Dàn diễn viên gạo cội phim "Sao Tháng Tám" bây giờ ra sao?

Nguyễn Hằng

(Dân trí) - Nhắc đến bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt, khán giả không thể quên những tên tuổi làm nên "Sao Tháng Tám" như đạo diễn, NSND Trần Đắc, NSƯT Thanh Tú, nghệ sĩ Dũng Nhi, NSƯT Đức Hoàn...

"Sao Tháng Tám" được coi là bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt, giúp khán giả hiểu sâu sắc nhất về nạn đói năm 1945, về cuộc sống lầm than của dân ta và khắc họa cuộc kháng chiến lừng lẫy trong lịch sử.

Dàn diễn viên gạo cội phim Sao Tháng Tám bây giờ ra sao? - 1

"Sao Tháng Tám" (Giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4 năm 1977) được đánh giá là bộ phim thành công nhất về Cách mạng tháng Tám (1945) tính đến thời điểm hiện tại. 

Bộ phim đen trắng màn ảnh rộng đầu tiên làm về đề tài Cách mạng tháng Tám được sản xuất từ năm 1957 - 1976 của cố đạo diễn, NSND Trần Đắc đoạt Giải Bông sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 4 năm 1977 được đánh giá là bộ phim thành công nhất về Cách mạng tháng Tám (1945) tính đến thời điểm hiện tại.

Nhắc đến bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt, khán giả không thể quên những tên tuổi đã làm nên "Sao Tháng Tám" như đạo diễn, NSND Trần Đắc, NSƯT Thanh Tú, nghệ sĩ Dũng Nhi, NSƯT Đức Hoàn, NSƯT Thanh Hiền… Dàn diễn viên gạo cội năm xưa, người đã rời cõi tạm, người tìm cách thoát khỏi cái bóng nhân vật hiền lành, khắc khổ và làm mới hình ảnh ở các vai phản diện…

Nỗ lực làm mới hình ảnh trong mắt khán giả

Với vai diễn nữ cán bộ cách mạng tên Nhu, NSƯT Thanh Tú giành giải Bông Sen Vàng cho nữ diễn viên xuất sắc nhất năm 1977. Xuất thân từ Đoàn kịch Hà Nội (nay là Nhà hát Kịch hà Nội), Thanh Tú không chỉ gặt hái thành công ở lĩnh vực điện ảnh mà còn là diễn viên sân khấu tài năng.

Dàn diễn viên gạo cội phim Sao Tháng Tám bây giờ ra sao? - 2

Sau những vai chính diện, giờ NSƯT Thanh Tú được "định hình" với những vai "bà già quái thai".
 

Sau vai chị Nhu, bà xuất hiện không nhiều trên phim ảnh. Khoảng năm 2011, Thanh Tú bất ngờ trở lại với hai bộ phim truyền hình: "Bà nội không ăn bánh pizza", "Lời thú tội của Eva" với vai diễn có tính cách trái ngược với những vai chính diện trước đây, thậm chí có phần, điệu đà, "quái thai".

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, NSƯT Thanh Tú tâm sự: "Trước kia tôi hay đóng vai người yêu, vợ, bà chị, người mẹ. Tất cả những nhân vật ấy đều là nhân vật chính diện. Nhưng đến khi có tuổi, từ bộ phim "Bà nội không ăn bánh pizza" đạo diễn cho mình đóng vai bà già, mà tôi cứ đùa rằng "bà già quái thai". Từ đó, tôi bị "định hình" luôn. Tôi nghĩ như thế này: mình cứ thay đổi cách diễn đi. Bây giờ, tôi đóng những nhân vật có tuổi một chút nhưng mà nhân vật có tính cách".

Về đời sống riêng, bà trải qua hai cuộc hôn nhân với đạo diễn Phạm Kỳ Nam và đạo diễn Lê Cường Việt. Con trai lớn của bà sống bên Pháp. Con gái cũng có cuộc sống riêng, hết lòng vì chồng con. Ở cái tuổi ngoài 70, NSƯT Thanh Tú có cuộc sống dư dả vật chất, lấy cháu ngoại làm niềm vui…

Không chỉ có NSƯT Thanh Tú rẽ ngoặt sang dạng vai "lệch", NSƯT Thanh Hiền - người được khán giả yêu mến với vai chị nông dân tên Mến trong phim "Sao Tháng Tám" cũng làm mới hình ảnh với vai diễn phản diện khi ở tuổi không còn trẻ.

Nữ diễn viên tâm sự, trong suốt sự nghiệp diễn xuất, bà từng bị "đóng khung" hình tượng người phụ nữ nông thôn cam chịu, khắc khổ. Và bản thân bà đã nỗ lực thử nhiều dạng vai để thoát khỏi "cái bóng" nhân vật hiền lành nhưng không thành công. Phải đến vai diễn bà mẹ ích kỷ, cay nghiệt, bất chấp lý lẽ trong "Mùa hoa tìm lại" mới đây, NSƯT Thanh Hiền mới có vai phản diện ghi dấu ấn.

Cùng lứa với Thanh Hiền, nhiều người đã "rửa tay gác kiếm", nhưng bà vẫn miệt mài với nghiệp diễn, vai lớn vai nhỏ cũng không nề hà. "Với tôi, được diễn là hạnh phúc. Ở nhà, tôi ăn kiêng dữ lắm nhưng đi ra phim trường, tôi ăn cơm hộp ngon lành. Xách túi ra đi sung sức lắm, về nhà mới thấy mệt. Là người nhiều tuổi nhất đoàn nhưng tôi luôn đến sớm nhất. Tôi thấy cuộc đời ngắn ngủi lắm, còn sức thì còn cống hiến cho nghề thôi", bà từng chia sẻ.

Dàn diễn viên gạo cội phim Sao Tháng Tám bây giờ ra sao? - 3

NSƯT Thanh Hiền vào vai cô Mến trong "Sao Tháng Tám".

Dàn diễn viên gạo cội phim Sao Tháng Tám bây giờ ra sao? - 4

Vai diễn lột xác của NSƯT Thanh Hiền trong "Mùa hoa tìm lại".

Với diễn viên Dũng Nhi, ông được đánh giá là nghệ sĩ đa tài, có khả năng biến hóa và thành công cả ở vai chính diện và phản diện. Ông được đạo diễn Trần Đắc giao vai thanh niên trí thức tên Kiên trong "Sao Tháng Tám" khi mới hơn 20 tuổi. Dù chỉ là diễn viên tay ngang nhưng Dũng Nhi đã lột tả chân thực một thanh niên trí thức đến với cách mạng nhưng vẫn xót xa, yêu thương người chị gái lầm lạc, làm chỉ điểm cho giặc (cố NSƯT Đức Hoàn).

Sau thành công của phim "Sao Tháng Tám", Dũng Nhi vẫn miệt mài đóng phim và liên tục gặt hái thành công với hàng loạt vai diễn đa dạng trong các bộ phim: "Đàn trời", "Chạy án", "Bí thư tỉnh ủy"…

Ông luôn cho rằng, đứng sau thành công của những vai diễn của mình có vai trò không nhỏ của người vợ đảm đang, biết sẻ chia.

Dàn diễn viên gạo cội phim Sao Tháng Tám bây giờ ra sao? - 5

Sau phim "Sao Tháng Tám", Dũng Nhi (ngoài cùng bên trái) thành công cả ở vai chính diện và phản diện.

"Ông Trần Đắc, chị Đức Hoàn cũng mất rồi..."                              

Nhắc đến dàn diễn viên gạo cội của "Sao Tháng Tám" cũng không thể không nhắc đến vai diễn ấn tượng - nhân vật chỉ điểm Kiều Trinh của NSƯT Đức Hoàn. Vào vai một nhân vật phản diện gây bức xúc với khán giả nhưng Kiều Trinh cũng khiến nhiều người xót xa vì sự yêu thương, hối hận dâng trào khi biết bản thân là kẻ gián tiếp gây ra cái chết cho người em trai.

Dàn diễn viên gạo cội phim Sao Tháng Tám bây giờ ra sao? - 6

Cố NSƯT Đức Hoàn thủ vai phản diện, Kiều Trinh trong "Sao Tháng Tám".

Không chỉ khẳng định về diễn xuất, NSƯT Đức Hoàn còn được coi là nữ nghệ sĩ tài hoa, nhan sắc hiếm có của màn bạc Việt Nam.

Trước vai Kiều Trinh, bà đã được khán giả nhớ đến với vai Mỵ trong phim "Vợ chồng A Phủ" của đạo diễn Mai Lộc, sản xuất năm 1961. Bà cũng sở hữu một loạt vai diễn ấn tượng trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật như Hoan trong "Đi bước nữa", vợ Đoàn trong "Bình minh trên rẻo cao", vợ bộ trưởng trong "Thị trấn yên tĩnh"…

Từ năm 1967 đến 1972, bà sang Liên Xô học lớp đạo diễn điện ảnh ĐH quốc gia Matxcơva. Về nước, bà làm đạo diễn, biên kịch cho nhiều bộ phim như: "Hà Nội mùa chim làm tổ", "Tình yêu và khoảng cách", "Đời mưa gió", "Khách ở quê ra"...

Ngày 2/4/ 2003, NSƯT Đức Hoàn qua đời, hưởng thọ 66 tuổi.

Trước NSƯT Đức Hoàn, đạo diễn, NSND Trần Đắc cũng ra đi mãi mãi vào năm 1995 tại Hà Nội.

Cố đạo diễn Trần Đắc nguyên là phó giám đốc nghệ thuật Xưởng phim truyện Việt Nam. Ông xuất thân là giám đốc Sở văn hóa của tỉnh Hưng Yên, sau được cử đi học đạo diễn tại trường VGIK (Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô). Ngoài làm phim, quản lý nghệ thuật, ông còn viết báo, dịch thuật, tham gia giảng dạy tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội- góp phần đào tạo nên nhiều thế hệ đạo diễn điện ảnh khắp cả nước.

Ông là đạo diễn của các bộ phim đã trở thành kinh điển của nền điện ảnh nước nhà như: "Ga", "Bài ca ra trận", "Sao Tháng Tám", "Thời hiện đại"…

NSƯT Thanh Tú cho biết, trong khi người khác phản đối thì cố đạo diễn vẫn kiên định chọn bà vào vai chị Nhu trong "Sao Tháng Tám". Những năm trước bà vẫn liên lạc với chị Hảo hóa trang, anh Hùng quay phim, nghệ sĩ Dũng Nhi… còn "ông Trần Đắc thì mất rồi. Chị Đức Hoàn cũng mất rồi..."

Dàn diễn viên gạo cội phim Sao Tháng Tám bây giờ ra sao? - 7

Trong khi nhiều người phản đối Thanh Tú vào vai nữ cán bộ cách mạng vì ngoại hình hiện đại, ăn chơi thì đạo diễn Trần Đắc kiên quyết nhắm chị vào vai này.

Chia sẻ kỷ niệm về cố đạo diễn Trần Đắc, NSƯT Thanh Tú kể: "Cái duyên đến từ lần tôi đến thử vai chị Dậu trong bộ phim, dựa trên cuốn tiểu thuyết "Tắt đèn" của nhà văn Ngô Tất Tố. Khi đó, ông Phạm Văn Khoa không chọn tôi cho phim "Chị Dậu" nhưng ông Trần Đắc... chọn luôn tôi vào vai chị Nhu trong phim "Sao Tháng Tám".

Bộ phim "Sao Tháng Tám" là bộ phim dài 2 tập lần đầu tiên lên màn ảnh rộng, là bộ phim tái hiện lại Cách mạng tháng Tám. Nhân vật tôi đóng là một nữ cán bộ cách mạng hóa thân nhiều người: lúc là nông dân, lúc là công nhân, lúc là tiểu thư, lúc là phụ nữ tư sản, lúc là nhà sư... Để vào vai diễn hóa thân nhiều số phận như thế không phải là đơn giản.

Khi đó người của Hãng phim cũng gợi ý một số diễn viên khác vì đây là phim của hãng và cũng cho rằng ngoại hình hiện đại "ăn chơi" của tôi không phù hợp với vai diễn, nhưng anh Trần Đắc khăng khăng chỉ chọn tôi.

Phim "Chị Dậu" của Phạm Văn Khoa phải thử... mấy chục cô, phim "Đến hẹn lại lên", đạo diễn Trần Vũ cũng thử bao nhiêu người. Nhưng riêng Trần Đắc thì nhất quyết không thử vì đã chọn Thanh Tú cho vai chị Nhu".