“Cựu binh Mỹ sống tại Việt Nam suốt 45 năm” là một trò lừa đảo
(Dân trí) - Một tuyên bố gây kinh ngạc mới đây của một người đàn ông ngoại quốc đã sống nhiều năm tại Việt Nam, rằng ông ta chính là cựu binh Mỹ bị mất tích 45 năm trước, giờ đây đã được khẳng định là một trò lừa đảo.
Câu chuyện về trung sĩ John Hartley Robertson được kể lại trong bộ phim tài liệu mới ra mắt mang tên “Unclaimed” đã thu hút sự chú ý của báo chí nhiều nước trên thế giới kể từ khi phim bắt đầu ra mắt vào thứ 3 tuần này.
Câu chuyện đã đưa lại một giả thuyết gây sửng sốt về việc một lính Mỹ sau khi bị quân du kích Việt Nam bắt giữ, đã được thả ra và lập gia đình với một phụ nữ địa phương, sinh con đẻ cái tại đây và không liên lạc gì với vợ con ở Mỹ nữa.
Tuy vậy, câu chuyện này đã bị khẳng định là bịa đặt và người đàn ông kia không phải là trung sĩ Robertson. Thực chất ông ta là một kẻ giả mạo cố gắng trà trộn để trở thành một cựu binh Mỹ bằng cách sử dụng danh tính của một cựu binh đã mất tích trên chiến trường Việt Nam.
Theo thông tin từ tờ Daily Mail, cách đây 20 năm, một nhân viên CIA đã bí mật kiểm tra DNA của người đàn ông này và khẳng định những gì ông ta nói là sai sự thật.
Trung úy John Hartley Robertson thuộc Lực lượng Đặc nhiệm Mũ nồi Xanh là nhân vật được đề cập tới trong một bộ phim tài liệu mới đây mang tên “Unclaimed”. Bộ phim đưa ra giả thuyết rằng người đàn ông mà họ tìm thấy chính là trung sĩ Robertson vẫn còn sống khỏe mạnh sau 44 năm được cho là đã mất tích.
Người đàn ông ngoại quốc sử dụng tên tiếng Việt – Đặng Tấn Ngọc bị cho là kẻ giả mạo đang cố gắng mạo nhận mình là cựu binh Mỹ đã mất tích.
Một bản ghi nhớ được viết từ năm 2009 bởi Phòng Bảo vệ Tù nhân và Cán bộ Mất tích trong Chiến tranh (DPMO) đã được gửi tới cho tờ MailOnline vào thứ 3 vừa qua, trong đó khẳng định người đàn ông mang tên Đặng Tấn Ngọc đã trở thành nhân vật được chi nhánh văn phòng tại Việt Nam quan tâm chú ý từ năm 2006.
Ông này đã từng tuyên bố mình là trung sĩ John Hartley Robertson nhiều lần. Ông cũng đã được văn phòng tại Việt Nam mời tới phỏng vấn và trong quá trình nói chuyện, ông ta đã phải thú nhận rằng mình không phải là trung sĩ Robertson.
Tuy vậy, đến năm 2008 ông này một lần nữa lại giả mạo là một cựu binh Mỹ bị mất tích và được đưa tới Đại sứ quán Mỹ ở Phnom Penh để lấy dấu vân tay. Nhân viên FBI đã so sánh dấu vân tay và đưa ra kết luận vào tháng 2/2009 rằng dấu vân tay của ông Ngọc không khớp với dấu vân tay của trung sĩ Robertson.
Phía Mỹ tin rằng đây là những nỗ lực nhằm ăn cắp danh tính của một cựu binh Mỹ mất tích nhằm lừa gạt tiền đền bù và trợ cấp của chính phủ Mỹ. Người đàn ông này gần đây nhất lại xuất hiện trong bộ phim tài liệu “Unclaimed” và một lần nữa tuyên bố ông ta là trung sĩ John Hartley Robertson.
Trung sĩ Robertson được cho là đã mất tích trong khi thực hiện nhiệm vụ hồi năm 1968. Gần đây, một đồng đội cũ của ông – Tom Faunce đã gặp ông Ngọc và tin vào câu chuyện bịa đặt này. Nó đã dẫn tới một cơn sóng gió trong giới truyền thông kể từ thứ 3 vừa qua.
Thực chất câu chuyện của ông Ngọc không còn xa lạ với một số cựu binh Mỹ. Cựu binh Don Bendell (trái) đã dành ra nhiều năm để vạch trần sự dối trá của người tự xưng là trung sĩ Robertson. Cựu binh Major Mark “Zippo” Smith (phải) cũng đã từng lấy DNA của ông Ngọc để làm bằng chứng khẳng định ông này đang nói dối.
Thượng sĩ nghỉ hưu Billy Waugh từng phục vụ trong lực lượng đặc nhiệm cũng bác bỏ thông tin rằng ông Ngọc có thể là trung sĩ Robertson.
Ông Đặng Tấn Ngọc khẳng định mình là trung sĩ Robertson nhưng đã quên mất cách nói tiếng Anh sau nhiều năm sống tại Việt Nam. Ngoài ra, vì não bộ bị chấn thương trong tai nạn máy bay năm xưa nên ông không thể nào nhớ được ngày sinh của mình cũng như tên của các con ông hiện đang sống tại Mỹ.
Tuy vậy, một điều kỳ lạ là người chị gái 80 tuổi của trung sĩ Robertson – bà Jean Robertson Holley lại tin rằng ông Ngọc chính là em trai của bà. Một trong những chi tiết kịch tính trong phim tài liệu “Unclaimed” chính là cuộc gặp đầy nước mắt giữa bà Jean và ông Ngọc, trong cuộc gặp này bà đã khẳng định ông Ngọc chính là người em trai bấy lâu bị mất tích.
Theo cựu binh Don Bendell, ông Ngọc thực chất là một người Pháp đã sống nhiều năm tại Việt Nam đang tìm cách tiếp cận những cựu binh Mỹ tới Việt Nam để mạo nhận danh tính hòng trục lợi từ những người cả tin.
Những thành viên cấp cao trong lực lượng đặc nhiệm năm xưa đã khẳng định với tờ MailOnline rằng những lời ông Ngọc nói trong bộ phim tài liệu “Unclaimed” mới đây đều là dối trá. Ước tính người đàn ông này đã thu được hàng chục ngàn đô la từ những cựu binh cả tin.
Trung sĩ Robertson (ngoài cùng bên trái) trong bức hình được chụp năm 1968. Đây cũng là năm trung sĩ này được tuyên bố mất tích trong khi làm nhiệm vụ.
Được biết, từ năm 1991, cựu binh Major Mark “Zippo” Smith và thượng sĩ phục vụ trong lực lượng CIA - Billy Waugh đã tìm tới gặp ông Ngọc để tìm ra chân tướng sự thật bằng cách lấy DNA của người đàn ông này.
Đại úy trong lực lượng đặc nhiệm Robert Noe trên trang website do ông thành lập dành cho các cựu binh Mỹ trở về từ cuộc chiến tranh Việt Nam cho biết nhiều cựu binh Mỹ đã biết về trường hợp giả mạo của ông Ngọc từ lâu:
“Một trong những điều đầu tiên khiến tôi nghi ngờ chính là ông ta đã quên cách nói tiếng Anh. Robertson phục vụ trong lực lượng đặc nhiệm, điều đó có nghĩa anh ta có một khả năng ngôn ngữ đặc biệt. Không ai có thể quên tiếng mẹ đẻ sau khi đã nói ngôn ngữ đó hơn 30 năm.”
Quay phim Allan Leader và nhà làm phim Michael Jorgensen tới Việt Nam làm phim “Unclaimed” hồi năm 2012.
Nhà làm phim Michael Jorgensen là người chịu trách nhiệm sản xuất phim tài liệu “Unclaimed”. Jorgensen cho biết anh không có bất cứ bình luận gì về việc ông Ngọc có phải trung sĩ Robertson thật hay không. “Unclaimed” chỉ kể về cuộc hành trình của cựu binh Tom Faunce trong quá trình cố tìm ra sự thật về người đàn ông mang tên Đặng Tấn Ngọc.
Cựu binh Tom Faunce là người đã gặp gỡ ông Ngọc trong một chuyến hoạt động tình nguyện tại Việt Nam và bị thuyết phục rằng ông này chính là trung sĩ Robertson.
Faunce đi bộ dọc đài tưởng niệm cựu chiến binh Mỹ tử trận tại Việt Nam đặt ở thành phố Washington. Tên của trung sĩ Robertson được khắc tại đây cùng với 60.000 binh lính Mỹ khác.
Bà Jean Robertson Holley – chị gái trung sĩ Robertson khẳng định rằng bà sẽ không thực hiện kiểm tra DNA bởi bà biết đó chính là em trai của bà. Hai con gái của Robertson hiện đã từ chối làm kiểm tra DNA.