Đại gia Châu Á bí mật chi 4000 tỉ đồng mua tranh Picasso?

(Dân trí) - Một bức tranh của Picasso khắc họa thân hình phụ nữ gợi cảm mới đây vừa phá vỡ các kỷ lục về giá khi được trả tới gần 4.000 tỉ đồng.

Khi Pablo Picasso 22 tuổi, ông chuyển tới sống ở một khu dân cư nghèo nàn tập trung đông nghệ sĩ vô danh đang cố gắng lập nghiệp ở Paris. Picasso thuê một căn nhà cũ nát ở khu Montmartre. Hàng xóm của Picasso là những họa sĩ, nhà văn, nhà thơ, những cô thợ giặt và cả gái bán hoa… Tất cả họ đều có một điểm chung là sự nghèo khó.

Picasso thời trẻ

Picasso thời trẻ

Trong ngôi nhà ẩm ướt, tường rỉ nước, sàn gỗ mục ruỗng, về mùa đông, nước trong bình đóng băng vì phòng không có lò sưởi, vị danh họa tương lai luôn trong tình trạng… “đói vàng mắt”, có lúc vì quá lạnh đã buộc phải đốt tranh để sưởi.

Nếu lúc đó có một nhà tiên tri nào đến nói với Picasso rằng rồi một ngày, tranh của anh sẽ trở nên đắt giá nhất thế giới, hẳn Picasso sẽ cười nhạt không buồn đáp. Vậy mà giờ đây, một bức tranh của Picasso - bức “Những người phụ nữ Algiers” - đã vừa trở thành bức tranh đắt giá nhất trong lịch sử các cuộc đấu giá.

Được trả với mức giá kỷ lục - 115 triệu bảng Anh (3916 tỉ đồng), bức tranh đã xác lập một kỷ lục mới trong giới sưu tầm hội họa.

Picasso thời trẻ

Bức “Những người phụ nữ Algiers” của Pablo Picasso đã trở thành bức tranh đắt giá nhất từng được bán tại một cuộc đấu giá. Tác phẩm đã được nhà đấu giá Christie rao bán tại New York, Mỹ hồi đầu tuần này.

Picasso thời trẻ

Ngay từ trước khi bức tranh được đưa ra đấu giá, người ta đã dự đoán tác phẩm này sẽ phá vỡ kỷ lục về giá.

Không nằm ngoài dự đoán, tác phẩm của Picasso đã lập nên một
kỷ lục mới.

Không nằm ngoài dự đoán, tác phẩm của Picasso đã lập nên một kỷ lục mới.

Bức “Những người phụ nữ Algiers” (Algiers là thủ đô của Algeria) từng được Picasso thực hiện vào đúng ngày Lễ Tình yêu năm 1955. Hiện tại, danh tính người mua bức tranh này vẫn được giấu kín.

Danh họa Pablo Picasso sinh ra ở Malaga, Tây Ban Nha năm 1881, ông thành danh và chủ yếu sinh sống ở Pháp. Picasso là một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất của thế kỷ 20, người sáng tạo ra trường phái Lập thể, ông có một đời sống tình cảm còn “cuồng nhiệt và rực rỡ” hơn cả những tác phẩm hội họa của mình… Nhưng liệu có một bức tranh nào thực sự đáng giá… 3.916 tỉ đồng?

Tỉ phú nào là người đã mua bức tranh này? Liệu thị trường đấu giá các tác phẩm hội họa có còn lần nào vượt qua được con số kỷ lục này hay đây đã là mức giới hạn cuối cùng?

Bức “Những người phụ nữ Algiers” khắc họa một cô gái bán hoa đang gần như khỏa thân trong tranh, ngực và bụng để trần, tóc được cuốn trong một chiếc mũ cầu kỳ. Những góc nhìn đầy tính phồn thực, khắc họa đùi, ngực và hông cô gái lấp đầy phần còn lại của bức tranh.

Picasso đã được truyền cảm hứng từ bức “Những người phụ nữ Algiers trong căn hộ nhà họ” do họa sĩ người Pháp Eugene Delacroix thực hiện hồi năm 1834, khắc họa 4 người phụ nữ đang cùng ngồi hút thuốc trong một căn phòng.

Bức “Những người phụ nữ Algiers trong căn hộ nhà họ” của Eugene Delacroix

Bức “Những người phụ nữ Algiers trong căn hộ nhà họ” của Eugene Delacroix

Picasso đã thực hiện bức tranh này như một cách để tưởng nhớ người bạn họa sĩ thân thiết - Henri Matisse vừa mới qua đời. Henri Matisse vốn là bậc thầy trong việc khắc họa phụ nữ trong những nơi chốn riêng tư của họ. Bản thân Henri Matisse cũng đã từng đến thăm Algeria và rất ấn tượng với phụ nữ nơi đây, đặc biệt là phụ nữ ở thủ đô Algiers.

Về bức “Những người phụ nữ Algiers” của Picasso, từ lâu, các nhà phê bình hội họa đã nhận xét rằng tác phẩm thể hiện phần nào “sự thù ghét phụ nữ trong tính cách của vị danh họa”, điều này được thể hiện rõ nhất qua cách “phân khúc” cơ thể người phụ nữ ở phần bên phải của bức tranh.

Sự thật là Picasso rất ngưỡng mộ vẻ đẹp của phụ nữ, nhưng ông đối xử với họ thật tàn nhẫn. Picasso có thể nhanh chóng gắn bó với một người phụ nữ và sau đó rời bỏ cô ấy không thương tiếc. Hầu hết những người phụ nữ từng gắn bó với Picasso đều có cuộc đời bất hạnh.

Bức “Những người phụ nữ Algiers trong căn hộ nhà họ” của Eugene Delacroix

Bức ảnh chụp Picasso vào tháng 3/1961 với người vợ thứ hai, cũng là nàng thơ của ông - bà Jacqueline Roque.

Trong hai thập niên 1930 và 1940, Picasso đã gắn bó dài lâu với 3 người phụ nữ - người mẫu Marie-Therese Walter, họa sĩ Francoise Gilot và nhiếp ảnh gia Dora Maar, khi đó, cuộc hôn nhân của ông với người vợ đầu - vũ công balê Olga Khokhlova dần trở nên lạnh nhạt.

Ở thời điểm thực hiện bức “Những người phụ nữ Algiers”, Picasso đã ổn định đời sống tình cảm hơn, ông đã mua một căn biệt thự ở Cannes để cùng chung sống với nàng thơ Jacqueline Roque (lúc này nàng 27 và chàng đã… 70).

Jacqueline Roque được xem là người phụ nữ hạnh phúc nhất trong các người tình của Picasso vì được xuất hiện trong tranh ông nhiều hơn cả (hơn 400 lần) và đã được ở bên Picasso cho tới những ngày tháng cuối đời vị danh họa.

Tuy vậy, sau khi Picasso qua đời năm 1973, sự mất mát để lại trong Jacqueline quá lớn, bà tìm tới rượu và luôn trò chuyện với những bức ảnh của Picasso. Năm 1986, Jacqueline tự tử bằng súng.

Trở về với mức giá trên trời của bức tranh vừa xác lập kỷ lục, các nhà nghiên cứu thị trường hội họa cho rằng những mức giá gây sốc như thế này rồi sẽ phải dừng lại bởi sẽ đến một thời điểm mà thị trường không còn trả giá cao hơn được nữa.

Thực tế, bức “Những người phụ nữ Algiers” không phải là bức tranh đắt giá nhất từng được bán ra, mà chỉ là bức đắt giá nhất từng được bán tại một cuộc đấu giá. Hồi tháng 2 năm nay, bức “Hai cô gái Tahiti” của danh họa người Pháp Paul Gauguin đã được bán với giá 192 triệu bảng (6538 tỉ đồng) tại một cuộc mua bán bí mật, giới hạn khách tham dự. Bên mua được cho là Hoàng gia Qatar - một quốc gia dầu lửa Trung Đông giàu có.

Bức “Hai cô gái Tahiti”

Bức “Hai cô gái Tahiti”

Các nhà nghiên cứu tài chính đã ước tính rằng những người sưu tầm tranh quý thường không chi nhiều hơn 1% khối tài sản họ có cho một bức tranh. Việc chi ra một lúc 115 triệu bảng cho thấy người mua ẩn danh lần này có thể sở hữu khối tài sản lên tới 12 tỉ bảng.

Nhiều người mua tranh với mức giá cao kỷ lục thường lựa chọn cách ẩn danh vì những lý do an toàn. Những người mua tranh giá “khủng”, trong vài năm trở lại đây, thường đến từ Trung Đông hoặc Trung Quốc, nhóm sưu tầm này có gu thẩm mỹ hội họa khá khác biệt so với giới sưu tầm phương Tây.

Những nhà sưu tầm “mới nổi” này thường chuộng những cái tên đình đám nhất, nếu tranh có màu đỏ thì sẽ càng hấp dẫn người mua đến từ Trung Quốc bởi màu này là màu may mắn đối với người Á Đông.

Bức “Những người phụ nữ Algiers” có khá nhiều sắc đỏ khiến báo chí phương Tây cũng nảy sinh một số suy đoán rằng có thể người mua ẩn danh này đến từ phương Đông.

Những nhà sưu tầm đến từ Trung Đông thường giữ quan điểm thẩm mỹ truyền thống ngay cả trong việc sưu tầm hội họa, một bức tranh quá nóng bỏng, gợi cảm khó có khả năng hấp dẫn người mua đến từ Trung Đông. Liệu bức “Những người phụ nữ Algiers” có sắp xuất hiện ở… Châu Á?

Bích Ngọc
Theo Daily Mail

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm