Dàn “Táo Quân” hội ngộ các thế hệ vàng của làng sân khấu Hà Nội
(Dân trí) - Các nghệ sĩ Công Lý, Quang Thắng, Tự Long, Xuân Bắc, Vân Dung… vui mừng khi được gặp lại các nghệ sĩ gạo cội của sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội nhân 60 năm thành lập.
Sáng 27/12, Nhà hát Kịch Hà Nội đã long trọng kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Đây được xem là ngày hội để các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên… từng gắn bó với Nhà hát hội ngộ.
Nhiều nghệ sĩ lớn tuổi như: NSND Trần Hạnh, NSND Hoàng Cúc, NSND Hoàng Dũng, NS Kim Xuyến, NSƯT Minh Vượng… cũng đến dự.
Theo NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, năm 1959, Đoàn Văn công nhân dân Hà Nội được thành lập, trong đó có đội kịch nói do đồng chí Đinh Thiện Bao làm Trưởng đoàn và đạo diễn Trần Huyền Trân làm Phó đoàn. Đó chính là tiền thân của Nhà hát Kịch Hà Nội.
Vượt qua bao biến cố của lịch sử, vượt qua những thử thách và khó khăn trong từng giai đoạn phát triển văn hoá - kinh tế của đất nước, Nhà hát Kịch Hà Nội luôn dẫn đầu về biểu diễn thực hiện nhiệm vụ chính trị, dàn dựng nhiều tác phẩm mang hơi thở cuộc sống và có giá trị nghệ thuật cao.
Nhiều tác phẩm kịch nói đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc của Nhà hát Kịch Hà Nội như: Lam Sơn tụ nghĩa, Đêm tháng 7, Bức tranh mùa gặt, Tôi và chúng ta, Luỹ hoa, Hà My của tôi, Thầy Khoá làng tôi, Cát bụi, Đứa con bị đánh cắp, Điện thoại di động, Tình sử ngàn năm, Những gương mặt thấp thoáng, Những người con Hà Nội, Hà Thành chính khí, Ngôi nhà trong thành phố…
Nhà hát Kịch Hà Nội là cái nôi của nhiều thế hệ nghệ sĩ - diễn viên kịch nói tài năng, được nhân dân cả nước mến mộ. Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, Nhà hát đã có 9 NSND, 23 NSƯT và biểu diễn được hơn 200 vở diễn - chương trình lớn.
“60 năm dấu ấn vàng son đã minh chứng Nhà hát Kịch Hà Nội là một điểm sáng rực rỡ trong nền sân khấu kịch nói nước nhà. Một Nhà hát có phong cách nghệ thuật được đánh giá rất cao bởi những giải thưởng, những bằng khen và những danh hiệu cao quý.
Một thương hiệu “kịch Hà Nội” không thể thay thế, không thể trộn lẫn. Đó là sự tinh tế, lịch lãm và hào hoa trong diễn xuất, là sự nhạy bén về thời sự, sắc sảo về chính trị, đó là sự kiên định về phong cách chính kịch mà nhà hát Kịch Hà Nội đã xây dựng, gìn giữ và không ngừng phát triển trong suốt những năm qua”, NSND Trung Hiếu phát biểu.
NSND Thu Hà chia sẻ: “Chị cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi là một thành viên của “ngôi nhà” Nhà hát Kịch Hà Nội. Nơi đây đã cho chị được cháy hết mình với đam mê, được thăng hoa với từng nhân vật trong các vở kịch và được khán giả gần xa mến mộ.
Điều đáng quý là trong quá trình phát triển, dù đối diện với nhiều thử thách và khó khăn nhưng tập thể Nhà hát vẫn luôn sát cánh kề vai để cho ra những vở kịch giàu thông điệp nghệ thuật và chứa đựng nhiều giá trị thời đại”.
NSND Hoàng Dũng bày tỏ: “Là người gắn bó với Nhà hát Kịch Hà Nội từ khi mới tốt nghiệp Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội từ năm 1978 cho đến lúc về nghỉ hưu năm 2017, mọi vinh quang và hạnh phúc tôi có được đều từ đây.
Nhớ về những ngày tháng đầu về Nhà hát, tôi vẫn chưa thể quên hết được khó khăn và thiếu thốn mà tập thể Nhà hát phải kinh qua. Đời sống nghệ sĩ lúc đó có rất nhiều nỗi niềm. Có nhiều nghệ sĩ phải làm thêm nhiều công việc khác nhau để được nuôi dưỡng đam mê.
Nay 60 năm nhìn lại những mốc son mà Nhà hát đi qua, chúng tôi cảm thấy rất vinh dự. Bản thân tôi dù đã nghỉ hưu nhưng mỗi khi Nhà hát cần tôi vẫn luôn sẵn sàng quay lại để hỗ trợ”.
Nhân dịp này, ngoài việc đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, Nhà hát còn ra mắt bộ nhận diện thương hiệu. Logo của Nhà hát được lấy cảm hứng từ kiến trúc mái vòm của trụ sở đơn vị, vì thế, logo mới giống như một vầng thái dương bừng sáng lúc bình minh, tựa như niềm hy vọng mãnh liệt của toàn thể nhà hát vào một tương lai của nền kịch nói nước nhà, sẽ sớm quay trở lại thời kỳ vàng son.
“Định hướng của nhà hát Kịch Hà Nội trong tương lai chính là phấn đấu trở thành một nhà hát đa năng lấy kịch nói làm trung tâm”, NSND Trung Hiếu cho biết.
Một số hình ảnh nghệ sĩ trong sự kiện:
Hà Tùng Long
Ảnh: Quý Đoàn - Vũ Toàn