“Cướp, giật” tiền cúng cô hồn: Bạo lực không kém cảnh cướp lộc!
(Dân trí) - Hình ảnh hàng trăm người xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để “giật tiền cúng cô hồn” gây nên cảnh náo loạn, tắc nghẽn trên đường phố Sài Gòn khiến dư luận phải kinh hãi. Theo Giáo sư Trần Lâm Biền, cảnh tượng ấy chẳng khác nào cảnh cướp lộc bị lên án tại một số lễ hội.
Ngày 5/9 (nhằm ngày 15/7 âm lịch), nhiều nhà dân, công ty, cửa hàng kinh doanh tại khu vực Chợ Lớn bắt đầu tổ chức cúng cô hồn. Hàng trăm thanh niên mang theo vợt, bao tải, thậm chí cả thùng xốp... lao vào tranh đoạt tiền cúng gây nên cảnh náo loạn trên đường phố Sài Gòn. Không chỉ giẫm đạp, va chạm; hành vi “cướp”, “giật”, “vơ”… này còn khiến cả tuyến phố tắc nghẽn, tê liệt…
Trước hình ảnh phản cảm này, nhiều độc giả lên tiếng thể hiện sự bức xúc. “Miếng ăn là miếng tồi tàn! Người ta bỏ sĩ diện của mình nhặt 5-10 ngàn uống rượu, uống cafe ư?”, độc giả Hùng cảm thán. Độc giả Nguyễn Văn Trung thì cho rằng: “Hình ảnh thể hiện dân trí thấp kém. Lối sống muốn ăn sẵn, không muốn lao động. Bao giờ dân mình mới nâng cao được dân trí đây?”…
Lễ cúng cô hồn, xin lộc đang bị biến tướng?
Giáo sư Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam cho rằng cảnh tượng hàng trăm thanh niên lao vào tranh đoạt, giành giật tiền cúng ấy chẳng khác nào cảnh cướp lộc bạo lực bị lên án tại một số lễ hội.
“Những gia chủ, đơn vị kinh doanh ném nhiều tiền với mệnh giá không nhỏ cứ ngỡ làm phúc cho mình nhưng đã tạo ra tính xấu cho xã hội. Có lẽ quan niệm, càng nhiều người tụ tập, tranh đoạt tiền thì gia chủ càng ăn nên, làm ra nên họ đã đánh vào lòng tham của con người để tìm kiếm danh tiếng phù du? Tôi cảm nhận rằng, cảnh tượng tranh đoạt này chẳng khác gì cảnh cướp lộc từng bị dư luận lên án. Việc ném tiền như một sự phát chẩn, hành động coi khinh, làm bần tiện hóa con người”, Giáo sư Trần Lâm Biền.
Theo Giáo sư Trần Lâm Biền, lễ cúng cô hồn, xin lộc đang bị biến tướng. Trước đây, đồ cúng lễ cho những vong linh đã khuất thường là bát cháo, khoai… được người dân để bên ngoài. Trẻ con, người nghèo có thể đến ăn. Nhưng giờ đây, người ta cúng với những tờ tiền mệnh giá cao, đồ có giá trị về mặt kinh tế… nên mới dẫn đến cảnh tranh cướp nhốn nháo. Trách những người tranh cướp hám tiền, bất chấp dị nghị thì phải trách những người cúng lễ: giàu có nhưng văn hóa chưa cao. “Làm phúc, làm từ thiện không thiếu gì cách, không nhất thiết phải ném tiền cúng lễ, gây nên cảnh tượng không đẹp mắt này”, Giáo sư Trần Lâm Biền nói.
Cơ quan quản lý nên vào cuộc
Đồng tình với quan điểm của Giáo sư Trần Lâm Biền, nhà văn Trần Thị Trường cũng cho rằng quan niệm “cho đi để nhận lại” đang bị một số người hiểu sai: “Việc một số người cúng lễ, cho rằng cho đi nhiều và hi vọng sẽ nhận lại nhiều đã là một sự mặc cả xấu. Hãy giữ vẻ đẹp của việc cúng lễ ngày rằm, đừng biến thành sự mặc kể, gắn với giá trị kinh tế”.
Nhà văn Trần Thị Trường cho rằng, muốn tích đức, muốn làm việc thiện thì hãy biểu hiện bằng cách có văn hóa, trật tự hơn. Nếu có điều kiện, các gia chủ nên đóng góp cho các quỹ từ thiện, trại trẻ mồ côi, hoặc công đức nhà chùa…
Cũng theo nhà văn Trần Thị Trường, lệ “xá tội vong nhân” ý nghĩa hơn nếu không xảy ra cảnh tượng chen lấn, xô đẩy, tranh cướp của nhiều người. Chữ dùng trong lễ cúng là “thụ lộc”, “xin lộc” nhưng thực tế trần trụi là “cướp”, “giật”, “vơ”… làm tủi thân người nghèo.
“Tôi cho rằng, hành vi ném tiền ra đường là hành vi vi phạm pháp luật. Đấy là chưa nói đến, cảnh tượng này gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến giao thông đô thị. Nên chăng cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các nhà quản lý?”, nhà văn Trần Thị Trường nói.
Nguyễn Hằng