Đăng ảnh lên Facebook phải xin giấy phép?

(Dân trí) - Mấy ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện khá nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến Nghị định 72/2016/NĐ-CP quy định về hoạt động nhiếp ảnh vừa ban hành. Điều nhiều người quan tâm nhất chính là việc đăng tải, giới thiệu, phổ biến… hình ảnh trên Facebook, website cá nhân có phải xin cấp giấy phép từ cơ quan quản lý văn hóa hay không?

Đăng ảnh lên Facebook phải xin phép?

Khái niệm “tác phẩm nhiếp ảnh” được Nghị định này giải thích rõ tại khoản 4, điều 3 rằng: “Tác phẩm nhiếp ảnh là sản phẩm sáng tạo thể hiện hình ảnh thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra, hay có thể được tạo ra bằng các phương pháp hóa học, điện tử hoặc phương pháp kỹ thuật khác”. Ở đây, có thể hiểu nôm na tác phẩm nhiếp ảnh là ảnh do cá nhân hoặc tập thể tạo ra.

Khoản 9, điều 3 của Nghị định này cũng ghi rõ: “Triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh là hình thức phổ biến, giới thiệu, trưng bày, trình chiếu tác phẩm nhiếp ảnh, bao gồm cả triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng internet”. Và nếu chiếu theo điều 11 của Nghị định này thì bất kỳ tổ chức, cá nhân muốn tổ chức/công bố triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh tại Việt Nam đều phải có giấy phép triển lãm.

Nhiều người cho rằng, dựa vào những điều khoản đã nêu của 72/2016/NĐ-CP thì có thể hiểu, bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào muốn đăng tải một hoặc nhiều hình ảnh lên Facebook đều phải làm thủ tục xin giấy phép “triển lãm ảnh trên internet” vì đây cũng có thể xem là hành vi công bố, phổ biến, giới thiệu, trưng bày một tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng internet.

Facebooker Hoàng Trần (Hà Nội) thắc mắc rằng: “Theo tinh thần của Nghị định 72/2016/NĐ-CP thì khi muốn đăng tải một hình ảnh selfie (ảnh tự chụp bản thân) lên Facebook, tôi sẽ phải làm đơn đề nghị cấp giấy phép đăng tải ảnh, tức giấy phép triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh. Sau đó, tôi phải chờ 7 ngày để một hội đồng thẩm định, thẩm định xem bức ảnh đó có phù hợp với nếp quy định không rồi mới được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Nếu chưa được cấp phép mà cá nhân tự đăng ảnh đó lên Facebook là vi phạm 72/2016/NĐ-CP và sẽ bị xử phạt theo quy định, kèm đó là phải xoá hình ảnh đó trên trang Facebook cá nhân?”.

Facebooker này cũng cho rằng, nếu những điều anh thắc mắc là đúng thì những điều khoản của Nghị định này đã bao hàm quá rộng những hành động thường ngày của một con người, đặc biệt là trong thời đại công nghệ kỹ thuật số.

Nhiếp ảnh gia Tô Thanh Tân cho rằng, ảnh cá nhân không vi phạm pháp luật hoặc thuần phong mỹ tục thì các cơ quan quản lý không nên can thiệp. Ảnh: TL.
Nhiếp ảnh gia Tô Thanh Tân cho rằng, ảnh cá nhân không vi phạm pháp luật hoặc thuần phong mỹ tục thì các cơ quan quản lý không nên can thiệp. Ảnh: TL.

Nhiếp ảnh gia Tô Thanh Tân (Hà Nội) cũng chia sẻ rằng, anh thấy các điều khoản vừa nêu của Nghị định 72/2016/NĐ-CP có phần hơi hài hước và anh chỉ dám nghĩ đó là chuyện đùa. Cá nhân nhiếp ảnh gia nổi tiếng này nghĩ những gì thuộc về quyền con người tối thiểu thì cơ quan quản lý đừng can thiệp vào.

“Facebook là một trang mạng xã hội, nó là phương tiện giúp người “chơi” kết nối với bạn bè và thoả mãn các nhu cầu cơ bản như chia sẻ thông tin và hình ảnh. Những hình ảnh vi phạm pháp luật hoặc trái với thuần phong mỹ tục bị xử lý là không phải bàn cãi, còn những hình ảnh bình thường cớ sao phải xin giấy phép. Ảnh do tôi chụp, ảnh không vi phạm điều gì cả… vậy sao để được tăng tải một tấm ảnh lên trang cá nhân của mình tôi lại phải bỏ hết việc nhà việc cửa để chạy đôn chạy đáo đi khắp nơi xin giấy phép. Chính phủ đang hướng tới việc tinh gọn các thủ tục hành chính ở Việt Nam vậy sao còn “đẻ” ra những cái nhiêu khê và bất tiện như thế này làm gì? Thử tính, nếu một ngày mà hàng nghìn, hàng triệu người cùng bỏ việc chạy đến các cơ quan quan lý chỉ để xin một cái giấy phép đăng tải ảnh lên Facebook thì xã hội sẽ ra sao, đất nước sẽ phát triển như thế nào?”, nhiếp ảnh Tô Thanh Tân nói.

Theo nhiếp ảnh Tô Thanh Tân, khi đưa ra Nghị định nào những người làm luật nên chặt chẽ về câu từ. Đừng để khi Nghị định ban hành không thuyết phục được mọi người lại còn gây nên những ồn ào không đáng có.

Hiểu sai về phạm vi điều chỉnh

Trước sự việc này, ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Việt Nam cho rằng, những điều mà cư dân mạng và một số nhiếp ảnh đang hiểu là sự hiểu nhầm về khái niệm. Ông Thành cho rằng, những điều khoản quy định về triển lãm ảnh trên internet không bao hàm Facebook hoặc đối tượng “chơi” Facebook.

Những quy định về triển lãm có thể hiểu rằng, khi nào cá nhân lập ra một website và mời gọi mọi người gửi ảnh vào trang website đó. Ai cũng có thể vào trang website đó để xem ảnh, đó mới là hình thức công bố triển lãm, ông Vi Kiến Thành nói. Ảnh minh hoạ.
Những quy định về triển lãm có thể hiểu rằng, khi nào cá nhân lập ra một website và mời gọi mọi người gửi ảnh vào trang website đó. Ai cũng có thể vào trang website đó để xem ảnh, đó mới là hình thức công bố triển lãm", ông Vi Kiến Thành nói. Ảnh minh hoạ.

“Những quy định về triển lãm có thể hiểu rằng, khi nào cá nhân lập ra một website và mời gọi mọi người gửi ảnh vào trang website đó. Ai cũng có thể vào trang website đó để xem ảnh, đó mới là hình thức công bố triển lãm. Với tinh thần đó, những đứng ra tổ chức website trên mạng mới thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định này, còn những người chơi Facebook đơn thuần không nằm trong đối tượng điều chỉnh. Facebook là trang cá nhân của mọi người, không ai can thiệp vào được cả”, ông Thành nói.

Ông Thành khẳng định thêm, bản thân Nghị định này không xem Facebook là một trang website cá nhân nên việc đưa hình ảnh lên Facebook miễn không vi phạm quy định của pháp luật hoặc trái với thuần phong mỹ tục đều được phép.

Thực tế, nhiều người Việt cho rằng, họ vẫn chưa quen với khái niệm “triển lãm ảnh onilne” hoặc “triển lãm ảnh trên internet”. Và giả sử họ lập một website nội bộ, rồi kêu gọi mọi người trong công ty đăng ảnh lên để lập thành một cuốn kỷ yếu điện tử hoặc kỷ niệm một sự kiện nào đó của công ty thì có được xem là “triển lãm online” hay không?, ông Vi Kiến Thành trả lời rằng, đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa lường hết được những hình thức sẽ diễn ra trên internet khi công nghệ phát triển. Vì thế, nếu bây giờ đi tranh luận với nhau thuật ngữ này mới đúng, thuật ngữ kia chưa chuẩn thì sẽ không bao giờ đi đến được hồi kết.

Người chơi Facebook không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 72. Ảnh minh hoạ.
Người chơi Facebook không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 72. Ảnh minh hoạ.

“Nghị định ban hành chỉ nói làm sao để bao hàm được nghĩa chung chung nhất cho người ta hiểu được hoạt động này sẽ như thế này. Thời thế bây giờ, công nghệ luôn luôn thay đổi, nó biến động liên tục. Chính những người thắc mắc điều này còn chưa biết được còn có những gì sẽ xảy ra trong nay mai trên internet”, ông Thành chia sẻ.

Ông Thành cũng cho rằng, việc lập website rồi kêu gọi mọi người đăng ảnh rồi mời mọi người vào xem, không kể vài ba ngày mà khi nào đăng ảnh đều phải làm thủ tục xin phép. “Làm sao thả cửa chỗ này được. Làm thế thì quản lí nhà nước làm sao được. Bây giờ việc sử dụng hình ảnh và phát tán hình ảnh phức tạp như thế mà buông lỏng chỗ này còn nói làm gì nữa”, ông Thành nhấn mạnh.

"Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về hoạt động nhiếp ảnh và quản lý nhà nước về hoạt động nhiếp ảnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động nhiếp ảnh tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Hoạt động nhiếp ảnh bao gồm: Vận động sáng tác, tổ chức trại sáng tác, thi, liên hoan, triển lãm, mua, bán và sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh.

2. Tác giả nhiếp ảnh là người sáng tạo ra tác phẩm nhiếp ảnh.

3. Đồng tác giả nhiếp ảnh là hai hay nhiều tác giả cùng sáng tạo ra một tác phẩm nhiếp ảnh.

4. Tác phẩm nhiếp ảnh là sản phẩm sáng tạo thể hiện hình ảnh thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra, hay có thể được tạo ra bằng các phương pháp hóa học, điện tử hoặc phương pháp kỹ thuật khác. Tác phẩm nhiếp ảnh có chú thích ảnh hoặc có thể không có chú thích ảnh.

5. Chuyển chất liệu là hình thức sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh để thể hiện sang chất liệu khác với chất liệu ban đầu.

6. Kết hợp với loại hình nghệ thuật khác là hình thức sử dụng một phần hoặc toàn bộ tác phẩm nhiếp ảnh để tạo nên sản phẩm thuộc loại hình nghệ thuật: Mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh và các loại hình khác.

7. Thi tác phẩm nhiếp ảnh là hoạt động tuyển chọn và công bố tác phẩm nhiếp ảnh, có giải thưởng, bao gồm cả thi tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng internet.

8. Liên hoan tác phẩm nhiếp ảnh là hoạt động tập hợp, công bố và triển lãm, giao lưu, trưng bày tác phẩm nhiếp ảnh, có giải thưởng hoặc không có giải thưởng, bao gồm cả liên hoan tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng internet.

9. Triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh là hình thức phổ biến, giới thiệu, trưng bày, trình chiếu tác phẩm nhiếp ảnh, bao gồm cả triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng internet.

10. Vận động sáng tác tác phẩm nhiếp ảnh là hoạt động khuyến khích sáng tác tác phẩm nhiếp ảnh có chủ đề, mục đích cụ thể, có giải thưởng hoặc không có giải thưởng, bao gồm cả vận động sáng tác tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng internet.

11. Trại sáng tác nhiếp ảnh là nơi tập trung các tác giả nhiếp ảnh sáng tác theo cùng mục đích, chủ đề do cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức"- Trích Nghị định 72/2016/NĐ-CP.

Hà Tùng Long