Đặc sắc Lễ hội Ariêu Ping của đồng bào Pa Kô

Lễ hội Ariêu Ping thường được tổ chức khoảng từ 2-3 ngày, không có định kỳ. Đây được xem là lễ hội mang đậm nét văn hóa và tâm linh đặc sắc nhất của đồng bào Pa Kô, ở vùng núi phía Tây tỉnh Quảng Trị.

Ariêu Ping còn gọi là lễ cải táng, lễ bốc mả. Đây là lễ hội truyền thống mang nét văn hóa tâm linh lớn nhất của đồng bào Pa Kô nhằm tỏ lòng tôn kính đến những người đã khuất. Bên cạnh đó, Ariêu Ping còn khơi dậy những nét văn hóa truyền thống, là dịp con cháu tụ họp để thắt chặt thêm tình cảm. Những người dân sống ở các bản làng xung quanh cũng rất quan tâm đến lễ hội này, càng khiến cho không khí lễ hội thêm sôi động.

Người dân trong trang phục truyền thống và 
Người dân trong trang phục truyền thống và 
những điệu múa đặc trưng quanh bãi đất Pa Roong.

Lễ hội Ariêu Ping được tổ chức từ 10 năm đến 15 năm một lần. Trong suốt kì lễ hội kéo dài 3 ngày 2 đêm ấy, ngày đầu tiên, người dân sẽ tụ họp để cùng nhau làm một ngôi nhà ngay giữa trung tâm - nơi tổ chức lễ hội để khách quý đến tham dự ở lại, một ngôi nhà có tên gọi là Ân Trạp - nơi để tro cốt của người đã khuất. Ngày thứ hai sẽ diễn ra lễ hội đâm trâu, liên hoan văn hóa cồng chiêng và các môn thể thao truyền thống. Đến ngày cuối là ngày thể hiện nét tâm linh của đồng bào, bởi hôm đó mọi người sẽ đưa tiễn hương hồn tổ tiên về nơi an nghỉ cuối cùng.

Trong các ngày diễn ra lễ hội, tiếng trống, tiếng cồng chiêng phải được vang lên không ngừng nghỉ, số thanh niên trong làng thay phiên nhau đánh trống, hò reo suốt cả ngày đêm.

Các phong tục trong suốt Lễ hội Ariêu Ping được diễn ra rất quy củ. Lễ chính được bắt đầu vào ngày thứ hai khi các Ra Gioóc (khách ở các bản xung quanh) trong bộ quần áo truyền thống cùng các loại nhạc cụ như tù và, cồng chiêng, trống... nhảy múa từ đầu bản hướng về phía trung tâm theo nhạc điệu Palư và đồng thanh hát hò vui nhộn. Trong số đó, sẽ có những người mang trang phục rất đặc biệt tượng trưng cho những gì tinh túy nhất của Đất và Trời với những thông điệp và ý nghĩa riêng.

Đoàn người sẽ tập trung thành vòng tròn xung quanh bãi đất Pa Roong để thực hiện nghi lễ đâm trâu. Những cây nêu sẽ được những họ tộc có người đã khuất dựng lên để buộc trâu, bò, dê, lợn xung quanh thực hiện nghi lễ tế thần. Lúc này đoàn người Ra Gioóc dẫn đầu sẽ tiếp tục nhảy múa theo vòng tròn, người đi đầu sẽ thổi tù và, hát hò, những người còn lại sẽ đồng thanh hô theo.

Những người thực hiện lễ đâm trâu được gọi là Ariehs - được chọn ra từ những người uy tín nhất, có quyền lực nhất. Khi đâm trúng con vật, những người xung quanh sẽ cổ vũ, uống rượu và di chuyển liên lục cho đến khi vật hiến tế ngã quỵ xuống. Sau khi nghi lễ này hoàn thành, những con vật này sẽ được xẻ thịt và nấu nướng ngay tại đó để tiếp đãi đoàn Ra Gioóc.

Sau lễ hội đâm trâu, dân làng lại tụ tập quanh các trường thi đấu, những thanh niên khỏe mạnh tham gia cuộc thi đẩy gậy, những người khéo léo thì tham gia cuộc thi bắn nỏ. Không khí lễ hội càng thêm phần rộn ràng khi có một ''xạ thủ'' bắn trúng hồng tâm hay một lực sĩ bị đẩy văng ra khỏi vòng đấu.

Trong khi các hoạt động khác diễn ra thì tiếng cồng chiêng, tiếng trống ở nhà viếng Ân Trạp vẫn không ngừng vang lên. Những người thân ở xa, hoặc bà con làng xóm sẽ vào thắp hương, cúng viếng. Trước đó, một số người được giao công việc vào rừng ma cất bốc tro cốt của những người đã khuất đựng trong các hộp nhỏ rồi đưa về để ngày cuối của lễ hội sẽ được cải táng ở các nhà mồ mà dân làng chuẩn bị sẵn.

Chỉ những già làng, trưởng bản mới được sử dụng tù và truyền thống.
 Chỉ những già làng, trưởng bản mới được sử dụng tù và truyền thống.

Già làng Kôn Tiên, xã Tà Rụt, huyện Đakrông cho biết: ''Việc tổ chức lễ hội Ariêu Ping ngoài việc để tế các vị thần linh, còn là dịp để bà con trong các bản đồng bào Pa Kô tụ họp, giao lưu văn hóa... 

Lễ hội này không có định kỳ, lần tổ chức gần đây nhất là năm 2013, thì lễ hội đã trải qua gần 27 năm. Vì vậy, người nào may mắn thì dự được 2 lần Ariêu Ping, còn không thì một lần cũng có ý nghĩa lắm rồi. Việc tổ chức lễ hội cũng phải được cân nhắc, chuẩn bị kỹ lưỡng, vì đời sống của bà con còn thiếu thốn mà tổ chức lớn thì không phù hợp lắm. Điều cốt yếu nhất của lễ hội là lưu giữ, phát huy những nét văn hóa của đồng bào đang có dấu hiệu bị mai một. Bên cạnh đó, để mọi người thực sự vui chơi một cách thoải mái, được hát múa, thi tài...''

Chỉ những già làng, trưởng bản mới được sử dụng tù và truyền thống.

Lễ hội Ariêu Ping đã hình thành từ lâu, cho đến bây giờ người dân vẫn duy trì những đã có nhiều cải biến cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội. Thay vì đâm trâu như ngày trước rất tốn kém, lễ hội diễn ra lần này chỉ sử dụng những con vật có giá trị nhỏ như bò, dê, lợn. Những mồ mả để cải táng cũng được xây dựng kiên cố để những lễ hội sau không phải tốn nhiều thời gian và công sức.

Và một phần quan trọng trong lễ hội Ariêu Ping là dịp để người dân cùng ngồi lại, bàn bạc và tìm cách giải quyết các vấn đề vướng mắc cả về phong tục tập quán lẫn đời sống. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống cũng được lồng ghép như giao lưu cồng chiêng, bắn nỏ, đẩy gậy... góp phần ''đánh thức'' những giá trị văn hóa đang mai một dần.

Đăng Đức