Đại Việt Lam Sơn Kính Lăng bi được công nhận là Bảo vật Quốc gia
(Dân trí) - Đại Việt Lam Sơn Kính Lăng bi - Bia Lăng Vua Lê Túc Tông là một trong những bảo vật quốc gia mới vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận.
"Đại Việt Lam Sơn Kính Lăng bi - Bia Lăng Vua Lê Túc Tông" có niên đại Thế kỷ XVI, hiện được lưu giữ tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Lăng Lê Túc Tông nằm trong Khu di tích Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá, còn gọi là Kính Lăng, là lăng cuối cùng của các vua Hậu Lê an táng tại đây.
Vua Lê Túc Tông (1488 - 1505) là vị hoàng đế thứ bảy của Hoàng triều Lê nước Đại Việt. Vua Lê Túc Tông chỉ giữ ngôi trong vòng 6 tháng (từ ngày 17/7/1504 - đến khi mất ngày 12/1/1505).
Lê Túc Tông tên thật là Lê Thuần, là con trai thứ ba của Lê Hiến Tông. Vì thông minh, hiếu học nên được vua cha lập làm Hoàng thái tử. Tháng 7/1504, sau khi Lê Hiến Tông chết, Lê Túc Tông lên ngôi Hoàng đế.
Theo bộ sử biên niên của nhà Lê, Đại Việt Sử ký Toàn thư, Lê Túc Tông gần gũi với người hiền, thích điều thiện và là vị vua giỏi giữ cơ nghiệp thái bình. Túc Tông cũng dẹp yên cuộc nổi dậy của Đoàn Thế Nùng và 500 thủ hạ ở Cao Bằng.
Tháng 12 năm 1504, Lê Túc Tông bệnh nặng. Do không có con nối dõi, Túc Tông chỉ định người anh thứ 2 là Lê Tuấn kế ngôi, tức Lê Uy Mục. Lê Túc Tông là vị vua cuối cùng của giai đoạn thịnh trị của triều Lê.
Lăng vua Lê Túc Tông nằm ở đất thôn Dao Xá, xã Xuân Lam, cách trung tâm Khu di tích Lam Kinh hơn 3km về phía Đông Bắc. Bia “Đại Việt Lam Sơn Kính Lăng bi” được tạo năm Đoan Khánh thứ 1 (1505), trong đó nói rõ thân thế và sự nghiệp Lê Túc Tông. Bia có kích thước khá lớn, tráng bia và riềm bia cũng giống bia Lê Thánh Tông.
Như vậy đến thời điểm này tại Khu di tích Lam Kinh đã có 5 bảo vật quốc gia gồm: Bia Vĩnh Lăng (Vua Lê Thái Tổ), Bia Chiêu Lăng (Vua Lê Thánh Tông), Bia Dụ Lăng (Vua Lê Hiến Tông), Khôn Nguyên Chí Đức (Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao) và Bia Kính Lăng (Vua Lê Túc Tông.
Duy Tuyên