“Đại tiệc” nghệ thuật Giai điệu mùa thu
(Dân trí) - Chưa khi nào, khán giả cảm thấy hào hứng đến thế, khi mà trong “đại tiệc” nghệ thuật Giai điệu mùa thu 2015, họ được giao lưu với nghệ sĩ gần gũi và tràn đầy cảm xúc …
Một tuần liền với 11 chương trình biểu diễn cả trong nhà hát và ngoài trời, cùng các hội thảo chuyên đề và giao lưu, gặp gỡ, để lại quá nhiều dấu ấn sâu sắc đối với người nghe, người xem, và cả giới chuyên môn.
Lộng lẫy và quyến rũ
Tối 25-8, trong chương trình khai mạc Festival diễn ra tại Nhà hát Thành phố HCM, cả khán phòng lặng đi vì xúc động với giai điệu “Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ” (Nguyễn Văn Thương) qua sự thể hiện của ba giọng nam Đỗ Quốc Hưng, Phạm Trang và Duy Linh cùng dàn hợp xướng. “Bài ca trên núi” của cố nhạc sĩ vốn đã rất nổi tiếng và được nhiều giọng nữ cao trình diễn, trong đêm khai mạc Giai điệu mùa thu lần này, được NSƯT Hồng Vy thể hiện đặc biệt phù hợp với chất giọng thính phòng pha màu sắc dân gian hiếm có, khắc hoạ ấn tượng về tình yêu đôi lứa hoà quyện trong tình yêu lớn hướng về non sông gấm vóc. Các phần trình diễn tiếp nối khá ăn ý với đại diện cho tài năng trẻ Việt Nam, nhạc sĩ Vũ Việt Anh xuất hiện cùng “Chân trời” - tác phẩm khí nhạc đương đại cho cello, oboe, piano và dàn dây.
Các trích đoạn kinh điển “Faust” (NSƯT Đỗ Quốc Hưng thể hiện), “Cosi fan tutte” (Khánh Ngọc, Duyên Huyền thể hiện), “Turandot” (Phạm Trang)… biểu diễn cùng dàn nhạc dưới tay đũa của nhạc trưởng trẻ Trần Nhật Minh đều khiến khán phòng sôi động, náo nhiệt với những tràng pháo tay không dứt của công chúng.
Phần hai của chương trình là vở múa “Vọng phu biển” (Nguyễn Phúc Hải, Nguyễn Phúc Hùng) cũng khiến khán giả lặng đi, nghẹt thở và cực kỳ xúc động với các trường đoạn, diễn biến tinh tế. Câu chuyện đẹp rực rỡ được kể trong những chuyển động nhanh, mạnh, dứt khoát, đánh mạnh vào cảm thức nghệ thuật của người xem. Đặc biệt, những sáng tạo độc đáo về bối cảnh, đạo cụ của hai biên đạo cứng tay nghề này đã dẫn dắt được người xem, đưa khán giả lạc vào một câu chuyện lộng lẫy và sâu sắc.
Khác biệt và thu hút
Hoà nhạc tài năng trẻ Việt Nam với năm gương mặt nghệ sĩ dương cầm trẻ tuổi tràn đầy sức sống và sáng tạo: Trần Yến Nhi, Nguyễn Đăng Quang, Nguyễn Tuấn Mạnh, Nguyễn Đức Anh, Gabriel Trần Phương Nam cũng để lại dấu ấn đặc biệt trong khán thính giả và niềm hy vọng về một tương lai không xa.
Một trong những bất ngờ lớn của Giai điệu mùa thu 2015 là sự xuất hiện của Dàn kèn Hải quân Hoàng gia Na Uy. Tại Việt Nam các dàn nhạc kèn trong quân đội chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ nghi lễ ngoại giao và quân đội, vì thế khán giả và giới chuyên môn tại Thành phố Hồ Chí Minh đã vô cùng ngỡ ngàng khi lần đầu tiên được tham dự những chương trình biểu diễn của một dàn nhạc kèn hải quân quốc tế. Với 4 trumpet, 4 trombone, 1cor và 1 tuba, các nghệ sĩ Na Uy trình diễn trong Fesstival với 3 chương trình khác nhau và mỗi chương trình đều đạt tới đỉnh cao về giá trị thưởng thức, từ nhạc cổ điển xuất sắc, đến hòa tấu nhạc jazz, pop và âm nhạc đương đại.
Dàn kèn Hải quân Hoàng gia Na Uy thực sự khiến khán giả “phát cuồng” với những màn trình diễn rực rỡ, mạnh mẽ nhưng cũng đầy tinh tế. Chương trình biểu diễn ngoài trời trước của Nhà hát Thành phố sáng 29/8 của nhóm, cùng với giọng hát quyến rũ của nữ ca sĩ Majken Christiansen đã khiến khán giả dừng lại đông nghẹt trên quảng trường trước Nhà hát thành phố. Khán thính giả ào lên các bậc thềm nhà hát , với những ánh mắt ngập tràn ngưỡng mộ xin được chụp hình với nghệ sĩ sau buổi diễn.
Vở múa đương đại “Mái nhà” khiến người hâm mộ được thoả mãn sau những chờ đợi, hy vọng. Biên đạo Bùi Ngọc Quân, vừa là diễn viên của đoàn múa quốc tế nổi tiếng Les Ballets C de la B tại Bỉ, vừa là giảng viên chuyên nghiệp của nhiều đoàn múa nổi tiếng khác ở Châu Âu, nhiều năm sống và giảng dậy ở rất nhiều trường thuộc Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Bỉ, Áo, Hà Lan… đã đưa tới cho khán giả những ngôn ngữ cơ thể mới mẻ, đặc sắc.
Bối cảnh câu chuyện là một “mê cung” trên mái nhà, nơi khép lại khung cảnh đời thường và mở ra những câu chuyện và những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. Đó có thể là bản sao của cuộc sống với quá nhiều cái xấu, cái ác đang diễn ra trước mắt chúng ta hàng ngày; là sự tranh giành, đánh lộn với kẻ khác và với chính bản thân mình. Đó cũng có thể là giấc mơ về tình yêu thương, và sự sẻ chia, đồng cảm, nâng đỡ, kiếm tìm những tâm hồn khác. Nhưng trên hết, đó là sự cô độc dẫn đến thức tỉnh trong nhận biết của mỗi sinh vật sống. Chỉ khi cô độc (ngay cả khi bên cạnh có một hay rất nhiều người) giống như khi ngồi trên mái nhà nhìn xuống cuộc sống của người khác, gia đình khác, con phố khác, đô thành khác… và đi sâu vào bản thể của chính mình, chiêm nghiệm lại cuộc sống và những va chạm, từ góc nhìn khách quan, mỗi sinh vật sống trên đời mới có thể thật sự hiểu cái gì nên bỏ đi, cái gì nên giữ lại để xây nên những mê cung lẩn khuất bí ẩn trong mỗi tâm hồn.
Những điểm nhấn hoàn hảo
Đêm nhạc lãng mạn (28/8) với sự xuất hiện của cây vĩ cầm Bùi Công Duy cùng các nghệ sĩ đến từ International Chamber Players và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji đến từ Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Rất hiếm khi trong một chương trình hòa nhạc thính phòng hội tụ hơn 30 nghệ sĩ, trong đó các nghệ sĩ quốc tế hay trong nước đều đạt tới đẳng cấp nghệ sĩ độc tấu trong lĩnh vực của mình. Mỗi tác phẩm được trình diễn đều là những dấu ấn về trình độ kỹ thuật cũng như giá trị thưởng thức. Đêm nhạc còn giới thiệu đến công chúng hai tác phẩm đặc biệt của Việt Nam: Capriccio “Tây Nguyên” cho dàn nhạc dây của Đặng Hồng Anh và Fragile cho Violin, Cello và Piano của Nguyễn Mạnh Duy Linh. Cả khán phòng không còn một chỗ trống. Sánh vai cùng các nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế, tài năng Việt Nam – tiến sĩ âm nhạc Bùi Công Duy toả sáng với lối biểu diễn thanh lịch, tràn đầy đam mê và kỹ thuật kiệt xuất.
Chương trình bế mạc đã thành công ngay từ ý tưởng “A night of Three Bs: Bach – Beethoven – Brahms”. Dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM đã chơi rất tuyệt vời với dấu ấn đặc biệt của nhạc trưởng Lê Phi Phi trở về từ Macedonia và tiếng đàn violon đẳng cấp của nghệ sĩ Stephane Trần Ngọc.
Stephane Trần Ngọc sinh tại Paris, đã từng đoạt giải ở các cuộc thi Paganini, Long-Thibaud, biểu diễn ở hơn 30 quốc gia tại các phòng hoà nhạc danh tiếng CarnegieWei Hall, Paris’ Salle Gaveau, nhà hát Champs-Elysees … Tiến sĩ âm nhạc Trần Ngọc cũng là một nhà sư phạm danh tiếng, từng nhiều năm giảng dạy tại Nhạc viện quốc gia Pháp tại Lyon, nhạc viện Đại học Lawrence, và trưởng khoa dây Nhạc viện London. Stephane Trần Ngọc sở hữu phong cách lạnh lùng, chuyên tâm, thanh thoát và cực kỳ tinh tế. Sẽ rất khó có người khác làm lại được những điều mà Stephane Trần Ngọc mang tới cho khán thính giả tối 30-8 tại Nhà hát TP HCM trong Violin concerto in D Major (Brahms).
Đêm nhạc Baroque (26/8) tuy chưa thu hút được nhiều người nghe nhưng đây là một điểm quan trọng khai mở và hướng đến thẩm mỹ thưởng thức cao cho công chúng yêu nhạc hàn lâm tại Việt Nam. Nghệ thuật baroque trong âm nhạc có giá trị rất lớn trong lịch sử âm nhạc của nhân loại, từ đầu thế kỷ 20 dòng âm nhạc này trở lại và ngày càng được tôn vinh khắp nơi trên thế giới. Các khán giả Việt Nam đã rất quen thuộc vứoi các tác giả nổi tiếng ở thời kỳ này như Vivaldi, Bach … nhưng để có một cơ hội thưởng thức nghệ thuật baroque thực sự với trình độ biểu diễn đẳng cấp cao và sử dụng thuần nhất các nhạc cụ của thời kỳ đó thì quả là rất hiếm. Các nghệ sĩ đến từ International Chamber Players và nhóm Hoà tấu thính phòng tiền cổ điển Fantasmi đã mang đến niềm đam mê và những âm thanh quý giá cho các khán giả, nghệ sĩ Paul Leenhouts, đặc biệt có sự xuất hiện của giám đốc nghệ thuật và là giám đốc dàn nhạc Baroque Bắc Texas, Monica Ruusmaa - sáo baroque, Cynthia Roberts –Ania Bard-Schwarz, Vũ Việt Chương, María José Romero Ramos, Zhan Shu (violin), Susan Dubois và Daphne Gerling (viola), Allen Whear và Grace Ho(cello), Jeff Bradetich và Gudrun Raschen (double bass), Christoph Hammer (harpsichord) và diễn giả David Bard-Schwarz.
Một hoạt động hết sức ý nghĩa trong Liên hoan Nghệ thuật Giai điệu mùa thu 2015 đó là hai buổi tọa đàm của các giáo sư của Trường Âm nhạc Đại học Bắc Texas Hoa Kỳ về hai chủ đề âm nhạc: Âm nhạc Baroque có ý nghĩa như khởi nguồn và âm nhạc đương đại như sự phát triển chặng cuối cho đến thời điểm hiện tại của nền âm nhạc hàn lâm thế giới. Mỗi chương trình đều thu hút rất nhiều khán giả trong giới chuyên môn và các sinh viên đại học các ngành khác nhau tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Giai điệu mùa thu 2015 với sự đầu tư công sức của hàng trăm nghệ sĩ danh tiếng trong cả nước và quốc tế, cùng sự toả sáng của các tài năng trẻ, đã để lại sự tiếc nuối không hề nhẹ trong khán thính giả về một mùa diễn trôi qua quá nhanh.
“Với mục tiêu về chất lượng nghệ thuật đặc sắc, mang đến cho cộng đồng những giá trị thưởng thức thẩm mỹ cao và từng bước hướng tới một Festival nghệ thuật quốc tế mang tầm khu vực trong tương lai có lẽ là thành công quan trọng nhất của mùa Liên hoan 2015” – NSƯT Trần Vương Thạch, giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM, đại diện đơn vị tổ chức chia sẻ - “Tuy nhiên để đạt được tầm cỡ đó và thu hút được nhiều công chúng đến với Liên hoan hơn, cần có thời gian để công chúng có thể đồng hành và cần sự hỗ trợ hơn nữa từ Thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao, cùng các đơn vị nghệ thuật tại Thành phố để chúng tôi có thể đầu tư nhiều hơn về nội dung, mời được những nghệ sĩ hàng đầu thế giới, tạo sự hấp dẫn cả khán giả trong nước và nước ngoài”.
Festival đặc biệt, nơi tài năng toả sáng
Năm 2015 là lần thứ 10 Giai điệu mùa thu được tổ chức và là năm thứ 2 dưới tên gọi Liên hoan nghệ thuật cấp thành phố, tổ chức 2 năm một lần tại TP HCM với quy mô lớn, kéo dài trong một tuần với hàng trăm nghệ sĩ quốc tế tới từ nhiều nước trên thế giới và hàng chục chương trình biểu diễn và các hoạt động phong phú. Năm nay, lần đầu tiên Fesstival tổ chức được nhiều chương trình hoà nhạc ngoài trời thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng và được giới chuyên môn cả nước đánh giá cao.
Bài: Duy Tân - Hoà Bình
Ảnh: Hoàng Sơn