Danh hoạ Bùi Xuân Phái được Google vinh danh nhân kỷ niệm 99 năm ngày sinh của ông
(Dân trí) - Đúng 0h ngày 1/9, Google Doodles đã vinh danh danh hoạ Bùi Xuân Phái nhân kỷ niệm 99 năm ngày sinh của ông. Chân dung danh họa cùng tác phẩm về phố cổ Hà Nội đã xuất hiện trang trọng trên trang chủ của công cụ tìm kiếm này.
Đây là lần thứ 2 công cụ tìm kiếm phổ biến nhất thế giới vinh danh một người Việt Nam. Trước đó là cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Theo dữ liệu Google Doodle, họa sĩ Bùi Xuân Phái là một trong những người có công định hình sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam hiện đại, trở thành một trong những họa sĩ Đông Nam Á nổi tiếng nhất thế kỷ 20. Những đóng góp của ông cho nền hội họa nước nhà, đặc biệt là thương hiệu "Phố Phái" sẽ còn sống mãi với thời gian.
Ngay sau khi Google thay đổi biểu tượng, hoạ sĩ Bùi Thanh Phương - con trai của cố danh hoạ Bùi Xuân Phái đã đại diện phía gia đình gửi lời cảm tạ thông qua trang fanpage chính thức mang tên “Bùi Xuân Phái”.
“Gia đình chúng tôi xin chân thành cảm tạ Google, Tập đoàn công nghệ thông tin đa quốc gia của Hoa Kỳ, đã dành tình cảm, vinh danh Bùi Xuân Phái, cha chúng tôi, nhân kỷ niệm 99 năm ngày sinh của ông (1/9/1920-1/9/2019).
Bùi Xuân Phái là một người yêu quê hương, yêu Hà Nội và là một tên tuổi trong ngành hội họa tại Việt Nam với những tác phẩm đặc trưng góp phần vào sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Sự kiện Google tôn vinh ông với Doodle thiết kế đặc biệt nhân ngày sinh của ông là một hoạt động ý nghĩa không chỉ với gia đình mà còn đối với những người mến mộ ông, những người yêu văn hóa Việt Nam qua hình ảnh con phố cổ”, ông Phương viết.
Ảnh chân dung Bùi Xuân Phái do John Ramsden - nguyên Tùy viên văn hoá Đại sứ quán Anh quốc tại Hà Nội đầu thập niên 1980 chụp. Ảnh do gia đình cố danh hoạ cung cấp.
Theo hoạ sĩ Bùi Thanh Phương, để chuẩn bị cho việc vinh danh này, đại diện Google đã liên hệ với gia đình ông từ gần một năm trước. Ông đã cung cấp cho Google nhiều tài liệu về cha mình, trong đó có những bức tự họa của Bùi Xuân Phái.
Họa sĩ Bùi Xuân Phái sinh ngày 1/9/1920 tại làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Tây (nay thuộc thủ đô Hà Nội). Lớn lên trong thời kỳ Pháp thuộc, thay vì theo đuổi nghề y như nguyện vọng của cha, danh họa Bùi Xuân Phái đã sớm nảy nở tình yêu với nghệ thuật, đặc biệt là hội họa.
Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, danh hoạ Bùi Xuân Phái thuộc thế hệ sau cùng của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông cùng danh hoạ Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng và Nguyễn Tư Nghiêm chủ yếu hoàn thành tốt nghiệp cùng thầy Tô Ngọc Vân trên chiến khu, nơi họ cùng tham gia kháng chiến, rồi sau này trở thành bộ tứ danh họa Việt Nam hiện đại.
Ảnh chụp Bùi Xuân Phái năm 1952, khi ông là một họa sĩ 32 tuổi, ông đang làm việc tại Studio 87 Thuốc Bắc cùng với lòng đam mê và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Ảnh do gia đình cung cấp.
Cuộc đời của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái vất vả hơn cả so với ba người bạn hoạ sĩ học cùng thầy với mình. Để trang trải học phí tại trường École Supérieure des Beaux-Arts de l'Indochine (trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam), ông đã miệt mài vẽ minh họa cho các tờ báo Hà Nội. Sau những tháng ngày học tập kiên trì, người họa sĩ tài danh của Việt Nam đã bán bức tranh đầu tiên của mình ở tuổi 20.
Ông có gia đình, đông con, bị thôi việc sớm, phục hồi muộn... chính vì thế mà điều kiện sáng tác của ông thu hẹp trong các bức họa nhỏ, với phương tiện ít ỏi. Ông thậm chí còn phải kiếm tiền vặt bằng công việc phục trang sân khấu và đi làm thợ mộc trong giai đoạn ba cùng.
Đương thời tranh của danh hoạ Bùi Xuân Phái rẻ tiền hơn so với những người bạn và ông cũng biếu tặng rất nhiều. Nhưng cuối cùng thì ông cũng có chỗ đứng trang trọng trong nền mỹ thuật Việt Nam, bởi cả sự nghiệp và tình yêu đối với đất nước, con người, rồi thể hiện được những đối tượng đó, bằng tình cảm tha thiết, bằng sự sáng tạo không mệt mỏi.
Với chất liệu sơn dầu, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã thổi hồn vào những bức tranh mang đậm nét cổ kính mà rất hiện thực về Phố cổ thủ đô thập niên 50, 60, 70 của thế kỷ 20.
Một số tác phẩm vẽ phố phường Hà Nội của danh hoạ Bùi Xuân Phái.
Không chỉ vẽ Hà Nội và dùng chất liệu sơn dầu, họa sĩ Bùi Xuân Phái còn có thể sáng tạo để vẽ các đề tài khác như nông thôn, tĩnh vật, chân dung... trên các chất liệu phong phú là giấy, gỗ, vải...
Những cống hiến của ông trong hội họa nhanh chóng được công chúng quan tâm, yêu mến và ghi nhận. Ông nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá cả ở trong nước và quốc tế, trong số đó có Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 1996); Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam 1997; Giải thưởng quốc tế (Leipzig, Đức) về trình bày cuốn sách "Hề chèo" (1982); Giải thưởng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (năm 1980); Giải thưởng Mỹ thuật Thủ đô các năm 1969, 1981, 1983, 1984...
Họa sĩ Bùi Xuân Phái mất ngày 24/6/1988 tại Hà Nội. Xưởng vẽ nhỏ của ông hiện trở thành bảo tàng, nơi ghi dấu những tác phẩm của người họa sĩ tài danh, để tôn vinh những di sản của một người hết lòng vì nghệ thuật.
Hà Tùng Long