Đại diện UNESCO: “Tôi ước có tuổi thơ lớn lên ở Nam Bộ”

(Dân trí)- Trong bài phát biểu tại lễ trao bằng công nhận Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ vào Danh sách đại diện Di sản phi vật thể của nhân loại, đại diện UNESCO- Katherine Muller Marin khẳng định, bà ước đã được lớn lên ở vùng Nam Bộ- Việt Nam.

Lễ trao bằng công nhận Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trở thành Di sản phi vật thể của nhân loại vừa diễn ra đêm 11/2, tại TpHCM. Phát biểu tại buổi lễ, trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, TS. Katherine Muller- Marin đã có bài phát biểu xúc động. Trong bài phát biểu của mình, TS. Katherine Muller Marin dành nhiều lời ngợi ca cho nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam. Đây là môn nghệ thuật “…đưa con người đến gần nhau hơn, gợi lên cuộc sống trên mảnh đất miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long, phản ánh tâm tư tình cảm của họ, cũng như sự chuyên cần, lòng quả cảm và khí phách của người dân nơi đây…”.

TS Katherine Muller Marin khẳng định, bà ước có một tuổi thơ lớn lên ở vùng đất Nam Bộ để được đắm mình trong những câu hát, câu đờn thấm đượm tình cảm như Dạ cổ hoài lang của nghệ sỹ Cao Văn Lầu, hay những cung bậc đầy cảm xúc của những nhạc cụ đa dạng và độc đáo này…

TS. Katherine Muller Marin cũng dành lời chúc mừng tới văn hóa thấm đẫm truyền thống của Việt Nam đã có những tinh túy như Nghệ thuật đờn ca tài tử để thế giới hiểu hơn về đời sống tinh thần của người Việt, và cùng người Việt nâng niu, giữ gìn bản sắc.
 
Bà Katherine Muller- Marin tại lễ trao bằng công nhận
Bà Katherine Muller- Marin tại lễ trao bằng công nhận Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ vào Danh sách đại diện Di sản phi vật thể của nhân loại, 11/2.
 
Chúng tôi xin trích đăng lại nguyên văn bài phát biểu của TS. Katherine Muller Marin tại Lễ trao bằng công nhận Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trở thành Di sản phi vật thể của nhân loại:

“Một dây kết bạn đồng tâm,

Hai dây kết bạn tri âm suốt đời”

Kính thưa Ngài Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam,

Kính thưa quý vị,

Những đúc kết này của một nghệ sỹ đờn ca tài tử khuyết danh giúp giải thích vì sao Nghệ thuật đờn ca tài tử đã trở thành một phần không thể thiếu được trong đời sống của những người nắm giữ truyền thống văn hóa này ở khắp 21 tỉnh thành Nam Bộ Việt Nam

Môn nghệ thuật này đưa con người đến gần nhau hơn, gợi lên cuộc sống trên mảnh đất miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long, phản ánh tâm tư tình cảm của họ, cũng như sự chuyên cần, lòng quả cảm và khí phách của người dân nơi đây.

Tôi ước rằng mình có một tuổi thơ lớn lên ở vùng đất Nam Bộ, như rất nhiều quý vị ở đây, được đắm mình trong những câu hát, câu đờn thấm đượm tình cảm, như Dạ cổ hoài lang của cố nghệ sỹ Cao Văn Lầu, hay những cung bậc đầy cảm xúc của những nhạc cụ đa dạng và độc đáo này.

UNESCO tin rằng di sản văn hóa phi vật thể phải thuộc về cộng đồng, được liên tục trao truyền và tái tạo để đảm bảo rằng những người nắm giữ di sản và con, cháu của họ được tiếp tục giữ gìn và phát huy văn hóa của mình.

Chúng tôi mong rằng Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ sẽ tiếp tục được tái tạo thông qua giao lưu văn hóa giữa các nhóm cộng đồng, trong sự hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau, tăng gắn kết cộng đồng và đề cao bản sắc văn hóa thông qua trao đổi âm nhạc, phát huy sự đa dạng của các cộng đồng, nhóm người và cá nhân.

Vì tất cả những lý do trên, tại phiên họp thường niên lần thứ 8 được tổ chức tại thành phố Baku, Azerbaijan, Ủy ban Liên chính phủ về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể đã quyết định ghi danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tình yêu và quyết tâm bảo vệ truyền thống này của các bạn đã cho người dân Việt Nam và trên toàn thế giới niềm hân hạnh được thưởng thức, tìm tòi, và có cơ hội phần nào hiểu về nền văn hóa tươi đẹp và phong phú của các bạn.

Kính thưa quý vị,

Cũng nhân dịp này, thay mặt UNESCO, tôi xin hoan nghênh Việt Nam về những thành công trong việc đưa khái niệm bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể vào các chính sách quốc gia trong hơn một thập kỷ qua.

Những nỗ lực này chính là những biện pháp cụ thể và hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức về Công ước 2003 của UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và thực thi những nguyên tắc của Công ước này.

Chúng tôi cũng rất hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục tiên phong trong các nỗ lực quốc tế nhằm đưa văn hóa thành một ưu tiên quan trọng của chương trình nghị sự sau 2015.

Tôi cũng xin tái khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ và đồng hành cùng chính phủ Việt Nam trên con đường dài, nhưng vô cùng thú vị và đầy ý nghĩa, của công cuộc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của đất nước đã trở thành quê hương thứ hai của tôi.

Đêm nay, tôi rất tự hào được có cơ hội quý báu này để trao cho những người nắm giữ di sản Đờn ca tài tử của 21 tỉnh thành Nam Bộ chứng nhận của UNESCO về sự công nhận vinh dự này.

Đây thật là một sự bắt đầu hoàn hảo cho năm mới.

Chúc mừng năm mới!