Đặc sắc Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn

Thanh Hà

(Dân trí) - Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn gắn với Lễ hội cơm mới đền Đông Cuông đã diễn ra tại Yên Bái thu hút trên 100 nghệ nhân, thanh đồng trong cả nước.

Sau 10 ngày tổ chức, ngày 28/10, Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn gắn với Lễ hội cơm mới đền Đông Cuông năm 2020 diễn ra tại Văn Yên, Yên Bái đã kết thúc.

Trong thời gian diễn ra lễ hội đã thu hút sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ như: Tân Nhàn, Hồng Liên, Đăng Dương, Sao mai Ngọc Ký, diễn viên chèo Quốc Phòng; các nghệ nhân diễn xướng nghi lễ hầu đồng, cùng hàng nghìn du khách thập phương.

Đặc sắc Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn - 1

Hình ảnh đêm bế mạc Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn gắn với Lễ hội cơm mới đền Đông Cuông năm 2020 tại Văn Yên, Yên Bái.

Trong đó, đáng chú ý là Lễ hội cúng cơm mới đền Đông Cuông năm 2020 diễn ra tại khu di tích quốc gia đền Đông Cuông với nhiều nội dung phong phú như: Trình diễn nghệ thuật hầu đồng, triển lãm ảnh, triển lãm các gian hàng thương mại, cùng các chuỗi sự kiện khai mạc lễ hội.

Lễ hội cơm mới đền Đông Cuông là một trong những hoạt động rất được mong chờ. Theo phong tục, cứ vào ngày Mão tháng 9 Âm lịch hàng năm, người Tày Khao trong xã Đông Cuông lại tổ chức Lễ hội cơm mới. Đây là dịp để đồng bào dân tộc Tày Khao và nhân dân các dân tộc trong xã, du khách thập phương dâng Mẫu, Ngọc Hoàng và các đấng thần linh những sản vật để tạ ơn trời đất cầu khẩn cho một năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt và cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đặc sắc Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn - 2

Nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh diễn xướng nghi lễ chầu văn với giá ông Hoàng Mười và giá Chúa Đông Cuông.

Hoạt động thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách thập phương nữa là Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn là một nghi lễ đặc biệt, là một nghi lễ diễn xướng dân gian mang đậm màu sắc văn hóa tâm linh. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Mẫu Thượng Ngàn tại Đông Cuông là đỉnh cao của sự ngưng kết, chắt lọc, kết hợp giữa tín ngưỡng thờ thần Rừng - gắn nền kinh tế nông nghiệp với hình tượng Mẫu mẹ - Mẫu đại diện thần Mẹ ở nơi rừng núi, hòa hợp với cõi trần tục, được dân chúng suy tôn và xếp vào bậc hiển thánh trong đạo Tam phủ của người Việt.

Đền Đông Cuông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp quốc gia tháng 1/2009. Đây là một trong 3 nơi thờ Mẫu Thượng Ngàn gồm: đền Công Đồng Bắc Lệ (Lạng Sơn) là nơi Mẫu Thượng Ngàn hiển linh, đền Suối Mỡ (Bắc Giang) là nơi Mẫu tu tiên luyện đạo, đền Đông Cuông là nơi Mẫu giáng sinh và ngự. Như vậy, đền Đông Cuông là đền thờ chính Mẫu Thượng Ngàn - Mẫu thứ hai trong Tam Tòa Thánh Mẫu. Hàng năm, xuân thu nhị kỳ, các thanh đồng trên mọi miền đất nước lại đổ về đền Đông Cuông để lễ Mẫu và “bắc ghế hầu Thánh”.

Đạo diễn Lưu Đạt cho biết, đây là loại hình độc đáo riêng có của người Việt, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nên Festival đã thu hút trên 100 nghệ nhân, thanh đồng đến từ 50 bản hội của 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, đặc sắc phải kể đến giá hầu Chúa Đông Cuông, giá Ông Hoàng Mười của nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh (cũng đồng thời là cố vấn nghệ thuật cho Festival tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn), nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thủy với màn biểu diễn “Chầu Tám Bát Nàn”, nghệ nhân dân gian Phạm Thị Đoan Trang với giá Chầu Bé Bắc Lệ…

Đặc sắc Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn - 3

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thủy với màn biểu diễn “Chầu Tám Bát Nàn”.

Hoạt động tôn vinh một giá trị văn hóa đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại càng giúp người dân, du khách hiểu hơn về đạo Mẫu với những giá trị cơ bản trong di sản văn hoá tinh thần, tâm linh của người Việt.

Ngoài ra, trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, du khách được tham quan đền Đông Cuông vừa được tu bổ, tôn tạo; trải nghiệm các hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống như: Hội thi khéo tay làm cốm, trò chơi dân gian (Đu tiên, ném cón, bịt mắt bắt vịt), thi đấu thể thao (Kéo co, bóng chuyền da nam).