Đàn tế tại Hoàng thành độc đáo tới mức nào?

Hiện các nhà khoa học vẫn còn đặt nhiều giả thiết quanh di tích kiến trúc “chưa từng thấy”, được cho là đàn Tế trời- thu hút dư luận ngay khi GS Phan Huy Lê tiết lộ tại Hội sách Hà Nội.

Một phần di tích phát lộ tại Hoàng thành. Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN
Một phần di tích phát lộ tại Hoàng thành. Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN

Kiến trúc lạ

Sự sửng sốt của các chuyên gia tham gia dự án khai quật khảo cổ học địa điểm Vườn Hồng, thể hiện ở tên gọi báo cáo tóm tắt về “Di tích kiến trúc lạ thời Lý”. Đầu năm 2014, trong quá trình xây dựng đường hầm và bãi xe ngầm của công trình Nhà Quốc hội, một kiến trúc lạ phát lộ, nằm hoàn toàn trong nền kiến trúc thời Lý tại hố G01, xuyên qua lớp văn hóa Đại La và sâu xuống lớp đất sinh thổ.

“Tôi chưa biết di tích nào có cấu trúc đặc biệt như vậy được phát hiện trong các di tích kinh thành ở Việt Nam, cũng như trên thế giới. Đặc biệt, dù trải qua gần 10 thế kỷ, khi được phát hiện di tích vẫn giữ được phần lớn”, GS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN, chia sẻ.

Ngày 18/2/2014, Thủ tướng thăm di tích và yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao Viện Khảo cổ học tổ chức hội thảo đánh giá giá trị và đề xuất giải pháp bảo tồn. Cuộc họp có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành đã đưa ra vài nhận định ban đầu về kiến trúc lạ, với nhiều giả thiết khác nhau.

Viện Khảo cổ đề xuất được bảo tồn nguyên trạng phần lõi của di tích ở phần xuất lộ (25,2m x 15,4m) khoảng 500 m2, vì không thể nới rộng thêm được nữa. Vùng phía ngoài di tích, kể cả phần chưa khai quật lên đến hơn 6.000 m2.

Theo GS Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, di tích có cột đá xoay trục, nên có thể liên quan đến hội đèn Quảng Chiếu.

GS Hoàng Văn Quán giả thiết, nó liên quan tới kiến trúc của một tòa tháp Cửu Phẩm Liên Hoa (pháp khí hình tháp của Phật giáo với 9 tầng hoa sen, hình lục lăng hoặc bát giác).

“Đây là di tích thời Lý ở thế kỷ 11, không phải kiến trúc thành quách hay tôn giáo mà là kiến trúc tâm linh, có thể liên quan tới phật giáo Mật Tông. Tuy nhiên kiến trúc kiểu này nhưng chưa xuất hiện ở Trung Quốc hay Nhật Bản, nên có thể là kiến trúc trấn yểm”, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN nói.

Trong báo cáo của chủ nhiệm dự án, PGS.TS Tống Trung Tín bước đầu ghi nhận, có thể đoán định đây là loại hình kiến trúc đặc biệt liên quan đến các nghi lễ tâm linh đặc biệt nào đó của Vương triều Lý trong khu vực Hoàng thành Thăng Long.

Với sự hiện diện của những lá đề gỗ chạm rồng chôn ở bên trong kiến trúc trung tâm, bước đầu có thể nghĩ rằng kiến trúc này liên quan đến một nghi lễ Phật giáo quan trọng của Vương triều Lý.

Chi tiết trung tâm của di tích
Chi tiết trung tâm của di tích

Bảo tồn thế nào?

 

Theo GS Nguyễn Quang Ngọc, sự nguyên vẹn của di tích từ đầu thế kỷ 11 này chứng tỏ nó được tôn trọng tuyệt đối trong lịch sử. GS. Kunikazu (Nhật Bản) nêu giả thiết tại hội thảo quốc tế, đây chính là Minh đường hoặc Thiên đường, nơi vua “nhận mệnh trời”.

“Tuy nhiên sử sách không hề nhắc đến Minh đường của chúng ta. Trong Chiếu dời đô, Lý Thái Tổ nhắc tới việc rút kinh nghiệm trong xây dựng mô hình thành quách của Trung Quốc. Như vậy, có thể kiến trúc mới phát hiện giống Minh đường, nhưng tên gọi khác”, GS Nguyễn Quang Ngọc nói.

Theo ông, khả năng đây chính là đàn Tế trời-đất được xây dựng gấp rút, sử dụng trong thời kỳ đầu định đô. Vì lúc ấy chưa có đàn Nam Giao (tế trời), Xã tắc (tế đất). Đàn Xã tắc do vua Lý Thái Tông cho xây dựng năm 1048, còn đàn Nam Giao được xây dựng khoảng năm 1152.

Trong suốt quá trình phát hiện di tích, Thủ tướng chỉ đạo kịp thời nghiên cứu và tìm giải pháp bảo tồn. Tại các hội thảo đầu bờ và hội thảo khoa học quốc tế, các chuyên gia khoa học nhất trí kiến nghị Thủ tướng xem xét cho phương án bảo tồn nguyên trạng kiến trúc tâm linh đặc biệt:

Vì một số lí do như tính thiêng, giá trị to lớn thể hiện tinh thần độc lập và tự tôn dân tộc rất cao. Bởi tư tưởng Đại Hán cho rằng, chỉ họ mới có quyền nhận mệnh trời, các nước xung quanh không được phép. Nhật Bản từng xây dựng Minh đường, song phải bỏ. Triều Tiên mãi đến thế kỷ 18, 19 mới được tế trời.

Trong báo cáo của Viện Khảo cổ VN, bước đầu đưa phương án bảo tồn. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chỉ đạo Viện Khảo cổ tư liệu hóa bằng phương án scan 3D.

Theo đề xuất, ở giai đoạn 1, di tích được lấp cát và lấp đất bảo tồn theo quy trình khoa học. Ở giai đoạn 2, các chuyên gia đề nghị phục dựng nguyên trạng của di tích ở trên mặt đất theo phương pháp của Nhật Bản. Sau đó, kết nối di tích kiến trúc tâm linh đặc biệt này với kiến trúc Bát Giác, tạo thành chỉnh thể kiến trúc Hoàng cung thời Lý.

Theo Toan Toan

Tiền Phong