Đêm Haute Couture Tuần lễ Thời trang Việt Nam Xuân Hè 2018:
Dàn chân dài phiêu trong tiếng violin cùng những chú ngựa gỗ kiêu hãnh
(Dân trí) - Hình ảnh dàn người mẫu nổi tiếng phiêu với những giai điệu hoà tấu đương đại của nghệ sĩ violon Hoàng Rob và bước đi trong không gian sân khấu phủ đầy những chú ngựa gỗ kiêu hãnh đã khép lại một Tuần lễ Thời trang Việt Nam nhiều cảm xúc.
Biểu trưng của văn học - nghệ thuật từ Đông sang Tây “bước lên” sàn diễn thời trang
Khác hoàn toàn với sự tối giản của 3 đêm Ready To Wear, sân khấu của đêm Haute Couture Tuần lễ Thời trang Việt Nam Xuân Hè 2018 khiến khán giả trầm trồ ngay từ phút ban đầu lạc bước. Những chú ngựa gỗ được sắp đặt một cách ngẫu hứng, đan xen độc đáo trên sàn diễn thời trang.
“Các BST trong Đêm Haute Couture - Tuần lễ thời trang Việt Nam Xuân hè 2018 đều được sáng tạo với cảm xúc thăng hoa của các nhà thiết kế trên những chất liệu vải truyền thống độc đáo: vải gai, vải đũi, lụa.
Vì lý do đó, tôi có ý tưởng tạo một không gian sân khấu đặc trưng bản sắc văn hoá Việt, hơn nữa sân khấu đó phải thể hiện được thế giới tinh thần tự do, sức sống động, thẩm mỹ nghệ thuật. Và tất cả phải cô đọng, hội tụ trong một hình tượng dân gian gần gũi với đời sống con người hàng ngày nhưng lại tạo ra sự kết hợp cách điệu mới lạ trong thời trang”, Tổng Đạo diễn Quang Tú chia sẻ về ý tưởng cho sự phá cách sân khấu.
Rất nhiều ý tưởng thiết kế đã được đưa ra nhưng hình ảnh những con ngựa gỗ được sản xuất thủ công với dáng vẻ chân thực, mạnh mẽ tại xã Vũ Chính - thành phố Thái Bình là sự lựa chọn cuối cùng.
“Từ rất lâu đời, ngựa là loài vật gần gũi với đời sống con người, có một vị trí quan trọng trong cuộc sống. Ngựa đi vào thế giới tinh thần và thẩm mỹ và trở thành một biểu tượng của văn học và nghệ thuật từ Đông sang Tây. Hình ảnh con ngựa biểu tượng cho sự kiêu hãnh, tự do và thanh khiết”, Tổng Đạo diễn Quang Tú chia sẻ.
Cùng với một sân khấu thời trang rất ấn tượng và đầy mới lạ, âm nhạc được sử dụng trong đêm trình diễn là những giai điệu hoà tấu đương đại của nghệ sĩ violon Hoàng Rob và những bản nhạc sử dụng nhạc cụ dân tộc.
Ngón đàn điêu luyện của nghệ sĩ violon Hoàng Rob.
Các BST lần lượt được giới thiệu phù hợp với không gian một cách tuyệt đối. Những ca khúc được thể hiện qua ngón đàn điêu luyện của nghệ sĩ violon Hoàng Rob (Những đứa trẻ, Everest) và bài hát Dệt tầm gai của ca nương Kiều Anh đã làm cho đêm Haute Couture trở nên mộng mơ hơn bao giờ hết.
Trên nền âm nhạc đặc biệt ấy, những người đẹp, chân dài nổi tiếng như Á hậu Thanh Tú, Quán quân Vietnam’s Next Top Model Kim Dung, Ngọc Châu, Á quân Trà My, người mẫu Hồng Quế, top 5 Hoa hậu Việt Nam Đào Thị Hà,… tự tin sải bước, thể hiện đúng tinh thần của từng mẫu thiết kế.
Dàn chân dài trong đêm Haute Couture Tuần lễ Thời trang Việt Nam Xuân Hè 2018.
Những tấm vải dệt bằng kí ức tuổi thanh xuân của các nghệ nhân 70, 80 tuổi
Là NTK cuối cùng trình làng BST trong đêm Haute Couture và cũng là đêm cuối của Tuần lễ thời trang Xuân Hè 2018, NTK Minh Hạnh mang đến sự thử nghiệm đầy thách thức của vải gai. Ca khúc Dệt tầm gai da diết làm nền cho những người mẫu bước đi.
NTK Minh Hạnh cho biết, với quan điểm sử dụng vải gai và cách dệt, thêu truyền thống thì chúng ta có quyền tự hào để có thể nói rằng đây là một BST Haute Couture Made in Vietnam.
“Vải gai không có gì lạ với người Việt nhưng đáng tiếc đã bị bỏ quên quá lâu. Với việc lựa chọn chất liệu này cho BST của mình, tôi chỉ muốn nhấn mạnh, ở Việt Nam có quá nhiều loại cây công nghiệp sẽ mang lại giá trị rất lớn trong lĩnh vực thời trang", NTK nói.
NTK chia sẻ: "Sau một thời gian tìm hiểu với sự gợi ý từ Quảng Ngãi, tôi tiếp tục khám phá một vùng đất khác cũng trồng gai là Thanh Hóa. Hiện nay tại Thanh Hóa có một nhà máy với quy mô rất lớn, mức độ cây trồng khoảng 7.000ha.
Ngoài câu chuyện về thời trang, mong mỏi giúp được những người nông dân tại các tỉnh khó khăn như Quảng Ngãi, Thanh Hóa có được một chất liệu truyền thống, tạo được công ăn việc làm cho số đông những người nông dân đã thôi thúc tôi quyết tâm hơn”, NTK Minh Hạnh tâm sự về lí do lựa chọn chất liệu cho BST".
BST của NTK Minh Hạnh.
“Những thử nghiệm ban đầu tôi kết hợp với cô Hạnh ở làng lụa Nam Cao, đưa những sợi tơ ở Thanh Hóa, Quảng Ngãi về Thái Bình, gặp gỡ những nghệ nhân nơi đây.
Các cụ bà năm nay 70, 80 tuổi xe sợi bằng tay, xe sợi với kí ức của tuổi thanh xuân. Xưa kia, vải gai đối với các cụ là một cái gì đó rất thân thuộc. Tất cả những dấu ấn đó, những cảm xúc và kí ức đó được tôi thu vén trong BST lần này.
Nhiệm vụ của chúng tôi là phải làm cho được những BST thuyết phục người tiêu dùng hiện nay vì không có hạnh phúc nào bằng sản phẩm của những cụ bà dệt nên tấm vải gai bằng kí ức của tuổi thanh xuân", NTK Minh Hạnh trăn trở.
Phương Nhung
Ảnh: Cao Duy, Phương Nhung