“Đang có hội chứng lạm dụng chụp ảnh khỏa thân”

(Dân trí) - “Việc khoe vẻ đẹp cơ thể, lưu giữ vẻ đẹp cơ thể không có gì là xấu nhưng khoe thế nào cho đẹp, cho thẩm mỹ lại là vấn đề”, Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng đưa ra góc nhìn riêng xoay quanh việc cấm người đẹp, người mẫu Việt chụp ảnh khỏa thân.

Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng
Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng

Xoay quanh Thông tư mới của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (có hiệu lực từ ngày 15/5/2016) về việc cấm người mẫu, người đẹp ở Việt Nam chụp ảnh khỏa thân, trao đổi với phóng viên, Tiến sỹ Thế Hùng đã không ngần ngại đưa ra góc nhìn riêng:

Hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận xoay quanh Thông tư mới của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc cấm người mẫu, người đẹp ở Việt Nam chụp ảnh khỏa thân. Cụ thể là những người đẹp đoạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu sẽ không được chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông. Với quan điểm cá nhân, ông có thể nói gì về quy định này?

Tôi cho rằng quy định này hơi thái quá. Việc cấm những người đẹp không chụp ảnh, ghi hình ảnh không có trang phục tôi e là vi phạm quyền cá nhân. Chụp khỏa thân không xấu, chỉ xấu khi người chụp ảnh không có cái “tâm” và không có kỹ năng, trình độ của nhiếp ảnh.

Tôi đã có 5 năm vẽ nude. Ảnh nude hay nói là ảnh khỏa thân của người phụ nữ rất đẹp. Không phải tự nhiên mà người ta nói, phụ nữ là kiệt tác của vũ trụ. Khoe được cái đẹp của người phụ nữ là thiên chức của nghệ thuật, hội họa, nhiếp ảnh. Nhưng...dừng lại được ở đâu mới là vấn đề. Phô diễn được vẻ đẹp của người phụ nữ nhưng biết dừng lại (dùng trang phục, ánh sáng) làm sao để ảnh đẹp, gợi cảm nhưng không lõa lồ. Góc nhìn và cách tiếp cận của người chụp vô cùng quan trọng. Vì ranh giới giữa cái đẹp và nhảm nhí, đồi trụy rất gần.

Bức ảnh Lời của biển nằm trong cuốn sách Xuân thì đã xuất bản cuối năm 2007 của nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên
Bức ảnh "Lời của biển" nằm trong cuốn sách "Xuân thì" đã xuất bản cuối năm 2007 của nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên

Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, hiện nay không ít người đẹp chụp ảnh nude, vin vào nghệ thuật nhưng mục đích chính chỉ để... khoe thân, đánh bóng tên tuổi. Ông nghĩ sao?

Tôi nghĩ rằng đang có hội chứng lạm dụng chụp ảnh nude.

Việc khoe vẻ đẹp cơ thể, lưu giữ vẻ đẹp cơ thể không có gì là xấu nhưng khoe thế nào cho đẹp, cho thẩm mỹ lại là vấn đề. Như tôi đã nói, ranh giới giữa cái đẹp và nhảm nhí là rất mong manh. Cũng đường cong cơ thể ấy nhưng được thể hiện ở những bố cục, ảnh sáng và ý tưởng của những người có tâm, có trình độ thì rất đẹp. Ngược lại, người chụp không có trình độ, không có tầng văn hóa thì bức ảnh dễ bị phản tác dụng.

Hiện nay, đang có sự lẫn lộn giữa chụp ảnh nude nghệ thuật và ảnh nude dung tục. Một số bức ảnh gây ồn ào trên mạng chụp rất dở, thể hiện tầng nhận thức, thẩm mỹ kém của cả người chụp lẫn người mẫu.

Không chỉ giới showbiz, nhiều bạn trẻ bây giờ cũng đua nhau chụp ảnh lõa thể, bất chấp tai tiếng để được nhiều người biết đến. Với lý do như “bảo vệ môi trường” hay lưu giữ vẻ đẹp tuổi xuân bên...đầm sen, có vẻ như việc chụp ảnh “khoe thân” ngày càng nở rộ. Ông có thể chia sẻ gì về điều này?

Chụp ảnh khoe thân để gây chú ý là điều mà nhiều bạn trẻ hiện nay thích làm, đôi khi vì mục đích cá nhân, muốn được nhiều người biết đến. Cũng có nhiều bạn có suy nghĩ đơn giản rằng cứ khoe da thịt là đẹp, là nghệ thuật.

Một số người muốn lưu lại khoảnh khắc đẹp của cơ thể trong một không gian đẹp nhưng họ lại không chọn được nghệ sĩ chụp ảnh đích thực mà là các thợ ảnh không có trình độ. Chính vì thế vẻ đẹp của người phụ nữ bị tiếp cận với góc nhìn dung tục, phản cảm.

Từ lâu, tôi vẫn phản đối việc nhiều đầm sen của Hà Nội không kiểm soát được việc chụp ảnh. Có những thời điểm người đến chụp đông cứng, chen chúc nhau để có được bức ảnh tạo ra cảnh lộn xộn, mất mỹ quan.

Nhiều cô gái trẻ không ngại khoe da thịt để có những bức ảnh để đời ở đầm sen (Ảnh: D.L)
Nhiều cô gái trẻ không ngại khoe da thịt để có những bức ảnh "để đời" ở đầm sen (Ảnh: D.L)

Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng, trào lưu chụp ảnh “khoe thân” ở giới trẻ đã tạo điều kiện cho những “tay máy vườn”, ít trình độ hoạt động. Điều này, vô tình đã ảnh hưởng đến những nhiếp ảnh gia chụp nude thực thụ?

Không phủ nhận là trong thời đại hiện nay, việc sở hữu một chiếc máy ảnh không khó, ai cũng có thể cầm máy chụp ảnh, nhưng điều đó không có nghĩa là ai cũng là nhiếp ảnh gia. Tôi nghĩ, cần phải có những quy định, chế tài cụ thể về hoạt động nhiếp ảnh chuyên nghiệp với những tay máy nghiệp dư.

Ở Việt Nam, tôi đánh giá nhiếp ảnh chụp nude đẹp có Thái Phiên, Dương Quốc Định...

Xin cám ơn ông!

Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng, nguyên là giảng viên trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn - Đai học Quốc gia Hà Nội, từng tham gia giảng dạy bộ môn Mỹ học, Nghệ thuật học, Văn hóa doanh nghiệp và Quản lý xã hội về Văn hóa văn nghệ tại hơn 10 trường Đại học của Việt Nam.

Ngoài giảng dạy, Tiến sỹ Thế Hùng từng đi thuyết trình 12 chuyên đề về kỹ năng sống với hơn 1.400 cuộc cho gần 700 đơn vị khắp cả nước.

Ở tuổi 69, Tiến sỹ Thế Hùng là người đầu tiên thực hiện chương trình “Từ thiện trí tuệ” trong 10 năm, tặng miễn phí 1000 cuộc thuyết trình cho các trường học, cơ quan kể từ ngày 1/6/2016.

Nguyễn Hằng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm