Đã đến lúc Nhà hát Lớn Hà Nội phải sáng đèn quanh năm?
(Dân trí) - Sáng nay (22/8) tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra cuộc họp báo công bố các Chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu đạt chất lượng cao về tư tưởng, nội dung nghệ thuật sẽ bắt đầu công diễn thường xuyên tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Theo đó, từ cuối tháng 8/2016, 12 Nhà hát của Bộ VHTTDL sẽ lần lượt đưa các tác phẩm tiêu biểu của nhà hát để biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Mở đầu sẽ là 3 chương trình, tác phẩm chào mừng kỷ niệm 71 năm Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945-02/9/2016). Từ năm 2017, những chương trình nghệ thuật, tác phẩm chất lượng cao sẽ được biểu diễn định kỳ vào các ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật tại Nhà hát Lớn Hà Nội, đưa Nhà hát Lớn thành địa chỉ “đỏ” của hoạt động nghệ thuật tiêu biểu của cả nước.
Ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VHTTDL chia sẻ, kế hoạch biểu diễn các chương trình nghệ thuật, các tác phẩm sân khấu chất lượng cao tại Nhà hát Lớn Hà Nội là nhằm thực hiện chủ trương của Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện về bảo tồn nghệ thuật truyền thống, xây dựng tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao. Nhiệm vụ của các nhà hát là xây dựng tác phẩm có chất lượng, các tác phẩm đưa vào đây để xứng với cái đẹp, quý của Nhà hát Lớn. Nhà hát Lớn sẽ trở thành địa chỉ hoạt động nghệ thuật tiêu biểu của Hà Nội và cả nước.
Với kế hoạch này, ngoài việc phục vụ khán giả và khách quốc tế các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu tiêu biểu, có chất lượng nghệ thuật cao thì còn tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất để các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ, diễn viên có nhiều cơ hội thể hiện tài năng, sức sáng tạo nghệ thuật, cống hiến nhiều hơn cho khán giả trong không gian văn hóa sang trọng nhất của Thủ đô Hà Nội. Đây cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá tinh hoa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục NTBD chia sẻ, không chỉ trong những tháng cuối năm 2016 mà vào những năm tới, Nhà hát Lớn sẽ trở thành điểm biểu diễn tiêu biểu, phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước cùng với việc tới tham quan, chiêm ngưỡng di tích lịch sử quý giá. Nhà hát cũng sẽ là địa điểm để nghệ sĩ thể hiện những tác phẩm nghệ thuật đạt chất lượng cao, là địa chỉ thường xuyên cho khán giả yêu nghệ thuật. Ông Chương nhấn mạnh rằng, mục tiêu dài hơi của kế hoạch này là động lực cho nghệ sĩ, các đơn vị nghệ thuật xây dựng tác phẩm nghệ thuật đạt chất lượng cao.
“Chủ trương của Bộ VHTTDL thời gian qua đã đem lại niềm vui lớn đối với các nhà hát, các nghệ sĩ khi họ được biểu diễn ở sân khấu “đẳng cấp” bậc nhất cả nước mà không phải lo về kinh phí. Việc bán vé biểu diễn chủ yếu được giao cho Nhà hát Lớn và Văn phòng Bộ VHTTDL”, ông Chương nói.
Theo Cục trưởng Cục NTBD thì từ năm 2017, Nhà hát Lớn sẽ “sáng đèn” định kỳ vào Thứ Bảy, Chủ nhật để đón khán giả. Và Bộ sẽ “rộng cửa” đón các nhà hát trên cả nước, không phân biệt tư nhân, công lập, chỉ cần tác phẩm có chất lượng cao.
PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái, nhà nghiên cứu sân khấu bày tỏ sự ủng hộ trước chủ trương của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện. Theo bà, đây là “chỉ đạo mang tính chiến lược, tháo gỡ cho khủng hoảng về người xem đối với nghệ thuật”.
“Xây dựng tác phẩm đỉnh cao phải từ những người nghệ sĩ không phải lo chút gì về tiền bạc. Các nhà hát, khi có chủ trương này, nhiệm vụ là xây dựng tác phẩm có chất lượng cao. Còn trách nhiệm của Bộ VHTTDL là cung cấp hội đồng đánh giá, thẩm định về chất lượng”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nói thêm.
Trước mắt, vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2016, sẽ có đợt biểu diễn chào mừng kỷ niệm 71 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chương trình đầu tiên là “Hòa nhạc Giao hưởng đặc biệt” công diễn vào lúc 20 giờ 30/8 do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn. Tiếp theo, vở kịch nói “Biệt đội báo đen” của Nhà văn Chu Lai công diễn vào 20 giờ 31/8 do Nhà hát Kịch Việt Nam biểu diễn. Vở kịch nói về hành trình đi tìm nhân cách, bản ngã, lương tri… con người kéo dài suốt từ chiến tranh sang hòa bình. Đó là khúc tráng ca của đơn vị đặc nhiệm mang tên Báo đen mà nhân vật chính Sáu Thành - một chiến binh ngang tàng, kiên nghị dám sống đúng mình, dám đương đầu với hoàn cảnh, kẻ thù và cả những nhá nhem trong hàng ngũ. Dù ở thời đại nào đi chăng nữa, thời chiến hay thời bình, quá khứ hay tương lai… thì sự thật và công lý vẫn sẽ luôn được bảo vệ, sẽ không bao giờ bị bóp méo.
Chương trình “Âm nhạc và các trích đoạn Chèo truyền thống mẫu mực” công diễn vào 20 giờ 1/9 do Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn. Chương trình năm cung chèo là bức tranh đầy mầu sắc của những số phận các nhân vật điển hình trong nghệ thuật chèo. Cung bậc cảm xúc hòa quyện với hình thức biểu diễn (hát-múa-diễn) giới thiệu nét đẹp nghệ thuật dân gian truyền thống có tự lâu đời của người Việt.
Cũng trong tháng 9 tới, tại Nhà hát lớn còn công diễn các tác phẩm: Kịch nói “Công lý không gục ngã” của tác giả Lê Chí Trung; múa rối “Nhịp điệu quê hương”. Sang tháng 10, sẽ có các chương trình: Múa rối “Vũ điệu Hoa Quỳnh”; “Hoà nhạc và các trích đoạn Tuồng cổ mẫu mực”; vở cải lương “Vua thánh triều Lê” của tác giả Lê Duy Hạnh. Tháng 11 có “Nghêu, sò, ốc, hến” của Nhà hát Tuồng, “Dạ khúc tình yêu” của Nhà hát Vũ kịch Việt Nam, “Xúy Vân” của Nhà hát Chèo Việt Nam, “Hương sắc Việt Nam” của Nhà hát Ca - Múa - Nhạc Việt Nam. Tháng 12 có “Ba lê cổ điển “Kẹp hạt dẻ” của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, vở “Hamlet” của Nhà hát Kịch Việt Nam, “Nếp nhăn và Nụ cười” của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, chương trình “Hòa nhạc giao hưởng đặc biệt II” của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và vở kịch “Ai là thủ phạm” của Nhà hát Tuổi Trẻ.
Hà Tùng Long