế, trong đó có phim Bao giờ cho đến tháng Mười đã được các hãng thông tấn thế giới bình chọn là một trong Top những phim hay nhất của châu Á.

Cá nhân ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu NSND và giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Gần đây, ông được Liên hoan phim quốc tế tại Hàn Quốc vinh danh với giải thưởng cho thành tựu trọn đời.

Mới đây, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã tiến hành Lễ trao Huân chương Hiệp sĩ Văn học Nghệ thuật dành cho đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh. Đây là Huân chương cao quý mà Nhà nước Pháp dành tặng những người sáng tạo nghệ thuật xuất sắc hoặc có đóng góp to lớn cho việc quảng bá văn hóa tại Pháp cũng như trên thế giới.

Một dự án mà ông đã và đang triển khai trong suốt thời gian vừa qua đó là phục hồi hai trong số các bộ phim rất nổi tiếng của mình, được sản xuất trong những năm 1980. Quá trình phục hồi, ông hợp tác với những đơn vị nổi tiếng nhất thế giới liên doanh giữa Pháp, Italia.

"Tôi rất tự hào được nhấn mạnh rằng, đạo diễn Đặng Nhật Minh là một trong những người làm phim hàng đầu của Việt Nam mà những tác phẩm của ông được tạo nên bằng tài năng, tâm huyết và trách nhiệm xã hội lớn lao của người nghệ sĩ chân chính.

Ông góp phần tạo dựng nên diện mạo của nền điện ảnh Việt Nam tiến bộ, nhân văn, đậm bản sắc dân tộc", PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam bày tỏ.