Đà Nẵng công bố 161 cổ vật Chăm vừa khai quật
(Dân trí) - Sáng 4/9, Bảo tàng Chăm Đà Nẵng chính thức công bố vừa khai quật được 161 cổ vật Chăm tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng.
Đây là kết quả đợt nghiên cứu, khai quật do bảo tàng Chăm Đà Nẵng phối hợp với Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội triển khai trong hai tháng 7 và 8 vừa qua. Đợt khai quật tập trung tại Khu di tích khảo cổ ở hai thôn Quá Giáng 1 và Quá Giáng 2 tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng
Trong số các hiện vật Chăm vừa khai quật được, đáng kể nhất là 21 hiện vật bằng sa thạch, gồm: 01 bậc tam cấp, 01 đầu tượng thần Siva, 02 đầu tượng người cầu nguyện, 02 chóp tháp góc, 10 vật trang trí góc, 01 đế bệ thờ có kích thước lớn, 03 tảng đá kê đế bệ thờ và 1 mảnh bàn tay tượng. Ngoài ra còn 29 viên và mảnh gạch có điêu khắc trang trí, 14 viên gạch không có hoa văn trang trí, nhiều mảnh ngói âm dương và ngói móc Champa, nhiều mảnh gốm với nguồn gốc và niên đại khác nhau … cũng đã được đưa về Bảo tàng Chăm Đà Nẵng để phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày.
Ông Nguyễn Chiều, Giảng viên ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, người trực tiếp tham gia khai quật, khảo cổ nhận định: “Những kết quả khảo sát và khai quật bước đầu này là gợi mở và định hướng cho những bước nghiên cứu tiếp theo tại Quá Giáng. Với việc phát hiện các tượng thần Đấng tự tại - Isana, Thần Sấm sét - Indra, Thần Lửa - Agni, phải chăng tại di tích Quá Giáng đã từng tồn tại một tổ hợp đền tháp thờ các vị thần phương hướng (Dikpalakas ) giống với nhóm tháp A tại di tích Mỹ Sơn(?). Không những thế, với số lượng lớn hiện vật đầu tượng thu được tại đây, các hiện vật đá nguyên khối có kích thước lớn đã đặt ra cho chúng ta một dấu hỏi lớn về quy mô, vị trí của di tích Chăm ở Quá Giáng trong sự tồn tại và phát triển của các di tích Champa tại thành phố Đà Nẵng”.
Các nhà khảo cổ cũng đưa ra kiến nghị: Sắp tới, con đường vành đai của thành phố Đà Nẵng sẽ đi qua khu vực thôn Quá Giáng 2, gây ảnh hưởng, là nguy cơ đe dọa sự tồn tại của di tích Chăm ở Quá Giáng. Điều đó đòi hỏi các cơ quan, ban, ngành ở địa phương cần có một phương án tối ưu góp phần nghiên cứu và giữ gìn, bảo vệ một di tích độc đáo, có những nét riêng biệt và tiêu biểu trong hệ thống các di tích Chăm tại Việt Nam.
Khánh Hiền