Đã đến lúc thợ thủ công "kiếm bộn tiền"?
(Dân trí) - Những người thợ thủ công đưa nét văn hóa và cả những câu chuyện ý nghĩa vào từng sản phẩm của họ. Người thợ thủ công nắm giữ những tiềm lực đầy hứa hẹn trong bối cảnh kinh tế mới.
Trước đây, thủ công mỹ nghệ vốn được xem là một yếu tố hấp dẫn du lịch hoặc một ngành tiểu thủ công nghiệp, nhưng ngày nay, nghề thủ công có giá trị và tiềm năng tăng trưởng lớn trong nền kinh tế toàn cầu. Đồ "handmade" thu hút đông đảo giới trẻ nói riêng và người tiêu dùng nói chung. Do đó, việc chuyển hướng phát triển chuỗi cung ứng thủ công đang trở thành một xu hướng của thời đại.
Nghệ nhân có thể được định nghĩa là người tạo ra một sản phẩm, như đồ dệt may hay phụ kiện, theo cách thủ công. Cô Sofiya Deva, người sáng lập công ty This Same Sky, một thương hiệu chuyên về phong cách sống lấy các nghệ nhân làm trung tâm, đã đưa định nghĩa này lên một tầm cao hơn.
Cô cho rằng nghề thủ công cần gắn với di sản văn hóa và nguồn gốc của gia đình. Các nghệ nhân hợp tác với thương hiệu của cô thường nắm giữ bí quyết nghề gia truyền qua nhiều thế hệ.
Trên toàn cầu, các doanh nghiệp thủ công tạo việc làm cho hàng trăm nghìn người và là nguồn tuyển dụng nhân lực lớn thứ hai ở các nước đang phát triển. Thực tế đã chứng minh rằng phát triển nghề thủ công giúp duy trì bình đẳng giới và hỗ trợ các nền kinh tế địa phương ở cả các nền kinh tế phát triển và đang phát triển, cũng như bảo tồn và thúc đẩy văn hóa một cách bền vững.
Theo cô Sofiya Deva, có ba lý do khẳng định vai trò quan trọng của các nghệ nhân trong nền kinh tế hiện nay:
Nghệ nhân là lực lượng bảo tồn các nét văn hóa có nguy cơ bị thất truyền
Mặc dù rất khó để định lượng giá trị to lớn của một cộng đồng thợ thủ công, nhưng truyền thống làng nghề một khi đã mất thì rất khó khôi phục, bởi bí quyết trong nghề thường được truyền miệng.
Nghề thủ công không chỉ tạo ra sinh kế cho người dân mà còn là sự gắn kết, niềm tự hào về truyền thống. Ở quy mô rộng hơn, sự đa dạng về văn hóa làm cho đời sống tinh thần của chúng ta trở nên giàu có hơn và linh hoạt hơn trong cả khả năng thể hiện bản thân và kết nối với những người khác.
Cô Sofiya Deva phát hiện ra rằng việc các nghề thủ công thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về vật chất và sự sáng tạo, bắt nguồn từ ý thức về nguồn gốc và lịch sử của người dân.
"Để trở thành một nghệ nhân, một người cần có kiến thức sâu rộng, thực hành nghề thường xuyên và có khả năng thích ứng với đời sống đương đại. Điều đó khiến mỗi nghệ nhân đều rất giàu có về vốn sống và kinh nghiệm làm nghề, họ thực sự là một kho tàng quý báu", cô Deva cho biết.
Các nghệ nhân cung cấp giải pháp bền vững cho các ngành sản xuất
Chẳng hạn như ngành thời trang may mặc đang phải đối mặt với tình trạng tạo ra quá nhiều rác thải, sản phẩm bị bỏ đi nhanh chóng vì hết mốt, gây ô nhiễm môi trường. Người tiêu dùng có trách nhiệm đang hướng tới một mô hình thời trang mới, thân thiện với môi trường mà vẫn đảm bảo sự độc đáo, tính thẩm mỹ.
Nhiều thương hiệu hiện nay tập trung vào các lô hàng nhỏ, có giá cả hợp lý và sản phẩm độc đáo, ngoài ra còn góp phần làm giảm tác động đến môi trường.
Cô Sofiya Deva giải thích rằng mô hình kinh doanh của cô được thành lập dựa trên mối quan hệ tương quan với khách hàng. Hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm vẫn là những yếu tố quan trọng.
Ngoài ra, những sản phẩm mang giá trị độc đáo và truyền tải những thông điệp có ý nghĩa khiến khách hàng bị thu hút hơn hẳn, mà những yếu tố này chủ yếu chỉ được tìm thấy trong hàng thủ công chất lượng cao.
Thị trường thủ công mỹ nghệ đang phát triển nhanh chóng
Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khiến thị trường lao dốc, nhu cầu đối với các sản phẩm thủ công vẫn tiếp tục tăng, thậm chí còn tăng gấp đôi so với những năm trước. Năm 2017, thị trường thủ công mỹ nghệ toàn cầu đạt giá trị 526,5 tỷ USD và được dự báo sẽ tăng trưởng gần gấp đôi trong năm nay.
Tương lai hứa hẹn của các sản phẩm thủ công đã thúc đẩy cô Sofiya Deva phát triển dòng sản phẩm khăn quàng cổ và khăn rằn in bằng tay, ngay cả trong bối cảnh đại dịch toàn cầu và suy thoái kinh tế, nhu cầu của khách hàng đối với hàng thủ công chất lượng và độc đáo vẫn rất hứa hẹn.
Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng những sản phẩm thủ công có tính an toàn đối với người sử dụng và góp phần bảo vệ môi trường, bởi hàng thủ công thường được sản xuất bằng những phương pháp rất thân thiện với môi trường.
Hơn thế, giá trị văn hóa của các sản phẩm này còn là những lý do khiến sản phẩm trở nên đặc biệt hơn hẳn. Điều này giúp nghề thủ công có thể phát triển mạnh mẽ trong nền kinh tế mới. Các nghệ nhân có thể đại diện cho ngành thủ công mỹ nghệ phát triển đầy hứa hẹn trong tương lai, đồng thời giúp kết nối chúng ta lại với cội nguồn văn hóa.